4/27/2019

End Game và đầy spoil

Sống sót qua nạn spoiler, không dám mở bất kỳ tin tức gì khi nhác thấy Avengers.

1. Natasha Romanoff

Có 2 cảnh làm mình khóc, thật sự khóc. Một là đoạn lúc Natasha liên lạc với đồng bọn qua màn hình, và hai là đoạn lúc Natasha chết. Mình chảy nước mắt không kềm được. Nàng quá xuất sắc. Nàng thực sự xuất sắc. Mình nhớ hồi xưa lúc coi review của Spider Man cũ có một người đã từng bảo lý do mà Gwen Stacy vĩ đại, không phải là vì cô nàng siêu thông minh hay gì, mà vì ngay cả khi cô nàng là người bình thường, không có tí teo năng lực, vẫn sẵn sàng nhào vào nguy hiểm khi nàng cho điều đó là đúng đắn.
Nếu xếp hạng sức mạnh thì chắc Natasha đứng đâu đó áp chót. Nàng là một người bình thường, ừa thì qua khóa huấn luyện tàn khốc dã man nàng tự nâng trình độ của mình lên ngang ngửa bất kỳ đấng nam nhi nào. Nhưng nói cho cùng, Natasha chỉ có súng, chỉ có vũ khí, khả năng đánh đấm đua xe đỉnh cao. Nhưng Natasha luôn là cái mẩu không thể nào thiếu của bất cứ đội hình Avengers nào ở bất kỳ thời kỳ nào.
Và Hawkeye. Mình thích Hawkeye. Ở Sokovia khi nói chuyện với Wanda đã từng bảo, ngoài kia là robot và người ngoài hành tinh, còn tôi thì chỉ có cung tên, nhưng tôi vẫn phải ra đó vì đấy là điều mà tôi làm.
Họ là những người bình thường chỉ có chút tố chất hơn người một chút, và lòng dũng cảm phi thường. So với sức mạnh của Captain hay những bộ giáp sắt của Iron Man, War Machine, phù thủy Wanda, thì họ đúng chỉ là những người bình thường. Nhưng họ vẫn luôn lao vào nguy hiểm để bảo vệ những điều mà họ cho là đúng đắn. Điều đó thì phi thường.
Lúc Barton và Natasha ở vách đá, mình thừa biết cuối cùng rồi người đổi lấy linh hồn sẽ là Natasha. Vì Barton còn gia đình, còn cô thì không. Lúc Barton trở về mà không có Natasha, anh quỵ xuống, Hulk quỵ xuống. Captain hỏi: có ai biết cô ấy có gia đình không. Và Hulk trả lời: có, gia đình của cô ấy là chúng ta.

Điều đó lý giải nhiều lắm. Sau sự kiện Thanos, những người khác bằng cách này hay cách khác đều move on, dù họ không thực sự move on. Captain làm đúng nhiệm vụ của Captain, đi động viên người khác. Hawkeye biến mình thành Ronin tàn độc đi trả thù thế giới. Còn Natasha thì cứ bám víu lấy đồng đội. Lúc cô ngồi khóc với miếng sandwich, nỗi đau cứ tràn ra như đê vỡ mà không ai vá víu gì được. Nó đau hơn nhiều, khốn khổ hơn nhiều so với lúc Wanda nói với Thanos rằng hắn đã lấy đi tất cả của cô ấy.

Những plot hole không đậy nổi của nội dung làm mình thực ra hơi bị thất vọng, nhưng phần này là đỉnh cao của diễn xuất. Thực sự. Mình chính thức ở thành fan của Scarlett Johansson rồi.

2.

Sự hiện diện của Natasha làm cho Carol Danvers lại càng trở nên thô thiển quá. Tại sao lại cần một Carol Danvers để vực dậy nữ quyền trong khi nữ quyền những năm qua chưa hề chìm xuống. Natasha như vậy mạnh mẽ, như vậy xinh đẹp, như vậy thông minh, như vậy khéo léo, chìm cái chỗ nào. Thậm chí so với Carol Danvers thì Natasha Romanoff mới là sức mạnh nữ quyền thực sự. Cô ấy ngoài việc biết điểm mạnh của mình ở đâu, còn đủ biết điểm yếu của mình ở chỗ nào, cô chưa từng ngần ngại núp dưới khiên của Captain trước những chấn động hay yêu cầu trợ giúp khi cần. Natasha dùng trí tuệ và khéo léo của mình giải quyết vấn đề, làm gián điệp, tra hỏi. Thậm chí đến cách cô ấy đánh nhau cũng ngập tràn nữ tính, chứng tỏ nữ tính không hề thiếu sức mạnh - đó mới là nữ quyền thứ thiệt. Chứ không phải đi cạnh tranh cơ bắp với đàn ông là nữ quyền, không phải.

3.

Và, quả thật niềm hân hoan với Endgame của mình giảm đi hơn phân nửa sau khi coi Captain Marvel, nên phim này làm mình ít thất vọng hơn so với mức mình nghĩ khi xem Captain Marvel. Nhưng nói cho cùng vẫn là thất vọng tương đối. Thất vọng về plot thôi, không thất vọng về diễn xuất hay cảnh quay hay dựng phim.
Bởi vì vốn dĩ con người không thể kiểm soát thời gian, nên khi làm phim về việc kiểm soát thời gian, lại làm quá rõ ràng như vậy (làm mơ hồ kiểu Arrival còn thấy lỗi chứ đừng nói tới việc làm kiểu minh bạch như vầy).

1/ Cần hạt Pym để di chuyển xuyên thời gian: thì Thanos dùng cmg để đem cả đoàn quân đến vậy.
2/ Gamora quá khứ đi đâu rồi, bay màu luôn? Nếu có thể đem Gamora từ quá khứ đến, sao không đem Natasha theo cách đó trở về? Hai người cùng một kiểu chết mà? Mau trả Natasha cho tôi!
3/ Iron Man đã lấy cái găng từ tay Thanos như thế nào? Tại sao phải là Iron Man chứ không phải ai khác, thí dụ như cho Hulk đeo tay trái?
4/ Thay đổi quá khứ, dù chỉ là một cánh bướm, sẽ dư sức làm cho hiện tại tan nát. Thành thử ra, về lý thuyết thì chỉ duy có một cách để giải thích du hành thời gian, là thuyết đa vũ trụ - giống như 14 triệu cái vũ trụ mà Dr Strange đã thấy, đấy là đa vũ trụ, đó cũng lý giải cho quá khứ lúc Iron Man để mất cục tesseract vô tay Loki và biến mất thì Loki đâu rồi. Nhưng nếu hợp lý chỗ này, thì sẽ không hợp lý chỗ Captain lúc cuối phim, già nua và ngồi nhìn con sông, trao lại cái khiên cho Falcon.

Mình không cảm thấy lúc lấy Soul Stone là không hợp lý, họ yêu thương nhau tới mức giành nhau chết để lấy Soul Stone, nhiêu đó là quá đủ đau khổ rồi. Mình chỉ cảm thấy, vốn đã biết điều kiện của Soul Stone (Nebula phải nói với họ chứ), thì sao không nghĩ ra từ đầu để tìm cách giải quyết khác mà để cho Natasha chết như vậy.

Mình thích những đoạn quay lại quá khứ, Tony gặp cha mình, Thor (!!!) gặp mẹ mình, nếu thực sự suy nghĩ về chuyện đó thì đúng là rất sâu sắc luôn. Mình thích lúc Frigga thông thái chặn Thor nói về cái chết của bà, con về đây để thay đổi tương lai của con chứ không phải của mẹ.
Đoạn lúc kết, khi mà toàn bộ Avengers ở đó để mà chiến đấu, nói thật mình thấy còn không phấn khích bằng lúc Captain có thể dùng Mjölnir. Cũng không phấn khích bằng lúc cả đội đối diện đám quái vật hay Ultron. Quá nhiều, bận chia cảnh, nên cảm thấy kiểu gì cũng không đủ. Lúc Nhện bé bị vây, thì hội các chị gái nhào tới bảo vệ, nói thật là có thể do mình bị Captain Marvel và chủ nghĩa nữ quyền cực đoan lấn át, nên thấy còn không cảm xúc bằng lúc Wanda bị Proxima vây khốn thì Okoye và Natasha ở đó để bảo rằng: cô ấy không phải chỉ có một mình.
Và Thor. Oidou. Mình nói thật mình không biết cái gì đau lòng hơn, sự hy sinh của Iron Man hay là sự phát tướng của Thor. Thor Ragnarok hay nhất trong cái phần Thor do bỏ bớt hình tượng u ám và thêm vào rất nhiều điều hài hước. Và Thor cắt tóc bảnh trai tuyệt đối của Infinity thì hoàn toàn là nam thần theo đúng nghĩa đen. Nhưng vậy cũng đâu có cần phát phì ra mất hết chất, cuối cùng lại còn đi theo Guardians. Mình không có ưa Guardians, mình không có ưa. Thor mà đi theo Guardians thì thôi chết ngắt rồi. Thà chết còn hơn.

Nói chung là, nếu đem Infinity đặt ở mức 10 điểm, Civil War mình cho 11 điểm, còn EndGame thì chắc tầm đâu đó 7-8 mà thôi...
Bởi vì, mình thích hoành tráng đấy, nhưng mình thích chiều sâu hơn. Civil War cho mình chiều sâu của xã hội thực sự, Infinity cũng vậy. Còn EndGame thì không, EndGame đơn thuần quay về mức xuất phát ban đầu của sự hy sinh phi thường, cao cả, tinh thần đồng đội và chiến đấu - điều vốn dĩ Avengers đầu tiên và Age of Ultron đã làm quá tốt. Đem toàn bộ nhân vật ra để mặc niệm cho một cái End hoành tráng, thì có hoành tráng thật đấy, nhưng mà - giống như nhóm nhạc 48 thành viên, quá nhiều và quá ít.

4/22/2019

22.4.2019

Với tình trạng post đã chất thành đống 206 cái, mình thành thật hy vọng bài này có thể post lên.

Gần đây mình có đọc 1 bài về một cậu thanh niên Trung Quốc 17 tuổi đã nhảy cầu tự vẫn. Vấn đề là, camera ghi lại hình ảnh trước đó, và tin đồn là, sau khi mâu thuẫn với bạn học, cậu bé bị mẹ mắng trên đường về, quá uất ức nên nhảy cầu chết ngay trước mặt mẹ. Nghe qua thì cứ tưởng bốc đồng, coi clip mới thấy, bà mẹ dừng xe ngay giữa cái cầu trên đường cao tốc rồi bước ra khỏi xe, đi ra phía sau xe, sau đó mở cửa và tiếp tục mắng chửi, rồi lại chửi, rồi lại mắng. Mình thì tưởng tượng cuộc đối thoại đó sẽ như vầy: "Mẹ vất vả nuôi mày để mày làm mất mặt mẹ vậy sao, hay là mày muốn mẹ chết cho mày coi" - dừng xe lại ngay giữa cầu - "vậy thì mẹ chết liền cho mày vừa lòng" - bước ra ngoài - "đây, tao chết đây, tao đi ra ngoài cho xe đụng chết tao cho rồi đi chứ chứng kiến việc mày làm tao thà chết cho rồi, rõ ràng mày muốn tao chết nên mới làm vậy, đúng không, vậy mày coi tao chết đây". "Sao, xin lỗi cái gì, mày làm tao quá mất mặt, mày rõ ràng muốn tao chết mà."

Sau đó đứa con chịu hết nổi, nó nhào ra ngoài, phóng đến lan can và cho mẹ nó biết cái gì gọi là "chết".

Người chết không phải là bà mẹ. Bà ta đậu xe trên đường cao tốc, mắng nhiếc con mình, đòi sống đòi chết, nhưng khi con mình nhảy xuống, bà ta không nhảy theo, bà ta chứng kiến, rồi thụp xuống khóc lóc, nhưng bà ta không nhảy theo. Mình đã luôn tự hỏi, tại sao bà ta không nhảy theo, đâu có ai rảnh ra túm bà ta lại. Bà ta không hề có dấu hiệu muốn leo lên lan can nhảy theo hay gì luôn. Bà ta càng không đủ bình tĩnh để gọi cảnh sát gọi cấp cứu hay tìm cách chạy xuống phía dưới, bà ta chỉ có thể thụp xuống khóc lóc, đánh đấm mặt đất, có lẽ là gào khóc. Như bất kỳ người phụ nữ đòi sống đòi chết nào, bà ta chỉ gào khóc, chứ vốn không dám chết, không muốn chết. Bà ta coi cái chết của bà ta giống như sự trừng phạt cho người con, chứ không phải bà ta muốn chết thật. Chết thật thì đâu có mà thấy được sự hối hận gì đó mà bà ta muốn thấy ở chồng con chứ.

Nhưng đứa con, lại là một thằng con trai, nó muốn chết, thì nó chết. Vậy đó. Dứt khoát, quyết tuyệt, không một giây một khắc do dự. Nó lao ra khỏi xe, chạy tới lan can cầu, và nhảy xuống, và chết. Mình không thương tiếc đâu, người anh em, ra đi mạnh giỏi, cậu đã được giải thoát khỏi chốn đời này rồi.

Mình hoàn toàn rõ ràng mình đang tự suy diễn dựa trên hoàn cảnh của bản thân, hoàn toàn là tư tưởng một chiều đầy thiên kiến, bởi vì mình đã làm con nhưng chưa từng làm mẹ. Cho nên mình hoàn toàn đứng về phía đứa con. Cho nên mình hoàn toàn ủng hộ việc nó làm. Mình cảm thấy, có một câu rất đúng, rằng, trên cuộc đời này không có sự trừng phạt nào tàn khốc hơn việc một người mẹ mở trừng trừng mắt mà nhìn con mình chết ngay trước mặt mình. Nó tự giết nó. Nó không muốn sống nữa. Còn sự phỉ báng nào lớn hơn như thế. Còn sự trừng trị nào ác độc hơn như thế.

Mình nghĩ nhiều về cái chết, rất nhiều, rất nhiều. Đôi khi cái chết đối với mình là một sự giải thoát, và đôi khi - sẽ là nói dóc nếu mình phủ nhận việc mình từng xem cái chết là sự trừng phạt đối với những người đang sống. Mình luôn cố gắng nghĩ, chừng nào cái tư tưởng dùng cái chết để trừng phạt người khác trong đầu mình không còn mảy may, mình sẽ chết một cách thuần túy là giải thoát bản thân khỏi cuộc đời nặng nề này, dối trá, ngu dốt, và đầy bất lực. Đó là tự giải thoát, đó là - như cách đây hơn chục năm mình đã nói - lời cuối cùng "ráng đợi qua lần này thôi, sẽ không còn gánh nặng nào nữa..."

Rồi câu chuyện này sẽ đi vào quá khứ, thực ra thì nó đã đi vào quá khứ rồi, tin lên ngày thứ 7, đến hôm nay là thứ 2, và nó đã biến mất trong cái biển tin cô này phát ngôn ngu, cô kia mặc váy xẻ tới háng, anh nọ và vợ đã ly dị nhưng chưa công bố do có hợp đồng hôn nhân bla bla bla. Cái chết của một người trong vòng 2 ngày trở thành vài dòng tin, vài thứ nhận định. Mình nghĩ, phản ứng của các bậc phụ huynh sau khi đọc tin về việc một phụ huynh đã chứng kiến con bà ta nhảy cầu tự sát sau khi bị bà ta mắng, là gì? Bao nhiêu người sẽ nhìn lại bản thân mình xem đúng sai như thế nào, và bao nhiêu sẽ quay sang giáo dục con cái rằng "nhìn thằng đó coi bất hiếu chưa, mày không được bất hiếu như thằng đó nghe chưa." Loài người là một sinh vật viễn thị, chỉ khi đứng càng xa người ta mới càng rõ, càng lớn thì càng viễn thị, đâu phải khi không mà con mắt người ta khi già đi sẽ trở nên viễn thị chứ. Người ta sẽ không bao giờ nhận ra lỗi lầm ở mình, vĩnh viễn là lỗi của người khác, và trong trường hợp này là lỗi của đứa con khi đã chọn cái chết thay vì tiếp tục nghe mẹ mình mắng chửi. Sao? Hiếu thảo nghĩa là phải sống tiếp để nghe mẹ mình mắng chửi chứ tại sao lại chết à? Xin hỏi quý vị sinh con, hay là thuê người vậy? Quý vị sinh con, hay là mua người? Đứa con đã van xin quý vị cho nó ra đời à...

Mình không muốn lâu lâu đăng một bài, lại u ám và tàn khốc như vầy. Nhưng mình không làm khác được. Mình biết cảm xúc của mình dạo này bị hooc môn kiểm soát át lý trí mất rồi. Mình biết hết. Sự chán nản và tuyệt vọng đến vô lý chỉ vì một sự việc cỏn con, hay sự ngán ngẩm bất lực đến muốn tự giết mình cho rồi. Tất cả những điều đó, mình đều đang phải đấu tranh chống lại nó. Đã rất nhiều lần mình lên google xem coi làm sao để vui vẻ.

Một con người bình thường, ai lại lên google hỏi làm sao để vui vẻ chứ.

Sáng nay mình đã nghĩ đến chuyện viết di thư, oán thán và giải thích rõ ràng lý do tại sao mình (sẽ) chết. Nhưng sau đó mình lại nghĩ, đã chết, là hết. Mình không tin những cái after life thiên hạ đồn nhau, nếu phải after life kiểu linh hồn quay lại thì tàn nhẫn quá, người ta chết để thoát khỏi việc phải tiếp tục sống, tại sao sau khi chết vẫn tiếp tục sống? Linh hồn - ngoài việc không ai nhìn thấy, thì khác gì việc mình đang sống, nếu vẫn nhiêu đó suy nghĩ, nhiêu đó khổ sở? After life, nên là một thứ hư vô, một sự không-tồn-tại kỳ diệu nào đó, hoàn toàn là không-tồn-tại, không buộc trong cơ thể nặng nề này, những tư tưởng nặng nề này. Hoàn toàn là thinh không. Như những hạt bụi vậy. Sau khi mình chết, tự mình kết thúc hết, người còn sống có vui vẻ hay đau khổ, mừng rỡ hay nhớ nhung mình, cũng không ảnh hưởng gì đến mình.

Vậy thì di thư làm gì?

4/13/2019

Cảm xúc cho tới tập 24 của High Kick bản Việt

Phim làm dở, và phim làm ẩu, là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Phim có thể dở ẹt. Dở từ kịch bản, dở từ khâu đạo diễn, hoặc dở trong cách diễn viên thể hiện nhân vật. Thí dụ như phim Memoir of a Murderer thì nói đạo diễn dở, thành ra là phim dở. Hay phim Lucid Dream thì kịch bản như hạch, thành ra phim dở. Phim dở dù dở, nhưng vẫn chấp nhận được, chỉ gây ức chế vì hơi mất thời giờ. Nhưng, sự yếu kém về trình độ thì dù sao vẫn có thể cứu vớt và sửa sang lại được, mình chấp nhận do thấy còn le lói chút hy vọng.

Nhưng phim cẩu thả thì tuyệt không chấp nhận được. Tuyệt đối không chấp nhận được.

Phim chuyển thể High Kick phần 2, chính là một thứ phim cẩu thả như vậy. Kịch bản đã có sẵn rồi, bê nguyên si đến tận cùng cái lời thoại, là cái cẩu thả thứ nhất. Casting là khâu cẩu thả thứ hai, diễn viên ở Việt Nam khan hiếm tới mức tận dụng diễn viên phần 1 qua phần 2 hay sao thì mình không biết, nhưng cast kiểu gì mà nhìn nhân vật hoàn toàn không thuyết phục, từ độ tuổi cho đến nhan sắc cho đến tính cách. Mỹ Duyên quá trè cho vai phụ nữ lớn tuổi, còn Julien bản Việt thì thiệt làm người ta khóc thét được, soái ca đâu, soái ca đâu, trời ơi mặt mũi tướng tá vậy mà buộc thiên hạ nghĩ là soái ca thì có ác quá không vậy. Tiếp nữa là cẩu thả đến khâu tạo hình và dựng cảnh. Mình điên cả đầu với mấy bộ tóc giả, đoàn phim quá nghèo để mua một bộ xịn, hay diễn viên được trả cat-sê thấp quá nên không đủ để họ đầu tư một bộ tóc thật cho vai diễn. Phim dài tập chứ có phải một vở kịch dựng tạm đâu mà phải đội tóc giả nhìn cực kỳ thiếu tôn trọng vai diễn luôn. Không chấp nhận nổi. Thôi khỏi bàn đến trang phục cho nhân vật đi, khi mà giống như tra tấn nhãn quang của người xem ấy. Xem bản Hàn mướt con mắt bao nhiêu thì qua bản Việt nhức con mắt bấy nhiêu. Và vấn đề là, rõ ràng nhân vật tiêu tiền vào đồ hiệu đến nỗi hết tiền, nhưng đạo diễn nỡ lòng nào cho nhân vật mặc đồ còn xấu hơn mình mua ở trên mạng nữa? Mỗi lần nhân vật Diễm My xuất hiện là y như rằng mình sẽ nhắm mắt nghe thoại... Quá đáng thật chứ.

Dẫu biết phim Việt thì chẳng có đời nào đầu tư vô trang trí nội thất cho đàng hoàng, nhưng mình thật sự quá trời quá đất thất vọng. Nhìn nội thất bản Hàn đẹp đến mơ ước luôn, còn bản Việt thì thiệt khó thuyết phục đây là một gia đình có người ở thiệt. Phòng của Heri bản Hàn đúng là mơ ước của bất kỳ đứa bé gái nào, còn ở đây thì, mẹ ơi đến con gấu bông cũng xấu...

Và diễn xuất. Sự tra tấn kinh dị nhất đến từ diễn xuất của diễn viên. Mình hoàn toàn ủng hộ việc diễn khác đi, chí ít cho nhân vật mới mẻ một tẹo chứ cứ copy cat thì đổ tiền làm phim để làm gì. Nhưng mà nói cho cùng phải hợp lý với nhân vật một chút, hợp lý với hoàn cảnh một chút. Thúy Diễm thực sự làm mình quá mệt mỏi bởi - một là mái tóc giả - và hai, là lúc nào cũng nhăn nhó mặt mày, quát tháo la lối, nói chuyện giọng rất mệt. Cô này thực sự cần phải tiết chế lại diễn xuất, cổ diễn vai ác quen rồi hay sao ấy. Nhân vật mẹ của Heri trong này lạnh lùng và cứng rắn, chứ không có ác. Nhìn diễn viên người ta diễn, hoàn toàn toát lên vẻ khó tính và khó gần, nhưng vẫn đủ phong cách của một thiếu phụ nhà giàu, chứ không phải nhăn nhíu mặt mày suốt ngày như vậy, thậm chí lúc khen cũng không toát nổi ra vẻ khen. Mình đang chờ coi ăn bún đậu lúc nào, Hyun Kyung lúc đó lặng lẽ khóc, còn Thúy Diễm chẳng biết sẽ diễn phân khúc đó ra sao.

Khủng khiếp nhất phải kể đến Bảo Ngọc diễn vai Heri. Mình thực sự không có ưa con bé Heri lúc đầu chút nào, nhưng xem xong Bảo Ngọc diễn thì mình cảm thấy Heri dễ thương chán. Dù nó coi thường Se Kyung và ăn hiếp Shin Ae thì nó vẫn lễ phép với người nhà của nó, nó vẫn thương và tôn kính ba mẹ nó, thông qua cách nó nói chuyện và cư xử. Hành động quá đáng nhất là nó tát Shin Ae một cái lúc mới vào, và hay xô con bé ngã, còn lại là toàn hù dọa. Còn Bảo Ngọc thì, trời đất quỷ thần ơi, từ cái lúc nó nạt mẹ nó là đừng làm nó phân tâm lúc đang ị, cho đến cách nó nói chuyện với ba nó trên bàn ăn, thì đã thấy toàn là hỗn láo rồi. Lúc Heri gặp Sekyung thì cao lắm là chê hôi, chứ có đá dép rồi bảo "đi nhặt đi - nhiệm vụ mà" đâu. Bảo Ngọc lại thường xuyên nắm tóc Thanh Hà, trời ơi gì mà khó ưa vậy, chưa kể Heri dù nhõng nhẽo cũng ít khi vận dụng cái vụ ăn vạ, còn Bảo Ngọc thì ăn vạ mọi lúc mọi nơi, cô giáo vừa đề nghị đổi vai thì lăn ra đất đạp đạp liền.
Không phải mình cố ý soi mói, nhưng hãy để ý cách đạo diễn tiết chế Heri làm cho người xem hiểu và thương nó. Lúc Heri nhìn thấy Sekyung chơi với Shin Ae, nó đứng ở ngoài cửa, thích thú thật sự, còn Bảo Ngọc thì nét mặt chỉ có khinh ghét. Lúc Heri cho ba nó đồ ăn, nó rất nhiệt tình, thật sự nhiệt tình muốn ba nó ăn, còn Bảo Ngọc y như là diễn hài 'ăn đi ba, ăn cho đời bớt khổ' rồi tọng cái gì đó vô miệng ba nó. Heri có giành vai Cinderella thì nó cũng không giẫy đành đạch. Nhắc tới diễn Cinderella và Tấm Cám thì mình lại bực, Heri rõ ràng diễn được Cinderella, nó rất cố gắng vô vai hiền lành khổ sở, còn Bảo Ngọc thì đúng kiểu chị-mày-diễn-nhưng-không-có-muốn-à-nha, cái phân cảnh thực sự gây khó chịu. Ai bảo con bé phải diễn quá như vậy. Khó ưa thật sự. Tròn vai à, không đâu, đi quá xa rồi.

Và cái cẩu thả thứ ba đến từ chính đạo diễn. Mình kể duy nhất một phân cảnh là lúc tập kịch trong lớp, thì tự dưng cái Bảo Ngọc nói một câu, quay các bạn cười ồ lên. Gì vậy ba ~ Nhìn nó gượng gạo và cứ trơ kiểu gì, thế kỷ nào rồi mà còn đơ như vậy chứ.

Nói tóm lại, là cho đến hiện tại, phim gây thất vọng toàn tập, vì sự cẩu thả, chứ không phải dở gì.

Một bộ sitcom, mà làm còn thiếu chỉn chu hơn một cái MV.


Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis