10/31/2008

3 cái nhà

Tôi thấy một cái nhà to đùng không giống với bất cứ cái nhà to đùng nào khác.
Trong nhà có bốn phòng ngủ, một nhà bếp, ba cái toilet, một phòng khách, một phòng thờ, một ban công to tròn, một khỏanh sân rộng rãi đủ để chứa một cái hồ cá có hòn non bộ to vật vã, một khỏanh vườn nhỏ, và bốn bộ bàn ghế. Nhà rộng, rất rộng, rộng đến nỗi tủ lạnh cũng có một cái phòng riêng cho nó.
Bốn phòng ngủ thênh thang, nhưng chỉ có một phòng sử dụng được, trong phòng có hai cái giường kê sát vào nhau, chiếm hết phân nửa cái phòng. Toalet rộng rãi, nhưng cái bồn rửa mặt thì vòi nước hư, và rỉ sét bám đầy trong khe vòi, bồn tắm nứt nẻ không sử dụng, và bồn cầu thì nghẹt nứơc từ lâu. Phòng bếp rộng rãi, nhưng bồn rửa chén bị hỏng vòi nên mỗi lần rửa thì lại phải ra cái sàn nước phía sau. Phòng khách rộng, có một cái tủ gỗ to đùng, không đựng gì ngòai mấy cái chén cũ bám đầy bụi, có bộ đèn chùm xa hoa nhưng không có lấy một cái ghế cho khách ngồi. Ban công trên lầu bám đầy bụi. Hòn non bộ khô héo quắt queo, không hiểu là vì thiếu nước, hay vì chán nản khi đã mấy năm rồi, nó chỉ nhìn thấy hai con rùa còm cõi bơi qua bơi lại trong cái hồ đục ngầu nước.
Trong nhà có ba người, thuộc ba thế hệ khác nhau: một bà ngọai đã hơn 80 tuổi, một bà mẹ đã hơn 50 tuổi, và một đứa con gái vừa hơn 10 tuổi.
Bà ngọai suốt ngày lủi thủi ở nhà, đi ra đi vô, dọn dẹp cái này, nấu cái kia, quét cái nọ. Rồi nhức mình, nằm dài trên giường, coi cải lương, rồi trông ngóng con cháu về cho nhà rộn một chút.
Bà mẹ sáng sớm dắt xe đi ra chợ mở cửa sạp quần áo. Trưa ăn cơm ngòai chợ. Tối về đi gom góp tiền góp từ các con nợ, rồi lẩm nhẩm tính tóan thiệt hơn, rồi đi lấy hàng, rồi tính tóan…
Đứa con gái sáng sớm đi học tới tối mới về. Rồi làm bài ở trường ở nhà, rồi ôm cái máy vi tính gõ gõ, hoặc ôm cuốn truyện im lặng đọc. Không biết vì tính nó vốn ít nói, hay vì nó chẳng có ai để mà nói.
Ngừơi ngòai nhìn vào ba người đó, rồi tặc lưỡi khen: nhà này hạnh phúc, nhà to cửa rộng, chẳng phải lo lắng gì cho tương lai, cũng chẳng phải lo lắng gì cho hiện tại, mà những người không phải lo thiếu thốn là những người hạnh phúc.


Tôi thấy có một cái nhà tập thể chẳng giống với bất cứ cái nhà tập thể nào khác.
Trong nhà có rất nhiều phòng. Mỗi phòng diện tích khỏang 10 mét vuông. Một nhà bếp, một toilet kiêm nhà tắm. Gần nhà bếp có cái cầu thang nhỏ dẫn lên một căn gác nhỏ. Trên căn gác đó lại bố trí thành hai phòng nữa.
Nhà có nhiều phòng, mỗi phòng có hai cái bóng đèn, nhưng cái phòng nhỏ phía trước thì lại tối mù mù. Có cái hồ cá cảnh nước đục lờ nhờ, không biết trở thành cái hồ muỗi từ bao giờ. Gian bếp và phòng tắm tối tăm, sàn nước lúc nào cũng trơn trợt, còn trên trần thì lúc nào cũng đầy mạng nhện.
Trong nhà có nhiều người. Từ bà nội, đến cô chú, đến chị em họ, đến ba, đến mẹ, đến hai đứa con. Người lớn nhất là bà nội thì đã hơn 60. Người nhỏ nhất là đứa con gái 13 tuổi. Cô chú và ba mẹ vào khỏang 40-50 tuổi, còn chị em họ thì vào khỏang 20 tuổi.
Bà nội ở nhà, thỉnh thỏang đi lòng vòng qua hàng xóm tám chuyện, ôi thôi thì đủ chuyện từ nhà ra ngõ, từ chuyện con ruột đến con dâu con rể, từ khen đến chê, không bao giờ hết chuyện.
Cô chú thì đi làm suốt ngày, có mặt ở nhà thì chẳng ai chào ai, đi ra vô như một cái bóng. Ít ai dẫn bạn về nhà, không biết là vì ngại nhà nhiều người, hay vì để bạn bè họ khỏi bỡ ngỡ khi gặp “con người ở nhà” của họ.
Ba đi làm. Mẹ cũng đi làm. Ba về nhà. Mẹ cũng về nhà. Họ đối diện nhau hằng ngày. Họ từ lâu đã bỏ cách xưng hô “anh-em”, không biết vì cạn tình, hay vì họ chẳng có gì để nói, nên cũng chẳng cần nghiên cứu ra cách xưng hô làm gì, cứ nói trỏng không thôi.
Mấy chị em họ ra vào nhìn mặt nhau, còn một chút sức trẻ, thỉnh thỏang là đùa vài câu rộn ràng. Thỉnh thỏang ngồi cười và nói chuyện tầm phào vài câu. Chị thỉnh thỏang dẫn bạn trai về, em thỉnh thỏang lôi bạn về nhà, rồi thôi.
Người ngòai nhìn vào, họ nói nhà này hạnh phúc: được quay quần với nhau, dâu rể con cháu, không biết đến khái niệm “cô đơn”, mà những người không cô đơn là những người hạnh phúc.


Tôi thấy một cái nhà lụp xụp chẳng giống với cái nhà lụp xụp nào khác.
Trong nhà có độc nhất hai phòng, một toilet và một cái phòng khác, tùy tình cảnh mà trưng dụng: lúc ăn thì là phòng ăn, lúc ngủ thì là phòng ngủ, lúc làm việc thì chất đầy hàng may gia công…, phía trên có một căn gác, đó là phòng riêng của gia đình nhỏ.
Nhà gồm nhiều người: đôi vợ chồng già, một cô gái ế chồng,đôi vợ chồng trẻ, và một thằng Bi năm nay vừa 2 tuổi.
Nhà thường rôm rả, bởi có nhiều cái miệng cứ nói liên hồi. Đôi vợ chồng già không xưng “anh-em”, cũng chẳng xưng ông-bà, mà xưng “mày-tao”, buồn tình thì lại lôi nhau ra mắng. Mắng thôi, chứ không làm gì nhau cả. Ngày ngày chăm chỉ ngồi may gia công, cứ chờ đến cuối tháng lấy tiền lương mà đánh đề.
Đôi vợ chồng trẻ cùng thằng nhóc Bi mập ú nu thì khác. Chồng đi làm. Vợ ở nhà may gia công. Thằng con thì loanh quanh trong xóm, chơi với đất với cát. Họ xưng hô là gì không rõ, vì cũng chẳng còn gì mà nói với nhau.
Cô gái ế chồng, vì cô ta béo phị. Cô ta cũng chẳng buồn suy nghĩ về chuyện đó, hay là có suy nghĩ nhưng chẳng bao giờ nói ra cho người khác biết. Ngày ngày may gia công phụ gia đình. Thôi thì, ở vậy với ba má cũng không đến nỗi tồi, chí ít cũng còn thằng cu Bi mà nựng để nó kêu là má hai.
Người ngòai nhìn vào, họ bảo nhà này hạnh phúc: vì học thức thấp, họ chẳng biết cái gì là đi lên, đi xuống, hay cái gì là phấn đấu, tham vọng… nên chẳng suy nghĩ gì nhiều, mà con người không suy nghĩ nhiều là con người hạnh phúc.


Cũng có người bảo: họ không hạnh phúc, vì họ thiếu thốn: gia đình thứ nhất thì thiếu người, thừa của, gia đình thứ hai thì thừa người, đủ của, còn gia đình thứ ba thì đủ người, thiếu của.
Tôi tự hỏi, liệu thử san cho nhau một chút, để ba gia đình đều “đủ” thì hạnh phúc có tròn hơn một chút không? Gia đình thứ hai cho gia đình thứ nhất một ít người, gia đình thứ nhất cho gia đình thứ ba một ít của, thế thì có tốt hơn không?
Chắc là không. Vì chúng tôi là con người mà, mà con người thì vướng nhiều thứ, chứ ai lại sẻ ra như đồ vật vậy?
Ngẫm, rồi lại ghen tị với đồ vật

0 comments:

Post a Comment

Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis