12/29/2020

29/12/2019

Xin chào,

Bây giờ là 29.12.2019, và mình đang rất mệt.

Năm ngoái mình có xem cái bảng ngày sinh may mắn của bên Nhật, mình xếp hạng 194. Năm nay mình coi lại thì mình xếp được hạng 10. Mình chỉ mong, tất cả mọi may mắn của cái hạng 10 đó, dồn hết cho Heo Con đang ở bệnh viện, tất cả những may mắn đó, để cho Heo Con khỏe mạnh, trở về nhà trong sự khỏe mạnh. Tất cả mọi may mắn của mình, dành hết cho Heo Con. Mình sẽ làm mọi thứ có thể, để được đón con khỏe mạnh về nhà.

Những lúc trước viết thư, chưa bao giờ mình lại cảm thấy mốc thời gian rõ ràng như bây giờ. Rõ ràng, và đáng sợ. Vì mọi chuyện, tới lúc bạn nhận được thư này, đã rõ ràng hết rồi. Là đau lòng hay là vui mừng, đều đã rõ hết rồi. Mình rất sợ. Mình nhớ hồi xưa, mình nhớ mình của cái thời tất cả những gì mình lo lắng, là nhóm nhạc yêu thích của mình có disband hay không. Mình không trách gì bản thân của thời đó cả, mình chỉ có chút đố kị... Đứng trước sự mất mát thật sự, mọi thứ của quá khứ thật quá nhỏ nhoi. Giống mình, Mei 2019 và Mei 2020 ngồi vỗ vai nhau, bảo, nhìn con Mei 2009 kìa, nó thật ngây thơ và vô tư biết bao...

Mình rất sợ, và vì sợ mà mình rất mệt. Khi mọi thứ đau đớn nhất hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát của mình. Và điều duy nhất mà mình có thể làm, là cầu nguyện. Mình đọc kinh nhiều hơn 30 năm cộng lại, vì mình chỉ có thể làm thế thôi. Mình chỉ có thể dựa vào đấng tâm linh để an ủi trong lòng. Mình đã hiểu cái gì gọi là, nơi người ta đọc kinh nhiều nhất, cầu nguyện nhiều nhất, là ở bệnh viện. Nếu mình có thể cho bất kỳ cái gì, làm bất kỳ điều gì cho con bé, mình cũng sẽ làm. Nhưng mình lại không thể.

Mình cứ nghĩ tới nó nhỏ xíu, đang nằm trong lồng kính thì mình lại quặn lòng. Đau tới không thở được.

Năm nay thật sự tệ hại. Gần như tất cả mọi thứ đều hỏng bét. Đầu năm mình nói, mình chẳng mong gì, mình chỉ cầu an. Giờ cũng vậy, mình chẳng mong gì, mình chỉ cầu An. Nghèo cũng được, mình sẽ nỗ lực cày cuốc, mình sẽ nỗ lực tự bồi dưỡng sức khỏe, hãy đem hết may mắn của mình cho bé An, cho con mạnh khỏe về nhà đi. Chỉ mong duy nhất một điều như vậy thôi.

12/14/2020

14.12.2020

Lại oán trách thôi. Thực ra cái blog này càng ngày càng sặc mùi u ám, oán thán, và thật sự toxic quá. Nó giống như một nơi để tôi trút độc hại trong người mình vậy. 

Nhưng mà cảm xúc không phải một cái bong bóng mà trút ra là xì hơi, ngược lại, nó là quả cầu tuyết, đẩy nó lăn thì nó sẽ lăn càng ngày càng to, lăn càng ngày càng nhanh. Cảm xúc là thứ bị triggered chứ không phải xả ra là giảm. Cách duy nhất để giảm trừ cảm giác là sự phân tâm, nghĩa là không chôn mình trong duy nhất một mối cảm xúc, mà cố gắng đa dạng nó lên. Thí dụ như nỗi bức xúc gia đình sẽ được đẩy qua một bên nếu đọc được một truyện hay và kích thích. Thí dụ như - ngay cả cơn n* cũng là một cách tốt để tạm thời quên đi sự thất vọng thường trực. 

Vậy nên người ta mới dễ nghiện những loại cảm xúc nhất thời như vậy. Có lẽ mạng xã hội - nơi mà thông tin ngắn hiện lên liên tục, và phân tán tư tưởng người ta liên tục, mới phát triển mạnh mẽ như vậy. Một mặt nào đó, nó là liều thuốc cho những đầu óc bị sự thặng dư về của cải làm cho phát điên, mặt khác, rất nhiều mặt khác, nó làm cho con người ta điên một cách đa dạng hơn bằng hàng loạt suy tưởng về chuyện không liên quan đến mình, và những khả năng mơ hồ, những cơ hội mơ hồ, những sự thay đổi mơ hồ. 

Cái làm sản sinh dopamine không phải bản thân hành động, hay là kết quả, mà là sự chờ đợi hành động diễn ra. Thí dụ như thay vì làm chuyện khó khăn là ngồi luyện đàn, thì cảm giác khi mua sách "học đàn trong 1 tuần" mới khiến dopamine tuôn trào nhiều và làm người ta hưng phấn. Cũng giống như việc khi mình cảm thấy quá thất bại với cuộc đời thì mình sẽ đi đăng ký học cái gì đó vậy. 

Nhưng đó chỉ là những ảo giác về những thành tựu mà bản thân có thể đạt được, nhưng đó chỉ là ảo giác, vì bản thân thực sự chưa dẫm một bước nào trên con đường đi tới thành tựu đó cả, còn quá trình thực sự đi, thì rất chán nản. Thứ thực sự làm bản thân tiến tới mức thành tựu đó - ví dụ như luyện đàn hay làm bài tập tiếng Pháp, nó thực sự chán, không thể nhìn thấy bằng mắt thường như một quyển sách hay một khóa học. Giống như những ngày đầu chăm sóc da vậy. Công bỏ ra nhiều nhưng thành quả nhìn thấy được thì chẳng bao nhiêu. 

Có lẽ, cuộc đời cũng giống như thế. Những thứ thực sự có giá trị thì chẳng bao giờ hiển thị rõ ràng. 

Hôm qua mình đọc được một câu: đừng sống theo suy nghĩ của mình mà hãy sống theo những lời khuyên mình dành cho người khác. 

Mình cảm thấy, trời ơi đúng là chân lý đây rồi. Phải mà mình sống được bằng phân nửa những điều mình khuyên bảo người khác thì mình đã thành công rực rỡ rồi, sẽ không phải đụng cảnh sáng thứ hai thay vì chăm chỉ làm việc, diện đồ đẹp đi làm, hay hừng hực khí thế, hay thậm chí là chán ngán vì bắt đầu một tuần làm việc, thì mình lại ngây người ngồi viết nhật ký, suy nghĩ về cái cuộc đời giống như hoàng hôn xám xịt nơi phố thị đầy khói bụi này. 

Thực ra thì mình biết căn nguyên của việc cảm xúc tuột dốc không phanh, thường xuyên trở nên quá nhạy cảm đối với sự đối xử của người khác với mình, rốt cuộc chỉ là do mình đang không có tiền. Lúc có tiền thì mình sẽ rộng rãi hơn. Phú quý sinh dịu dàng...

Tuần này mình sẽ cai facebook và kenh14.

Nếu chán quá mình sẽ lên netflix coi phim. Hoặc vô kurokochii kiếm truyện đọc đỡ.

12/07/2020

7.12.2020

Bây giờ là 1:26 sáng ngày 7.12.2020.

Có lẽ do ly trà xanh lúc nãy, mình trằn trọc mãi không ngủ được. Và cứ hễ không ngủ được thì cái đầu mình lại đặc nghẹt những suy nghĩ lung tung. Hoặc là do bữa giờ bán ế quá nên đầu óc mình rỗng tuếch, những lo lắng lại chen vào. Cồn cào muốn ói. 

Mình chắc là bị chứng lo lắng thái quá và hoang tưởng rồi. 

Bữa em gái mình buột miệng bảo một câu rằng, phải chi năm đó đi Nhật bà nó cho rồi. Cái ngoặt của cuộc đời nó, chắc là từ lần bỏ đi Nhật mà đi cưới chồng. Mình thì nghĩ, cú ngoặt đời nó chắc là lúc nó bắt đầu quen thằng chồng nó bây giờ. Lúc đó mẹ phản đối ghê lắm, chắc vì mẹ đã làm mẹ làm vợ nên mẹ thấy trước tương lai mịt mù của nó. Còn nó thì dở chứng, mẹ càng ngăn cấm nó càng làm. 

Giờ nghĩ lại mình không thấy ngạc nhiên lắm. Mình thấy mình với nó là 2 thái cực, mình cái gì cũng lo trước lo sau, cái gì cũng nghĩ coi ba mẹ nghĩ gì cảm thấy thế nào, còn nó thì chỉ nghĩ tới bản thân nó. Ngày chưa chồng, chủ nhật mình dậy sớm chở mẹ đi chợ, đi về ngoại - mặc dù mình không có thích, do sợ mẹ giận thì nhà cửa lại ầm ĩ, còn nó cứ nằm ì ra mà ngủ. Chưa bao giờ nó chở mẹ đi chợ rồi đứng ngoài nắng chờ mẹ ra. Nó cũng chưa từng chở ba mẹ đi khám bệnh hay nghĩ là sẽ bao ba mẹ đi du lịch hay chi trả tiền này tiền kia. Nó chỉ đơn giản là hưởng - như một điều hiển nhiên mà nó phải có. 

Mình cũng có bệnh, mình biết, bệnh trách nhiệm thái quá. Căn bệnh này hành hạ những người xung quanh mình khi mình khó ở với họ, và hành hạ cả bản thân mình với suy nghĩ rằng, mình xứng đáng được đối xử tốt hơn. Thành ra, bây giờ mình tự chữa bệnh cho mình bằng cách hễ có suy nghĩ lo lắng nào trồi lên, thì mình sẽ lập tức phủ quyết bằng, mình làm đủ rồi - mình có quyền sống cuộc đời của mình. 

Ngoài ra, thì mẹ mình mặc định mình phải lo cho em gái. Như một điều hiển nhiên. 

Lúc có tiền, mình để dành, mình mua bảo hiểm. Còn nó thì mua quần áo, son phấn, giầy dép, đổi điện thoại. Mình phát mệt với cái lối tiêu tiền như không có ngày mai của nó. Có một lần mình thở dài ngao ngán khi thấy nó lại vung tiền mua gì đó, và mình bị mẹ chửi rằng tiền của người ta, người ta muốn làm gì thì làm. Từ đó mình thôi, nó phải học được chuyện đói rách đi, rồi tự trưởng thành, còn mẹ muốn bọc nó đến khi nào, đó là chuyện của mẹ. Nhà mình, nó cưới chồng xong dắt về ở, rõ ràng lúc trả tiền nhà không góp gì, sau tiền phí nhà còn đòi chia đôi với mình dù ở 3 đứa. Sau này thì tiền nhà tiền điện toàn mình trả. Mình ức quá, nên tiền nhà mình lấy tiền mẹ trả. 

Sắp tới đây nhà chồng nó vô, và mình phải cuốn gói ra khỏi cái nhà của chính mình để nhường chỗ cho cái gia đình không biết điều đó vô ở 4 ngày. Mình hoàn toàn có thể từ chối chuyện đó. Nhưng mình không muốn sáng mở mắt ra phải gặp một đống người mình ghét, nên mình thà tự chuyển đi. Đáng lẽ, mình sẽ yêu cầu gia đình đó ra khách sạn mà ở. Nhưng mà, vì chồng nó đang thất nghiệp, với cái lối ăn xài không biết tiết kiệm đó thì nhà nó đang quá nghèo để mà bao lo chi phí cho cả gia đình chồng kéo nhau vô ở. Thành ra lại đổ lên đầu mình. 

Mình nghĩ, chút tình cảm chị em còn sót lại, chắc đủ nốt lần này thôi. Còn ép mình nữa, dù phần lớn là mình tự ép, mình sẽ phát điên mất. Bởi vì mình không tin là nó có thể thay đổi cái gì. Không phải lần đầu nó túng thiếu, nhưng sau khi túng thiếu, hễ có tiền lại là nó lập tức xài hoang phí xa hoa ngay. Thậm chí, ngay cả lúc túng thiếu nó cũng tiêu xài cỡ đó, thí dụ như là chuyện nó mới mua cho con nó cái xe đẩy hơn 6 triệu, dù hoàn toàn không cần thiết. Trước đó đã mua cái xe đẩy khác giá gần cả triệu rồi bỏ xó. Chạy ra concung mua bộ đồ nhựa nghiền thực phẩm gì mà hơn 800 ngàn, chỉ gồm mấy cái chén nhựa với cái đồ vắt cam... 

Và, dù lần này nó tỏ ra tức giận, mà mình cho là phần lớn vì sắp tới nó phải deal với gia đình chồng chứ không phải vì chuyện chị nó bị đẩy ra khỏi nhà để nhà chồng nó vô ở, mình cho là lần này qua đi, nó sẽ lại tiếp tục cái lối ích kỷ và vô ơn của nó thôi. Cũng đâu phải lần một lần hai. Và người khác, chính xác là ba mẹ, sẽ nhìn vô và chỉ thấy mình cay nghiệt khi mà đòi được đối xử tốt hơn vì những gì mình đã làm. 

Có một bà trong bệnh viện đã nói với mình, người như em chắc chỉ có một trên đời, khi bả thấy mình là dì mà phụ em gái chăm con còn vất vả hơn chính nó. Mình cứ nhớ tới câu này mãi. Mình nhớ tới chính anh chị em trong nhà ba mẹ đối xử với nhau, chẳng có ai làm điều cho em gái nhiều thứ như mình đã làm. Chẳng phải tự phụ đâu. 

12/02/2020

02.12

Tôi ngồi đây, cửa tiệm chưa mở cửa nên trong tiệm còn khá u ám. Ở ngoài đường thì đủ loại tiếng ồn. Tiếng nhạc dập từ 2 phòng tập thể dục thể hình, tiếng động cơ mô tô, tiếng người nói, tiếng máy móc, tiếng búa đập từ ngôi nhà kia đang sửa chữa... Tôi cho rằng bản thân mình bị ám ảnh bởi những ngôi nhà ở vùng nông thôn xa xôi vùng ôn đới là bởi vì tôi không thể thích nổi không khí và tiếng ồn của vùng thành thị nhiệt đới gió mùa này. Ồn tới nỗi tôi không thể nghe được những suy nghĩ trong đầu mình ngay lúc này. 

Giả sử như ai cũng chạy xe đạp thì hay quá, vừa đẹp dáng vừa yên tĩnh. Ở thành phố này, yên tĩnh là một điều xa xỉ vô cùng. 

Và bao trùm tất cả là một nỗi lo lắng gần như hữu hình khiến không khí đặc nghẹt lại. Với mọi người thì đấy là mối lo dịch covid, với gia đình tôi thì ngoài mối lo covid, chúng tôi còn lo giãn cách xã hội - bởi vì đã đặt cọc tiền cho nhà hàng kia để tổ chức thôi nôi cho con bé, nếu lỡ tình hình dịch bệnh tệ đi, chúng tôi sẽ mất trắng khoản cọc, tình hình tài chính dạo này càng lúc càng không tốt. 

Tiền không đem lại hạnh phúc - nhưng tôi cũng chưa từng thấy ai không có tiền mà hạnh phúc cả. 

Gần đây, trong lúc vô tình, tôi có coi một gameshow nào đó, mời những diễn viên/ca sĩ/ và những người nổi tiếng không có tên gọi ngành nghề, đến để đoán xem một người xuất hiện trong chương trình đó có nói thật hay không. Tôi coi thử một lúc, nghĩ, "cái quái gì thế này". Một chương trình hoàn toàn vô nghĩa, cốt lõi chỉ dựa vào những diễn viên hài đóng vai thằng hề để phát biểu những câu ngô nghê kèm theo những tiếng cười thu sẵn vang lên sau những câu ngô nghê gây cười đó.

Sự vô nghĩa rành rành tới mức nội bản thân sự tồn tại của chương trình đó là một điều vô nghĩa rồi.

Nhưng sau đó, tôi lại nghĩ, vốn dĩ cũng đâu có cái gì trên đời này là có ý nghĩa đâu. Ở Hàn Quốc ngành công nghiệp showbiz đầu tư quá mức vào những giá trị ảo, nhóm nhạc thì chỉ nhảy với hát thôi, nhưng lại được ca tụng như thần thánh. Một gương mặt chung chung thì được đẩy lên làm nhan sắc nữ thần. Không phải ca sĩ, không phải vũ công, mà là idol. Nó không vô lý sao?

Gần đây có một bài báo, title là: ở Nhật Bản trong tháng qua số người chết vì tự sát cao hơn số người chết vì covid. Nhưng trong bài lại thòng thêm một câu, là số người chết vì tự sát đứng thứ hai khu vực - sau Hàn Quốc. Nghĩa là trong tháng qua, số người tự sát ở Hàn Quốc cao hơn - nhưng vì người ta chết vì covid nhiều quá, nên không được giật title. Vậy rõ ràng bên Hàn Quốc tình hình nghiêm trọng hơn, nhưng không ai chú ý đến Hàn Quốc cả. Tôi lại nghĩ, mỗi một ngày, một giờ, một giây, những thông tin hiện lên xung quanh chúng ta đều không thể hoàn toàn đúng, ngoài việc đọc những gì có sẵn trong tin, cũng cần phải đọc những gì không có trong tin tức nữa. Quá vất vả, quá mệt mỏi. Thôi đừng đọc thì hơn.

Lúc nãy blogger báo rằng có 2 comment. Ở hai bài viết cách đây hơn 6 năm về 2 bộ phim Vô Cực và Primer. Thật lòng, tôi không cảm thấy có ý nghĩa gì. Người viết bài đó là tôi của 5-6 năm trước, không phải tôi của hiện tại. Nội dung phim tôi quên sạch rồi, nên đương nhiên là tôi cũng quên sạch cảm nhận của mình về phim đó. Nếu tôi của hiện tại xem lại, khả năng cao là sẽ có những cảm nhận và suy nghĩ khác. Giống như hôm bữa tôi buồn quá ngồi chơi lại game Harry Potter, cảm thấy sao mà dễ dàng quá, hồi đó vật vã mãi mới qua cửa, giờ vèo vèo mấy cái là qua truông. 

Con người sẽ thay đổi. Chắc chắn một điều là con người sẽ thay đổi. Sự thật đó khiến chúng ta vừa nhẹ nhõm, lại vừa bất lực.

11/19/2020

19.11.2020

1. Càng ngày càng nghiện những giấc mơ trưa. Cứ tỉnh dậy trong một giấc mơ lại có cảm giác mình trở về từ một vũ trụ khác vậy. Lúc nãy trong cơn lơ mơ tự thuyết phục bản thân rằng hôm nay là thứ bảy, có thể ngủ trễ hơn một chút, những tưởng đã qua tận buổi chiều, nhưng khi mở mắt ra vẫn là 1 giờ 30. Khi mình ngủ, thời gian trôi chậm hơn? Lúc nãy gần nhữ là đã có một vivid dream. Nhưng nó vivid tới mức mình còn tự bảo bản thân, thôi đi, cái trải nghiệm đó chính mình còn chưa có, làm sao đem vào mơ...

2. Lúc nãy lại đọc một bài về bảo vệ môi trường, nhưng lần này, hình ảnh cái ly nhựa 10 năm 20 năm gì đấy vẫn còn nguyên si như ban đầu làm mình rùng mình. Nếu một người ăn ở ác quá, thì chắc là kiếp sau họ sẽ bị biến thành cái ly nhựa, muôn đời không siêu sinh nổi.

3. Hôm nay ba mẹ lại cãi nhau, nghe nói nghiêm trọng tới nỗi mẹ ném cái chai rượu vô đầu ba. 

Nếu có 2 thứ mình ghét trên đời, thì đó là hôn nhân và bia rượu. Nếu có một thứ làm mình hận thù, thì đó là những con người uống bia rượu, say xỉn, mất kiểm soát. Đối với mình, họ thật sự hèn hạ. Sự mất kiểm soát do bia rượu thật sự là hèn hạ. Họ say, gây sự, rồi quên, rồi vin vào cớ say, nhưng những người tỉnh thì lãnh đủ. 

Mình thậm chí đã chán tới mức không thể nói rằng bản thân chán ngán quá rồi nữa. 

Gần đây trên mạng có một bài như thế này: một đứa trẻ 14 tuổi thấy cha mình cứ đánh mẹ hoài, nó thu thập bằng chứng rồi tố cáo lên phường, cha nó bị phường mời lên, sau khi làm công tác tư tưởng thì được thả về. Lẽ dĩ nhiên là cha nó chửi nó, đánh nó. Nhưng điều không-hề-dĩ-nhiên đó là bên nhà nội nó chửi nó, bên nhà ngoại nó cũng chửi nó, và cuối cùng, mẹ nó cũng chửi nó rằng, mày đi tố cáo làm gì để giờ ai cũng chửi tao. Nó dạt nhà, qua nhà bạn ở đã 4 ngày, cứ nghĩ hoài không biết mình sai chỗ nào. Mình đã để lại comment rằng, cháu sai, lẽ ra cháu nên bỏ mặc những người trưởng thành đầy đủ năng lực hành vi dân sự đó tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, còn cháu thì nên ăn ngủ học hành và đi đến một nơi thật xa để sống cuộc đời riêng của mình, cái cháu cần làm không phải là can thiệp mà là chạy ra khỏi nơi chướng tai gai mắt đó.

Mình đã trải qua đủ nhiều để kết luận điều đó. Ba mẹ mình là 2 bậc phụ huynh độc hại. Dù họ có yêu thương mình, họ có chăm lo cho mình, nhưng, họ cũng để lại trong tâm hồn mình những vết sẹo kinh khủng không bao giờ có thể lành lặn lại. Hôn nhân của họ làm cho mình cảm thấy không muốn kết hôn, cách mẹ hành xử làm cho mình cảm thấy sợ một ngày nào đó nếu mình phải trở thành vợ - liệu mình có kinh khủng như vậy không. Cách ba mình hành xử làm cho mình cảm thấy ngán ngẩm tột độ. Đối với mình ba là một người đàn ông tốt hiếm có, nhưng rốt cuộc, người đàn ông tốt đó lại đâm một vết chí mạng sau lưng mẹ và mình bằng cách có con riêng. Đó là món nợ ba không bao giờ trả nổi. 

Ngày trước có lần chú Tư đưa 1 ông thầy bói vô nhà, mình nghe lóm ổng nói với chú Tư rằng, đàn ông phải ngoại tình thì mới cảm thấy có lỗi mà chăm chút cho vợ con. Mình đã cảm thấy kinh tởm tột cùng. Nhưng hóa ra điều đó đúng. Ba mình phải làm một chuyện tội lỗi tày trời thì mới sống nổi với một người vợ kinh khủng như mẹ mình. 

Hôn nhân của ba mẹ mình dạy mình một điều, rằng câu nồi nào úp vung nấy là chính xác. Nếu bạn thắc mắc sao người đàn ông ấy tệ bạc đến như vậy mà vợ ông ta vẫn không bỏ ông ta - xin thưa rằng vì người vợ cũng tệ không kém. Mẹ mình gom tiền nhà cho nhà ngoại. Nhà ngoại mình là một ổ cực phẩm thúi tha mà mình cố cắt đứt hoàn toàn trong cuộc đời mình, mối quan hệ sẽ dừng lại ở mức chúng ta sẽ gặp nhau mỗi năm một ngày, sẽ tán chuyện trên trời dưới đất, nhưng nếu một ai đó trong chúng ta gặp chuyện, thì dĩ nhiên là thân ai nấy lo. Sáng này mẹ nói chuyện dưới quê lại mời đám cưới, mình chỉ cười, mình không biết những người đó là ai. Mình chỉ biết rằng mỗi năm mẹ luôn tốn tiền gửi mừng đám cưới vài lần cho dưới-quê, có người còn cưới hẳn 2 lần. Và đó là những đồng tiền một đi không trở lại. Nhưng mẹ rất sĩ diện, những anh chị họ của mình có con lúc nào mẹ cũng mừng tiền rất nhiều, nhưng tới lúc em gái mình có con, mẹ lại ngại mời họ lại. Đám cưới họ mẹ luôn cho cả đống tiền, nhưng tới đám cưới em gái mình - đứa con duy nhất của mẹ cưới, họ mừng tiền lại chẳng đủ bù suất ăn của họ. Những mối quan hệ như vậy, chẳng hiểu mẹ giữ để làm cái gì.

Và mẹ luôn đòi hỏi bên nội phải lo cho gia đình của mẹ. Ba mình chẳng bao giờ cho ông bà nội được đồng nào còn mẹ thì mỗi tháng đều như vắt chanh đều gửi tiền về ngoại - nuôi bà ngoại, hồi đó còn nuôi luôn cả đàn cháu - những đứa đến một lời cảm ơn cũng chưa từng nói. 

Đó là vấn đề tài chính thôi, còn một loạt vấn đề khác nữa. Ngày xưa ba mẹ đến với nhau ông bà nội không đồng ý - và đó là vết thương mãn tính trong lòng mẹ, để đến bây giờ mẹ vẫn ghét cay ghét đắng bên nội. Dù bên nội cho gia đình mình nhiều, còn bên ngoại thì chẳng cho cái gì. Bên nội biết tin em mình sinh con, gửi tiền về rất nhiều, cô hai còn đều đặn gửi sữa về cho nó uống. Bên ngoại thì một lời hỏi thăm còn hiếm hoi. Nhưng mẹ cứ đòi mình phải thương bên ngoại thật nhiều vì bên nội rất là ác. Nhà mình đang ở là nhà nội, nhưng vì bà nội không sang tên cho ba, nên mẹ cứ chì chiết giày xéo rằng bà nội rất ác, trong khi cái nhà của mẹ ở bên ngoại, dì út mình sau một thời gian ở nhờ thì nằng nặc đòi bán, sau đó lấy tiền xây biệt thự. 

Ngày xưa mình đã từng có ý định nói cho mẹ hiểu, nhưng mình nhận ra điều đó là ngu ngốc. Một cuộc cãi vã kinh khủng hồi tháng 8 đã triệt để cắt đứt mọi ý định can thiệp của mình. Mình nhận ra, hành động đúng đắn nhất mà mình nên hành xử với mẹ, đó là im lặng, mẹ muốn làm gì thì làm, tiền của mẹ muốn xài đi đâu thì xài, mẹ muốn nói gì thì nói, mình sẽ không cãi, không tranh luận, không can thiệp nữa. Mẹ mình và sự vô lý và nước mắt và sự vô lý tột độ chính là siêu nhân vô địch không ai bì nổi.

Mẹ mình luôn dạy mình phải khiêm tốn, rằng mình không-là-gì-cả. Khoan bàn tới chuyện điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc đời mình như thế nào, chỉ nói tới việc, càng ngày mình càng nhận ra rằng người dạy mình khiêm tốn đó tự cao tự đại không ai bằng. Em mình và mình hay nói với nhau, rằng, tại sao mẹ lại khoe khoang rằng mẹ sống đúng đắn và ai cũng yêu thương mẹ dù cho trước đó họ ghét mẹ, trong khi thực tế thấy rõ rằng chẳng ai yêu thương mẹ cho nổi, rằng sự vị nể kia hoặc là đến từ tiền của mẹ, hoặc là đến từ việc người ta thương ba và hai đứa mình nên mới nhịn mẹ cho yên nhà yên cửa? 

Mẹ còn lố bịch nữa. Ngày xưa mẹ không có bạn, mẹ chỉ trích việc mình đi chơi với bạn rằng - "mẹ không thấy bạn bè có gì ích lợi cả". Bây giờ mẹ có bạn, và mẹ chỉ trích mình rằng - "suốt ngày ru rú ở nhà không bạn bè không ra đường nên tụt hậu". Mẹ lúc nào cũng nghĩ mẹ là tấm gương rất sáng, rất đúng. Em mình bảo, nó sẽ không bao giờ sống như mẹ.

Nhưng nó có sống như mẹ hay không, thì mình không dám chắc được. Chí ít là hiện tại, mình thấy nó không khác mẹ mấy. Có khác thì chỉ là do mẹ lấy chồng theo chồng, còn nó lấy chồng xong thì mang cả nhà chồng đến làm phiền mình.

Bởi vậy, tội lỗi của ba, mối quan hệ ngoài giá thú của ba, chính là cục tạ để giữ cho cán cân ngang bằng. Thực ra thì ba cũng đã thay đổi rồi. Ngày xưa mình thương ba, nên cố mà thay đổi mẹ. Nhưng giờ thì, mối quan hệ của mình và ba cũng chỉ ngang ngửa với mẹ thôi. Vì mình nhận ra rằng, ba đã trở nên ích kỷ và tính toán hơn nhiều từ khi ba có con riêng. Ba diếm tiền riêng. Và ba cư xử như những người trong gia đình đều là đồ ngu không biết ba đem tiền đi đâu xài. Ba thậm thụt, ba giấu diếm đủ mọi thứ, điều đó làm cho mình cảm thấy người mình gọi là ba hóa ra cũng chỉ là một người đàn ông không dám đường đường chính chính mà sống thôi. 

Nên mình mặc kệ. 

Cũng có cái lợi, rằng chính vì ba mẹ mình tự biết rằng hôn nhân của họ đã tạo ra trong mình ác cảm không thể giải trừ về hôn nhân, nên cũng như việc họ - sau hơn hai mươi năm - đã chấp nhận việc mình không thể ăn hành lá, cũng rất nhanh chóng mà chấp nhận việc mình không kết hôn. Nói đúng hơn là họ sợ khi mình hỏi ngược lại họ về hôn nhân của chính họ, nên họ không có tư cách ép buộc mình phải làm điều đó.

Sự tan rã cũng DBSK đã cho mình một bài học, rằng miễn là thời gian đủ dài, thì chẳng có cái gì là quá đau cả. Thí dụ như khi đang đẹp đẽ, đùng một cái disband, thì sốc thật, nhưng nếu tin đồn disband đã lan ra hơn cả năm, thì chuyện disband trở thành một cú rơi có đệm, không có đau gì mấy. 

Bất cứ điều gì cũng vậy, chỉ cần có đủ thời gian. 

Tôi mất gần 30 năm để học được cách sống ích kỷ, bo bo lo cho cuộc đời mình. Em tôi thì đã có sẵn phẩm chất đó trong máu. Tôi nghĩ, điều may mắn duy nhất khi có em là tôi chỉ có 1 đứa em, mức độ lo lắng của tôi cũng giảm xuống. Tôi tìm cách chạy khỏi ba mẹ vì ngán ngẩm cảnh phải dọn khỏi phòng khi ông bà nội về, ngán cảnh ba mẹ tôi chiều chiều lại say xỉn, và lại cãi nhau. Tôi không kết hôn vì ghét cảnh chồng con. Em tôi, bằng cách kết hôn, tống cho tôi tất cả những thứ đó.

Tôi cũng biết một điều. Rằng nếu tôi tập trung hết tinh lực lo cho cuộc đời của chính mình, tôi sẽ không cần phải phân tán tư tưởng mà bận tâm đến cuộc đời người khác - thứ mà tôi không kiểm soát được. Xa dần dần thì tình cảm phai nhạt dần dần. Ví dụ như tôi và bà ngoại, đã gần một năm trời tôi không gặp bà. Từ lúc bà ngoại bị gẫy chân vào viện, đến khi bà ngoại về nhà, và lẫn dần, quên mất tôi là ai, chuyện tôi có về thăm bà hay không chỉ nằm ở tôi, và một năm tròn vì nhiều lý do, tôi không về. Thế là tình cảm cứ giãn ra dần. Tôi không còn lo lắng hay đau đáu như trước nữa.

Ngày trước tôi hay lo lắng chuyện mẹ tôi xài tiền vô tội vạ. Nhưng sau khi mẹ tôi lấy tiền tôi đòi cho em tôi, tôi hoàn toàn từ bỏ. Tôi mua bảo hiểm cho ba mẹ, đến một tuổi nhất định họ sẽ lãnh về được một số tiền, chắc đủ để họ dưỡng già, vậy là đủ. Còn việc xài tiền không biết ngày mai thì thôi tôi kệ. 

Tôi nghĩ tới chuyện ra riêng, có một cái nhà riêng của tôi. Tôi muốn làm một polyglot. Tôi muốn làm một pianist. Và cứ thế tôi chạy theo mục tiêu của mình, quên sạch phần còn lại của thế giới.

Sẽ có một ngày, tôi trở về nhà sau một ngày làm việc, ngôi nhà của tôi, được decor từng chút một theo kiểu tôi thích mà không có ai được can dự vào. Cái sink sẽ sạch bóng, chén dĩa xếp ngay ngắn đúng vào chỗ tôi đã đặt chúng lần trước. Robot hút bụi đã làm xong việc của nó vì tôi đã schedule cho nó hút bụi trước khi tôi về nhà. Tôi sẽ nấu hoặc đặt món tôi thích ăn. Sau đó thì đi tắm, đốt một ít nến thơm và ngâm mình trong bồn tắm. Rồi tôi sẽ vừa ăn vừa coi bộ phim mình thích. Quan trọng nhất là, khi cánh cửa đó đóng lại, tất cả những lo lắng phiền muộn và chán ngán vì những con người ngu xuẩn xung quanh tôi đều bị ngăn lại ở ngoài kia. Nếu ba mẹ tôi có cãi nhau, thì đấy là chuyện của họ. Nếu em tôi có cãi nhau với chồng nó, thì đấy cũng là chuyện của nó. Sẽ không ai được dịch chuyển hay bình phẩm gì về những món đồ trong nhà của tôi và tôi sẽ mãi mãi không cần phải đi ra khỏi phòng ngủ của mình để nhường cho ai hết. 

Họ chẳng bao giờ biết tôi khó chịu như thế nào khi mà phải để người lạ động tay vào đồ của mình. Họ coi đó là hiển nhiên mà tôi phải chịu.

Không.

11/10/2020

10.11.2020

1. Tôi ngạc nhiên khi thấy bản thân vẫn còn có thể ngạc nhiên vì những điều tầm thường như thế.

Khi con người ta càng thản nhiên, thì mọi thứ càng rõ ràng. 

2. Dạo này tôi đọc được một câu, đơn giản nhưng không hiểu sao cứ lặp đi lặp lại trong đầu, rằng: khi bạn biết rõ bản thân mình là ai, thì bạn chẳng còn sợ điều gì nữa. 

Những người xung quanh tôi, hình như họ không biết rõ bản thân mình là ai, kéo theo việc không biết mình muốn cái gì, vì thế, họ lạc lõng giữa cái bể đời mênh mông vô định. Giống như tôi có thể nhìn thấy họ đang quờ quạng níu hết cái cọc này đến cái khúc gỗ kia giữ cho bản thân nổi lềnh bềnh vậy. 

3. Mỗi người, nên tự có một thứ neo giữ bản thân giữa cuộc đời, hay là, một đích đến. 

Alice hỏi con Mèo: tớ nên đi đường nào, con Mèo hỏi lại: điều đó còn tùy thuộc cậu muốn đi đến đâu. Alice bảo: tớ cũng chẳng biết nữa, con Mèo đáp: vậy thì đường nào cũng vậy thôi.

Tôi nghĩ, ngay cả khi cái đích đến tương đối phù phiếm, nhưng miễn là nó cân đo đong đếm được, và có thể nhìn thấy bằng mắt thường, thì nó vẫn là một cái đích đến rõ ràng. 

4. Thí dụ như tôi muốn một cuộc sống tự do tuyệt đối.

Tôi gói cái ước muốn đó vô trong một cái nhà của riêng tôi. Nơi mà tôi có thể từ chối tiếp đón bất kỳ ai mà tôi không thích.

Tôi gói cái ước muốn đó vô tài khoảng ngân hàng 2 tỷ đồng. Có 2 tỷ rồi tôi không làm nữa, mỗi tháng lãnh lãi rồi sống thôi.

Dạo này tôi phát hiện ra, cái ước muốn đó còn phải xuất phát tự tâm nữa, nghĩa là tôi phải dứt bỏ được thói quơ chuyện người khác vào bản thân mình để mà lo lắng. 

5. Và cứ thế tôi phát hiện ra, có những điều mà người ta sinh ra đã có, còn tôi cứ phải học tập và rèn luyện. Thí dụ như chuyện vô tâm và buông bỏ. Thí dụ như chuyện ích kỷ. Thí dụ như nói xấu sau lưng người khác, sau đó trước mặt họ vẫn cười hề hề.

May thay, học để tâm thì khó, chứ học vô tâm thì dễ ợt. 

6. Mà tôi còn phải định hướng cho cuộc sống đúng đắn vui vẻ nữa. Ngay cả khi tôi có tự do, tôi sẽ không thể hạnh phúc nếu như để cuộc đời của mình chìm đắm trong sự vô nghĩa của những hoạt động ù lì đòi hỏi điện năng. 

Thành ra, tôi nghĩ, mình sẽ vui vẻ nếu như mình là một polyglot và pianist. Đó sẽ là 2 mục tiêu nhỏ trong trọn vẹn quá trình hướng tới tự do tuyệt đối của tôi.

7. Tự do tuyệt đối, nghĩa là không níu giữ. 

8. Tôi có một bà dì, rất giàu có, làm giàu từ chuyện cho vay tiền góp. Thu nhập bị động của bả mỗi tháng bây giờ vào khoảng 50-100 triệu. Nhưng bả không thấy được chuyện đó. Bả gài mục đích sống của bả vô trong thái độ của mọi người đối xử với bả. Bả yêu cầu mọi người phải coi bả là đấng cứu thế.

Tôi thì thấy chuyện đó chẳng khác nào cố bám vào cây gỗ mục ruỗng giữa dòng đời. 

Bả bỏ gần 2 tỷ để mua mộ cho cha mẹ. Bả nuôi mẹ. Bả bao nuôi lũ cháu đi học đại học. Mua xe mua laptop cho bọn chúng. Thậm chí, bả còn bỏ tiền mua biệt thự cho em gái út - dù bà này đã có đầy đủ chồng con và lớn tồng ngồng cả rồi. 

Kết quả là tất cả mọi người trong gia đình đều chửi bả, đều kết luận là bả thật ác độc và điên loạn.

Chỉ có mỗi tôi cảm thấy điều này thực sự kỳ lạ. Vì chỉ có mỗi tôi gạt bỏ hết tất cả than phiền oán thán chửi rủa của bả để nhìn vô sự thật là tất cả mọi người trong cái gia đình đó đều ăn tiền của bả mà sống. Chẳng ai thấy, vì họ bận nghe bả chửi. Bả cho tiền, xong rồi bả cảm thấy tiền của bả rất to, nên bả chửi. Chửi xong bả lại cho tiếp. Nếu có ai đó nhìn ra sự thật trần trụi và khuyên ngăn, thì bả lại bảo, nếu bả không lo thì em trai em gái của bả sẽ chết đói hết. Và bả lo tiếp, và bả chửi tiếp, và những người nhận tiền của bả lại chửi bả tiếp. 

Nó cũng lẩn quẩn và vô lý như cái mộ. Mỗi khi có họ hàng - dù cái mối quan hệ họ hàng đó xa tít tắp mù khơi - tới thăm, bả luôn cố rủ người ta ra mộ của cha mẹ bả để thăm-mộ, sẵn sàng bỏ tiền bao taxi kéo người ta ra đó. Tôi thì thấy rõ ràng là muốn khoe sự hiếu thảo của mình. Nhưng chẳng ai khen, hoặc họ không bao giờ thật lòng khen. Họ chỉ thấy phiền. 

Còn em trai em gái bả thì lại chửi bả đạo đức giả, thích đóng vai thiên thần. Chịu thôi, bọn chúng đâu có góp công góp của gì trong cái mộ của cha mẹ, còn bả thì cứ thích nhấn mạnh điều đó. 

Tôi chỉ thấy, cuộc đời bả lềnh bềnh, y như khúc gỗ mục ruỗng kia. 

Mọi người lấy người mẹ chung ra làm điều kiện, khi mẹ không còn nữa, thì mọi người sẽ lánh xa bả. Tôi chỉ cười, làm như thể họ đang gần bả vì mẹ vậy. Trong tất cả các mệnh đề chẳng có cái nào là mẹ, chỉ có tiền. 

Gia đình mục nát tận xương. Từ lâu đã trở thành những nhân vật trong những câu chuyện đầu môi để cười, để bình luận, vô thưởng vô phạt như chuyện cô ca sĩ nào đó vừa mới đẻ.

9. Tôi cố làm cho được 2 thứ, một là không dùng phương thức đạp thứ này xuống để nâng thứ kia lên, hai là không bao giờ nói câu "nếu tôi là bạn..."

Tôi chẳng bao giờ có thể là ai cả ngoại trừ chính tôi. Cho nên, tôi sẽ cố dừng cái việc vô nghĩa đó lại.

10. Dạo này, tôi có thể ngồi ngẩn người cả ngày, để tưởng tượng và sống những cuộc đời mà tôi đã luôn muốn mà không có được. Điều đó liệu có phải một dấu hiệu cho thấy khả năng bị tâm thần của tôi rất cao? 

9/11/2020

Tôi chỉ mong giờ này của năm sau, bạn tốt hơn tôi bây giờ.

Tôi không biết mình bị cái gì, hiện tại tôi chảy nước mắt không ngừng, liên tục nghĩ đến cái cách mà mình sẽ chết. Tôi nghĩ là tôi sẽ phải chịu trách nhiệm gì đó, rồi không chịu nổi nữa, tôi chết. Hay là tôi bị mắc bệnh nan y không cứu được, nên tôi chọn cái chết. Tôi cứ liên tục nghĩ xem làm sao để chết mà có thể không vướng bận gì hết. Tôi còn nghĩ, mình sẽ mua thật nhiều thuốc ngủ, rồi đi ra một cái gầm cầu nào đó vắng người, uống hết, rồi chết, khi người ta tìm thấy tôi, tôi đã chết rồi. Tôi đã đi khỏi cuộc đời này, trốn chạy mất đi.

Tôi sợ, tôi sợ đủ thứ chuyện trên đời này. Rất sợ. Sợ đến nghẹn cổ. Những chuyện ngoài tầm với. Những bất lực. Những chuyện khủng khiếp. Tôi biết mình đang tự mang vác vào bản thân đủ mọi loại trách nhiệm, nó nặng đến mức tôi không thở được. Những ngày này, tôi cứ phải nói với chính mình rằng, chừng nào cái chết là một sự lựa chọn, chứ không chỉ là một cách trừng phạt người còn sống, hay một cách chuộc lỗi, chừng nào cái chết thuần túy là một sự chọn lựa, thì tôi sẽ chọn nó. Cái điều kiện mỏng manh như tờ giấy này giữ cho tôi bên lề của cái cửa sổ. Tôi nghĩ, nếu tôi có chết, tôi cũng sẽ chọn cái chết ít liên quan nhất đến với những thứ mà tôi yêu quý. Như căn phòng này, nếu tôi chết trong căn phòng này, có lẽ nó sẽ bị ám. Nó đẹp và sạch và chứa đầy ước mơ từ nhỏ đến lớn của tôi, tôi không muốn dùng cái chết của mình để vấy bẩn nó.

Cảm giác tồi tệ của sự vô năng, của sự bất lực. Tôi cứ tự hỏi, tại sao cuộc đời lại đi đến mức này, tôi phải làm gì tiếp. Những chuyện sắp xảy ra, chuyện gì cũng làm tôi sợ, tôi không nghĩ lạc quan tích cực gì được. Tràn ngập nguy cơ, tôi bấu víu vào niềm tin tôn giáo để kéo lại chút hy vọng nhỏ nhoi. Nhưng tôi lại nghĩ, bản thân mình không đủ sạch sẽ mà dám vịn vào niềm tin tôn giáo. Tôi là cái gì mà dám vịn vào niềm tin tôn giáo.

Cuộc đời như sợi tơ mỏng. Tôi thấy mình nghẹn ứ cảm giác sợ hãi đầy bất an, tôi cảm thấy bản thân không nắm chắc được một thứ gì. Tôi cảm thấy bất kỳ lúc nào, tôi cũng muốn đẩy chính mình đến sự giải thoát cuối cùng.
Giống như con lạc đà đã chất quá nặng, tôi nghĩ, một cọng rơm nữa thôi, tôi sẽ sụp xuống và đi đời luôn. Chỉ cần một cọng rơm nữa thôi.
Mấy năm trước, có lần thời gian này ở nơi xa lạ, tôi nằm lo lắng quặn thắt ruột gan, đến mức muốn ói. Năm trước, tôi khóc như mưa trong nhà tắm vì những thất vọng khủng khiếp. Trong thời gian này, tôi như đi trên dây, giữa một bên là hy vọng và một bên là tôi thừa biết tôi không xứng với những hy vọng đó.

Tôi nghĩ. Cứ nghĩ đi nghĩ lại. Thôi thì cùng lắm là chết.
Nhưng đến giờ này thì thậm chí cái suy nghĩ này cũng không làm tôi vui nổi một chút nào.
Chẳng biết bản thân bị cái gì. Đừng có gom chung tôi với mớ người đang than vãn trầm cảm trên mạng. Tôi không xứng, cuộc đời tôi chẳng có đủ bi đát để bản thân mình tự vướng vô cái chứng bệnh cao sang đó. Người ta sẽ chửi tôi rằng, có khối đời khổ hơn, sao mày lại dám dùng cuộc đời mình để biện hộ.
Người ta đúng. Chẳng có gì để biện hộ.

8/09/2020

8/9/2020

Cho tới thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy quyết định đúng đắn nhất cuộc đời mình là quyết định sống độc thân.

Bởi vì tôi biết rõ bản thân mình hoàn toàn không có khả năng đương đầu với các loại quan hệ người dưng nước lã. Chồng là người dưng, cha mẹ anh chị em nhà chồng lại càng là người dưng. 

Mà đã là người dưng, thì chỉ cần một câu nói một hành động, mối quan hệ đã đứt phựt. 

Cái gọi là người dưng ở đây không phải ý là có gen di truyền, ADN hay giọt máu đào gì, mà là thời gian. Cha mẹ ruột là ruột thịt bởi vì mấy chục năm sống với mình chăm sóc mình yêu thương mình hiểu rõ mình và không cắt rời mình được. Còn chồng và cha mẹ chồng gì đó, thì có bao nhiêu thời gian với nhau đâu? 

Nghe bảo chồng là người đi cùng nửa đời còn lại.

Nhưng cũng nghe bảo, lấy chồng là một canh bạc.

Thực ra, nói cho chính xác, thì kết hôn là một canh bạc. Về ở với nhau rồi mới ngộ ra người đó thực sự là người như thế nào. Và trên đời không thứ gì làm người ta mù bằng cái gọi là tình yêu đôi lứa. Mà quyết định khi mù thì độ chính xác cao lắm là 50%.

Kết hôn, đại khái giống như đầu tư đi.

Có điều cú đầu tư này hơi bị lớn. Vì phần vốn đầu tư là mấy mươi năm cuộc đời còn lại mà. Có thể lấy chuyện ly dị ra để biện hộ rằng thời nay cú đầu tư đó cũng không lớn dữ vậy, nhưng trừ những người đầu óc tính toán siêu việt, thì có mấy ai khi kết hôn đã nghĩ tới việc ly dị đâu.

Kết hôn xong. Trừ trường hợp kết hôn được tỷ phú sẵn, không thì mọi thứ trong cuộc sống đều bị thâm hụt so với mức hồi còn độc thân.

Trước chỉ giặt đồ mình, tuần giặt một lần là ok, đồ toàn đầm váy vải không cần ủi cứ giặt sấy xong treo lên là ok. Cưới xong phải giặt phơi thêm đồ chồng, sơ mi quần tây phải lấy ra ủi, mấy tiêu cả tiếng đồng hồ thảnh thơi. Trước thích thì nấu ăn không thì kêu đồ ăn ngoài, muốn ăn gì chỉ cần chọt chọt điện thoại. Cưới xong mỗi bữa phải cân nhắc coi chồng ăn gì mình ăn gì, bài ca "ăn gì" trở nên nan giải gấp đôi. Trước tiêu xài việc gì cũng a lê hấp, trừ khoản biếu bố mẹ thì tiền bạc rủng rỉnh, mà nhà có con gái bố mẹ thường ít cần con cái biếu xén, lấy chồng nhầm nhà chồng điều kiện kém thì ôi thôi. Không biếu thì kì mà biếu thì cảm thấy quá thiệt thòi cho bố mẹ mình.

Và đó là sơ bộ trả giá nhẹ nhàng nhất khi ở riêng nhé, kết hôn xong về ở nhà chồng thì mọi thứ cứ thế mà nhân lên một nghìn.

Điều ngang trái nhất của kết hôn chính là con cái. Con cái là máu mủ ruột thịt của mình. Nhưng nó chỉ có phân nửa máu mủ ruột thịt của mình thôi, phần còn lại là của người dưng đó. Và nó lại cần có người dưng đó trong cuộc sống của nó. Thế là rủi mà mình chán ghét cái người đó, sự thật vẫn rành rành ra đó là con mình - người mình yêu thương nhất cái cuộc đời này, vẫn đang mang trong mình phân nửa của người mà mình chán ghét đó. 

Vậy thì phải làm sao?

Tới lúc đó, nhận ra kết hôn nhầm người, nhận ra sai lầm thì cũng đã là quá muộn. Đúng câu, bỏ thì thương mà vương thì tội. Kẹt cứng ở giữa.

Mình tự biết thân. Mình dở nhất trong khoản thỏa hiệp với điều này. Nên mình từ bỏ chuyện kết hôn ngay từ đầu. Đối với mình, hôn nhân và một nùi những quan hệ kéo theo toàn là một mớ bòng bong phiền phức mà mình không bao giờ muốn dính dáng tới, ngay cả ở mép nước mình còn không muốn đụng tới, sao dám trầm mình trong vũng bùn không đáy đó. Mình sẽ chết còn sớm hơn và khốc liệt hơn so với cái chết tự nhiên mình đang định cho mình nữa.



3/29/2020

Tôi không cần đâu, tôi không cần cái tự do nhảm shit của mình đâu, tôi không cần ngủ lúc 10 giờ dậy lúc 7 giờ, tôi không cần khoảng thời gian riêng cho bản thân gì đó, tôi không cần nữa.

Tôi không cần sinh tố dâu của tôi giống tôi bất kể thứ gì. Tôi không bao giờ kể công kể mệt mỏi nữa, cho tôi dầm nắng dầm mưa kiểu gì cũng được hết, kiểu gì tôi cũng vui vẻ đi làm hết. Tôi không bao giờ than thở mỏi tay mỏi chân đau lưng nhức vai gì nữa hết.

Tôi sẽ bế nó bất cứ khi nào nó quấy khóc, bất cứ khi nào nó muốn tôi bế nó. Tôi sẽ không bao giờ la mắng hay đòi tét đít nó. Nó quăng đồ thì tôi sẽ đi lượm. Nó đánh tôi mà cười thì tôi sẽ để cho nó đánh. Nó muốn làm cái gì cũng được.

Tôi chỉ cần sinh tố dâu của tôi được sống thôi, tôi chỉ cần sinh tố dâu của tôi được mạnh khỏe thôi. Tôi chỉ cần một cơ hội để được ôm nó, nói chuyện với nó, tưng tiu cưng chiều nó. Tôi chỉ cần nó ở lại với tôi. Tôi đánh đổi hết. Tôi sẽ dành toàn bộ thời gian cho nó. Tôi sẽ dành toàn bộ tình yêu của tôi cho nó.

Chỉ cần nó muốn, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để cho nó. Tài sản tiền bạc của tôi, tôi cho nó hết. Tôi sẽ đưa nó đi khắp nơi, ăn hết thế giới này. Nó ham ăn lắm. Tôi chỉ xin một cơ hội được cho nó ăn hết tất cả các món trên thế giới này.

Van xin đấng tối cao, con sẽ không cầu xin bất kỳ điều gì cho bản thân mình nữa. Con chỉ xin một cơ hội để được yêu thương Sinh tố dâu của con, con chỉ xin Người che chở cho nó, xin Người cho con được ở bên nó tiếp.

3/22/2020

2020.03.22

Mình mệt mỏi quá.

Mình nhớ hồi lâu coi phim, có một đoạn, một cung nhân nói với bà Thái Hậu như vầy, ngày trước lúc Hoàng Đế còn chưa lên ngôi, tranh đấu tính toán thật sự quá mệt mỏi, những tưởng khi Hoàng Đế đã lên ngôi rồi, thì cuộc sống sẽ tốt hơn, nhưng bây giờ đến nửa đêm Thái Hậu vẫn phải ngồi phê tấu chương, vẫn mệt mỏi như vậy.

Mình cảm thấy, cái mệt mỏi phía sau còn đuối hơn cái mệt mỏi phía trước, bởi vì cái mệt mỏi trước thì còn có hy vọng lối ra, còn có hy vọng kết thúc, nhưng cái mệt mỏi phía sau là mệt mỏi không hồi kết, mệt hoài mệt mãi.

Nếu ngày mai đưa Heo đi khám lại phải nhập viện, mình sẽ thôi không trực ở đó 24/24 nữa. Mình sẽ về nhà, kêu bà ngoại nó vô trực đi. Mình quá mệt mỏi rồi.

Mình nghĩ, lắm khi, nếu sự mệt mỏi đó của mình được công nhận một chút thì đã đỡ biết bao nhiêu, nhưng đằng này, mình cố gắng giúp đỡ, đến một chút biểu hiện biết ơn hay ghi nhận cũng không có. Người ta cứ hiển nhiên coi mình là osin không lương.

Chuyện ba con Heo bỏ vợ bệnh con nằm viện đi về quê ăn đám giỗ đã làm mình tỉnh ra, vợ con nó khoán luôn cho mình chăm. Nửa đêm trông con Heo, lưng mình đau muốn gẫy đôi, tự hỏi ủa tại sao bản thân phải khổ sở như vậy. Trên đường đi ra ministop mua đồ, mình khóc nghẹn họng. Sao mình phải khổ dữ vậy. Mình nhớ tới 3 tháng nay, mình không có một đêm nào ngủ được thẳng giấc, còn ba con Heo thì cứ ngủ cho thẳng rồi thức dậy đi làm. Chuyện nó đi đăng ký khai sinh cho con Heo, khai quê quán ở quê nó, thành một giọt nước tràn ly. Mẹ gọi, mẹ chửi mình vô duyên vì dám can thiệp vô, mẹ nó, con Heo có phải con của con đâu.

Mình ngồi ở bục cầu thang bệnh viện, giác ngộ chân lý. Ừ, mình quên mất. 3 tháng trời mình lo cho nó không thua gì mẹ nó, thậm chí còn hơn khi mẹ nó bệnh mình phải gồng lên lo cho cả 2. Những đêm thức trắng canh chừng mẹ con nó, sợ nó nóng nó sốt phải nhúng khăn lau người. Những đêm nó quấy khóc giật mình, mẹ nó cuống quít mình phải thức ôm chặt nó. Hơn 9 giờ đêm trời mưa tầm tã, mình mặc cái áo mưa đội mưa đi bộ lòng vòng tìm tiệm photocopy để photo cho giấy tờ cho nó vì bệnh viện đòi. Trưa nắng chang chang mình chạy xe khắp đường tìm chỗ bán ống bơm thuốc để cho nó uống thuốc vì nó cứ khọt khẹt, dặn ba nó mua từ sáng mãi đến trưa nhắn hỏi mới bảo không mua được.

Nhưng hễ mình than vãn một câu, người ta sẽ nói với mình, đã làm thì đừng có than.

Ừ.

Mình không làm nữa đâu.

Mình thương em thương cháu, mình gồng lên lo, từ tiền bạc tới công sức. Ôm nó cho bú sữa, cho uống thuốc, thức canh chừng nó, ôm nó đi chích đi tiêm, thì ngọt ngào kêu mẹ nó. Nhưng hễ có chuyện gì, thì mình thành bà dì, một tiếng nói cũng không có. Người ta làm cho một chút, thì công sức lớn bằng cái xe bò, mình có làm bao nhiêu, thì cũng là chuyện mình phải làm.

Hồi mình còn ở HV, có chị kia chỉ nói mình, giống như em chắc trên thế giới này chỉ có một người quá. Mình chỉ cười. Quả thật chẳng có ai giống như mình, chẳng có ai chỉ là dì mà đi lo cho nó giống như mình. Nó chẳng có gì giống mình, cũng chẳng có gì thuộc về mình. Sau khi ba nó khai quê quán cho nó, mình chợt cảm thấy, chính xác là chợt phát hiện ra, mình đang chăm con người ta. Nó lớn lên thì nó cũng chạy về cha mẹ nó, ông bà nó, nó lớn lên, lắm khi vừa mở miệng kể chăm nó thì nó sẽ thấy đó là gánh nặng. Tụi nó nói, mai mốt nó lớn, mình bệnh nó chăm lại. Không, mình chưa từng nghĩ thế, chưa bao giờ trông chờ điều đó.

Trước giờ chăm nó chưa bao giờ nghĩ ngợi. Ngày ba nó khai quê quán cho nó xong, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác. Mình chăm mình lo, xong ỷ hết vào mình, mình không làm thì oán thì trách, đến cái chuyện pha thuốc pha sữa cho con cũng bảo không biết làm rồi không làm. Đi nhập viện hay không cũng nhìn mình chờ mình quyết định.

Mình antinatal, mình anti marriage, mình quyết sống cuộc đời tự do không chồng không con. Mình không phải người đòi cháu. Mình không phải người quyết định kết hôn sinh con. Tại sao mình phải đánh mất hết cuộc sống của mình vì con Heo? Tại sao mình không thể chỉ chăm lo cho nó giống như mọi bà dì trên đời này chăm lo cho cháu thôi? Mình thương nó, mình thương em gái, mình thương mẹ, không nỡ lòng nào buông bỏ, không nỡ lòng để mẹ phải khổ sở thức đêm.

Nhưng thì sao? Chẳng ai cảm kích, chẳng ai quý trọng gì công sức đó cả.
Chẳng ai cả.

Mình mệt mỏi lắm rồi.

Giây phút đặt chân về nhà lần này, giây phút ngồi vào bàn, coi phim uống trà sữa, hay đặt lưng nằm ngủ thẳng giấc một đêm trên cái giường của mình, làm mình nhận ra, mình nhớ da diết cuộc sống tự do này. Thật lòng quá nhớ rồi.

1/24/2020

Gửi Mây 2020

Chào,

Hôm nay là mùng 5 Tết, nhằm ngày 9/2/2019 rồi. Hôm giao thừa thậm chí mình còn quên nhận thư chứ nói gì là viết thư.

90% lý do, là mình không biết nên viết cái gì...

Gần Tết, điều mình làm nhiều nhất là tự khám bệnh cho bản thân bởi vì đầu óc thực sự là nặng nề quá. Nguyên nhân lớn đến từ tiền bạc. Dĩ nhiên, tiền là liều thuốc cho mọi vết thương. Tháng 1 bán hàng không ổn, chủ yếu là vì mình lười, nản quá. Mình nghĩ, sau Tết phải từ từ lần tìm cách bán hàng đỡ cực hơn. Vả lại, trớ trêu thay, lý do của cái sự nản ngoại trừ nguyên nhân cực, còn nguyên nhân là, mình kiếm đủ rồi.

Năm 2018 doanh thu mình dư nhiều, gia đình chỉ biết là mình có 3 cây vàng với $1,100 lì xì mà đã hú hồn, nếu họ thực sự biết là mình dư thêm 200tr và còn $1,000 nữa thì sẽ thế nào nhỉ. Ahihi.

À, quay lại việc tự khám bệnh cho bản thân. Mình đã từng nói và vẫn luôn nói, tình cảm nên nhẹ nhàng, vì nếu tình cảm là gánh nặng thì sớm hay muộn người ta cũng sẽ tìm cách vứt bỏ cái gánh đó đi. Năm ngoái bệnh nặng là vì cứ mang vác hết vào người. Ngoại té gẫy chân nằm viện, ngoại mệt một, nhìn kiểu mấy bà dì thấy mệt mười, nào là châm chích, nói lén, lập bè phái, mẹ thì tốn tiền quá nhiều, ba thì sau lưng cứ cằn nhằn, tại sao lo viện phí cho bà ngoại lại còn phải lo tiền cho dì út ở trên bệnh viện lo cho bà ngoại. Tới hồi nghe chồng dì út nhập viện gì đó, thì tất cả suy nghĩ trong đầu mình là lạy trời mẹ đừng ham hố tốn tiền nữa. Mọi sự chất chồng lên nhau đẩy mình tới việc cắt đứt hết thứ quan hệ. Máu mủ cái gì, chỉ là gánh nặng. Thậm chí, cái gánh nặng đó còn túm tụm lại nói xấu sau lưng những người đã giúp đỡ mình. Mình chưa từng thấy trên đời này lại có những kẻ hèn hạ đến như vậy, tay thì xòe ra lấy tiền không ngại, để cung phụng cho cuộc sống xa hoa, tiền không có mà đi mua nhà biệt thự ở rồi bắt người ta gánh nợ, sau đó hễ có dịp thì lại đi nói xấu người ta. Thêm bà dì 3 suốt ngày soi mói, chỉ chăm chăm hễ có ai sống vui hơn bả là bắt đầu nói móc nói xấu. Mình ghét tới nỗi mùng 1 mình tránh bả hoàn toàn, chúc tết ai chứ không chúc tết bả. Chưa bao giờ mình thấy đến một câu chúc cũng khó mở miệng nói như vậy.

28 Tết thêm việc thằng H cãi hết tất cả mọi người ôm xe chạy về quê trong đêm làm cả nhà tức điên mà không ngủ được. Mùng 1 mình phát nhầm bao lì xì của ba mẹ cho một đứa nào đó. Mình khá chắc đó là con B, mình đã gọi điện cho nó, nhưng nó bảo không có. Nhưng mình vẫn nghĩ đó là nó. Sau khi máu nóng dồn lên não cả buổi, thì mình nghĩ, thôi, đứa nào lụm cái tiền đó, coi như gánh vận xui cho mình. Không nghĩ nữa.

Mình đã từng tin rằng, người ta sẽ sống như mình, chí ít những người mình biết, họ sẽ sống như mình. Nhưng mình sai. Mình có thể tự hào rằng mình không lấy bất cứ cái gì không thuộc về mình. Mình dưới sự giáo dục một cách vô tình hay cố ý của ba mẹ, có một lòng tự trọng cao ngất. Tuyệt đối không lấy những gì không thuộc về mình. Không dưới một lần mình thẳng thắn trả lại tiền thối dư cho bà bán hàng, dù nếu mình đi luôn thì bả cũng chẳng biết gì. Ba mình cũng vậy, đi mua hàng mà người ta thối dư thì khẳng khái đem lại trả. Mình khẳng định tiền mua được lương tâm, nhưng lương tâm mình, giá đắt lắm, triệu đô la mình mới bán, vài trăm nghìn vài triệu, không đáng. Nhưng những người xung quanh mình thì không. Hôm mùng 2 đi chơi biển với con M, lúc mua bánh khoai mì nướng mua 1 chục mà bà bán hàng lấy 12 cái, bả không biết, mình thấy nó đếm và nó biết, nhưng nó vẫn nói với bả là đủ rồi. Chuyện nhỏ tí, nhưng mình thấy rõ ràng, nó không như mình, mấy đứa đó, chúng nó không như mình, và vì thế mình không tin tưởng chúng nó được. Năm ngoái cái giỏ tiền của mình để trong phòng ngoại, tưởng là toàn người nhà thì thôi, nhưng vẫn bị móc mất 500,000 và mấy tờ 20,000 để ngoài. 我们不一样. Chúng ta không cùng một dạng.

Mình nhận ra một điều rằng. Thôi thì mình sống cuộc đời của mình. Năm 2014 mình ngồi viết thư pháp 3 chữ kệ mẹ nó để mừng Tết, năm nay mình cũng muốn viết những chữ đó. Vào ngày đầu năm mới mình phun rất nhiều bad words trong vô group chat và chat với con Mụp, lúc đó nếu không làm vậy thì mình chắc là mình sẽ phát điên và chửi thẳng mặt nhiều người. Nhưng, vậy là kết thúc rồi. Mình nghĩ, lúc mẹ bảo mình, lần thứ 100, rằng đấy là người cùng 1 lỗ chui ra với mẹ, mình từ bỏ. Từ nay về sau, đấy không còn là chuyện để mình lo nghĩ nữa. Thậm chí mình sẽ chẳng buồn nói năng nữa. Đấy là chuyện của mẹ, đéo phải của mình.

Năm nay, mình sẽ sống ích kỷ. Mình sẽ làm những điều mình muốn, đi những nơi mình muốn và tự chăm lo cho bản thân mình. Mệt mỏi rồi.

Một điều có thể là vui vẻ là Tết năm nay mình ăn Tết ở Sài Gòn, không phải đu đeo theo bame đi đâu cả. Thành ra mình đổ đốn ghê gớm. Chỉ mỗi mùng 2 là mình còn học được 1 bài, những ngày còn lại mình toàn cắm đầu vô phim với truyện. Chẳng có giá trị gì đáng kể.

Năm ngoái, mình hy vọng là khi đọc thư, tâm trạng của mình giống như lúc viết thư, là được rồi. Năm nay thì mình mong rằng, lúc đọc thư, mình sẽ vui vẻ hơn. Bằng cách nào đó mình sẽ vui vẻ hơn. Thí dụ như là đã vượt qua hết chướng ngại của năm 2019 mà vẫn yên ổn, vẫn ngồi ở cái bàn quen thuộc gần cái giường quen thuộc nhìn ra khung cửa sổ quen thuộc để mà đọc thư chẳng hạn.

Thực ra, giao thừa nói cho cùng chẳng qua là một dạng tâm linh. Nó chẳng khác mấy so với những giây phút giao ngày bình thường. Nhưng người ta thì cứ thích tin rằng nó thiêng liêng và đặc biệt. Mình đã nghiệm ra từ lâu rằng, cái gọi là tổng kết tâm trạng cuối năm chẳng qua là tâm trạng mấy ngày gần đó. Chứ thử lúc mà mình vừa đậu bằng lái coi, mình vui phải biết.

Năm sau chắc cực. Thực sự. Tháng 5 bà nội với cô hai về, rồi tháng 6 ông già về ở hẳn 2 tháng. Nghĩa là 1 năm mất mie nó 3 tháng phiền phức muốn chết được. Nhưng mình đã quyết rồi. Bame đã cho mình thứ tự tin khôn cùng của việc tự mình mình sống, đéo nợ ai, nên mình có quyền tuyệt đối không cần phải nhìn mặt ai. Rồi nhiều dấu hiệu khó khăn. Thí dụ như năm ngoái con Lu chết, năm nay thấy lính xưởng ba kiểu gì cũng yểu yểu xìu xìu. Thôi thì tới đâu hay tới đó. Mình chuyển dần sang việc bán hàng có sẵn. Và đầu tư cái gì đó. Không biết có được không, nhưng phải tìm hướng thôi. Cứ đường cùng thì phải tìm hướng đào đường đi tiếp.

Mình mong năm 2019 may mắn một chút. Mình sẽ phải đầu tư để có nhiều hiệu quả ngon lành chứ không sống lơ lửng tạm bợ như vầy nữa. Niềm vui tức thời không kéo dài mà. Thí dụ như, mình sẽ đi tập thể dục chẳng hạn. Ôi ~ nghe là thấy mệt rồi. Đào đâu ra động lực để làm nhỉ.

Có một quyết tâm. Rằng năm nay mình sẽ lấy cho được HSK4. Lâu quá rồi không có thành tích học tập gì, mình thấy bản thân hơi vô dụng.

Mình hy vọng lúc đọc được thư này, Mây của 2020, sẽ vui vẻ ngồi tick tick những goal đã đạt được. Và vui hơn. Hy vọng thế. Xin lỗi vì lá thư thực sự không có gì vui. Mình mới check và phát hiện ra, năm sau Tết sớm. 25/1 đã Tết, nghĩa là sớm hơn hẳn 11 ngày so với năm nay. Nghĩa là, không mất tháng 2, nhỉ.

Mà mất tháng 1? Nghỉ xong tết Dương Lịch thì còn có 3 tuần là nghỉ tết Âm Lịch. Ồ wow. Vậy phải chạy doanh thu nhiều, nhỉ. Cố gắng lên.
Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis