2/28/2015

Công nghệ và sự biến đổi trong suy nghĩ con người

"Có cái gì đó bình an trong sự im lặng của những cuốn sách, sự sẵn lòng chờ đợi hàng năm, thậm chí hàng chục năm của chúng để gặp được một người bước tới và rút chúng ra khỏi nơi chúng được đặt vào. Những cuốn sách thì thầm với tôi bằng một giọng mơ hồ: Cứ thư thả. Chúng tôi nào có đi đâu."

-Trí Tuệ Giả Tạo-

Hôm trước, tôi gặp Fu và anh Â. Chúng tôi đã nói về cụm từ "báo lá cải". Gọi là cãi nhau hay tranh luận thì không đúng, vì bởi vì Fu là một cái radio, chỉ phát sóng lại tư tưởng của người khác. Fu bảo: các anh cứ gọi báo là "báo lá cải", rằng đăng tin xàm láp, vô bổ, ngôn từ trần trụi không trau chuốt, nhưng các anh toàn click vào các bài đó. Một tờ báo cần view để sống, cho nên người ta phải như thế. Còn xào bài ư? Anh có biết mỗi ngày một tờ báo phải thay hơn 20 bài, làm sao mà người ta viết nổi, nên xào bài là lẽ đương nhiên. Huống hồ, những bài xào lại lại có view cao hơn hẳn những bài có đầu tư. Vậy thì anh định nghĩa đi, cái gì gọi là lá cải, cái gì gọi là chính thống? Cũng là công sức của người ta bỏ ra đấy thôi.

Cãi như vậy thì làm sao mà cãi được. Vì tôi và anh  có click vào những cái link đó đâu, có coi những tờ báo đó đâu. Chúng tôi không thuộc thành phần đóng góp vào view đấy, nhưng Fu cứ khăng khăng rằng chúng tôi cũng thuộc thành phần đó, và vì thế nên chúng tôi phải hiểu rằng đó là điều mà các báo mạng phải làm và chúng tôi KHÔNG ĐƯỢC coi thường những "công sức" ấy.

Tôi CÓ biết các thông tin về người nào đấy nổi tiếng chửi công an, nhưng chỉ biết thông qua cái tựa báo mà các followee của tôi share cùng nhận định của họ. Hiếm khi tôi click vào những link đó. Tôi CỐ GẮNG từ chối những thông tin kiểu đó để cho não mình có khoảng trống mà nhét vào những thứ có ích hơn.

Đó là cả một CỐ GẮNG. Vì việc đó là vô cùng khó khăn.

Tại sao những thông tin như vậy lại có view cao? Xét theo khía cạnh tâm lý con người thì đơn giản lắm, vì nó ru ngủ họ trên cảm giác thành công giả tạo: họ là người nổi tiếng mà cũng như thế, mình phạm tí lỗi lầm thì có làm sao. Lý do cũng giống như việc người ta thích đọc về cung Hoàng Đạo: vì nó mang lại cho người ta cảm giác mình là người đặc biệt. Não bộ chúng ta hoạt động theo một cách thức tức cười lắm: chúng ta tự lọc lấy những thông tin mình muốn thấy và phớt lờ đi toàn bộ phần mình không muốn thấy. Một bài viết về tấm gương nghèo vượt khó luôn ít view hơn một bài viết về trái cây Trung Quốc tẩm độc hay người mẫu nào đó lộ chuyện gia đình tan vỡ.

Tôi đọc một post về chuyện gia đình của một người nổi tiếng (tôi biết tên anh ta, nhưng anh ta nổi tiếng về cái gì thì tôi hoàn toàn không có khái niệm), đọc cái tựa là đủ để biết bài viết nói về cái gì rồi nên chẳng cần click vào link để làm gì, tôi click vào xem comment, và buồn cười nhất là hết 80% comment có chung một nội dung: tôi không quan tâm đến cái tin này! Tôi buồn cười quá, like they care! Admin của FP đó không quan tâm bạn comment cái gì, và FB cũng không đủ chuyên môn để đánh giá một bài viết thông qua nội dung của comment. Đánh giá của FB là một sản phẩm thông minh nhân tạo nửa vời đánh giá mọi thứ thông qua SỐ LƯỢNG thay vì CHẤT LƯỢNG. Một bài post có 100 cái comment với nội dung "vớ vẩn", "tôi không quan tâm", "nhảm nhí"... vẫn được đánh giá là tốt hơn và sẽ có độ reach cao hơn một bài post có 5 comment với nội dung siêu chất lượng, có tính nhân văn với ngôn từ trau chuốt và kiến thức sâu sắc. Vậy thì tại sao khi không quan tâm, người ta không làm chuyện đơn giản là scroll qua? Vì người ta thích thể hiện quan điểm. Ai cũng thèm nói, và thèm được người khác đánh giá tốt về mình thông qua những gì mình nói, đồng tình với những gì mình nói, và người ta còn thèm làm tồn thương người khác vì những gì mình nói nữa.

Chưa bao giờ việc chà đạp lên nhau lại trở nên dễ dàng như trong thời đại này. Trước đây, họ chỉ vào một cuốn sách dở và bảo nhau rằng đừng mua cuốn sách đó. Bây giờ, họ chỉ vào một cuốn sách dở và dè bỉu cười cợt tác giả từ tài năng đến cả nhan sắc của cô ấy. Não chúng ta dành để xử lý những thông tin theo kiểu "cư dân mạng hốt hoảng vì một cô gái xấu xí lại có quá nhiều người theo đuổi - theo những câu truyện mà cô ta viết trong cuốn bút ký của cô ấy" hơn là việc cuốn sách ấy dở ở chỗ nào. Chúng ta dành quá nhiều không gian não cho việc người nổi tiếng này nói là cái váy màu đen-xanh trong khi người nổi tiếng tiếng nói là cái váy màu trắng-vàng thay vì lý do thực sự tại sao não chúng ta phiên dịch khác nhau như thế. Não quá bận rộn để ghi nhớ rằng người nổi tiếng này đâm xe vào đâu, nên chẳng cần bận tâm xem khí quyển Trái Đất có bao nhiêu tầng.

Nhưng làm sao mà trách chúng ta được, khi những người chúng ta gặp hằng ngày thích nói về vụ ly dị của người nổi tiếng hơn là tim người có mấy ngăn và chức năng của chúng là gì. Người ta chuyển chủ đề ngay lập tức hoặc ừ hử cho qua khi bạn nói về cấu trúc của não, nhưng sẵn sàng tham gia tranh luận và đóng góp ý kiến về chương trình truyền hình hôm qua. Dần dần, Internet gom cục chúng ta lại, biến nhiều luồng tư tưởng thành một tư tưởng, nhiều sở thích thành một sở thích, nhiều quan điểm thành một quan điểm, biến rất nhiều loại tính cách thành một tính cách. Công nghệ trở thành sự đào thải tàn khốc nhất loại bỏ các tính cách và quan điểm khác biệt. Chúng ta từ chối hiểu và tôn trọng nhau, chúng ta thích chỉ trích và đả phá nhiều hơn là làm ra giải pháp. Và trong vô thức, chúng ta lặp lại những lời người khác nói, đem những quan điểm mà chúng ta đọc được và cho là đấy là quan điểm của mình.

[còn nữa, nhưng mệt rồi]

2/11/2015

Hiện tại

1. Dạo này tôi cảm thấy bản thân bị mất khái niệm về thời gian. Một phần là vì sắp Tết, lịch âm và lịch dương chồng chéo lẫn lộn trong sử dụng. Một phần khác, là vì tôi thực sự cột bản thân mình vào một chùm bóng bay và bay lơ lửng trên mây. Cũng không vui vẻ gì đâu, có hơi chóng mặt, buồn nôn, và cảm giác buồn bã thường xuyên vào những lúc chân tay thừa thãi. Tôi nằm dài trên giường, laptop để trên bụng, và luyện một lượt mấy chục tập phim cho quên sầu. Thật sự quên sầu. Nhưng - coi phim để quên sầu thì chẳng khác gì xài ma túy, một khi nó hết rồi, bạn bắt buộc phải quay về thế giới thực tại và điều đó đau đớn không thua gì việc khát thuốc. Đọc truyện cũng vậy. Trong đầu các tác giả luôn có một thế giới thật tuyệt vời. Không phải lúc nào cũng hạnh phúc, nhưng lúc nào cũng trọn vẹn. Kiểu như, nhân vật gặp khó khăn đến tột cùng, nhưng đến cuối phim thì họ luôn tìm ra cách để giải quyết vấn đề, cùng nhau nhìn về phía chân trời tươi sáng.

Lắm khi phim ảnh và tiểu thuyết còn có sức tàn phá kinh khủng hơn ma túy. Đấy là tôi chưa nói về thế giới manga. Thế giới ninja, thế giới của những quái vật, những trò game điên loạn, nơi mà mục tiêu và những giấc mơ thật rõ ràng như những tấm ảnh sáng màu. Tính cách của nhân vật cũng thật rõ ràng và trọn vẹn, họ bất chấp tất cả và chắc chắn là lúc nào họ cũng đạt được mục tiêu, họ có những người bạn tuyệt vời, những đối thủ cũng tuyệt vời.

Có lẽ bởi vì những bộ phim, tiểu thuyết, manga... luôn có kết thúc. Đặc biệt, chúng kết thúc khi nhân vật đang ở giai đoạn tốt nhất của cuộc đời. Họ đang ở đỉnh cao, đạt được giấc mơ của họ, khi công chúa gặp được hoàng tử, hoặc khi họ nhận ra rằng cuộc đời thật đẹp, rằng họ đã có một điều thật tốt đẹp, một ý nghĩa để tồn tại.

Nó khác với cuộc đời. Khác nhiều. Người ta vẫn cứ phải sống. Công chúa gặp hoàng tử, cùng nhau về hoàng cung và lo kế sinh nhai. Giấc mơ của họ hóa ra là ác mộng. Đỉnh cao rồi cũng phải xuống. Trường giang sóng sau xô sóng trước. Những thế giới trong đầu tác giả là một tấm ảnh chụp ngay khoảnh khắc đẹp nhất khi ngọn sóng chạm vào những ngón chân, còn cuộc đời là trường giang, sóng cứ xô nhau, và nát bét.

Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối. Mấy mươi năm trước, Nam Cao đã phải đau lòng như thế nào khi nói Nghệ thuật đừng là ánh trăng lừa dối? Nhưng làm sao nghệ thuật có thể không phải là ánh trăng lừa dối đây? Ngày trước, Nam Cao đem đời thực vào tác phẩm, bỏ cho nhân vật kết thúc khi dang dở, bỏ cho Hộ cầm tay Từ bật khóc, không một hứa hẹn, bỏ cho cái Thị Nở nhìn cái lò gạch cũ, không một hứa hẹn... Nhưng thời đại này, người ta cần nghệ thuật là ánh trăng lừa dối. Người ta cần những siêu nhân, anh hùng trên màn ảnh, người ta cần những chuyện tình lãng mạn mãi mãi trong văn chương, người ta cần những tình bạn đẹp phát khóc trong thế giới phiêu lưu. Vì người ta không tìm thấy những thứ đó trong cuộc đời.

Và cuộc đời dài lê thê.

2. Cách đây không lâu, hoặc lâu rồi, tôi có đọc một bài xã luận ngắn về việc ngôn ngữ đã phát triển như thế nào, chính xác thì chủ đề là: việc chửi thề đã trở nên thông dụng như thế nào. Bài viết tiếng Anh, họ nói cách đây hơn chục năm thì nếu nhân vật phải dùng tiếng Shit thì sẽ thay bằng tiếng Beep. Nhưng tới bây giờ thì các loại tiếng đó trở nên quen thuộc tới mức người ta coi đó là một phần tất yếu của ngôn ngữ. Tôi xem QaF, nhân vật không bao giờ mở miệng mà thiếu một tiếng chửi thề. Tôi nghĩ nhiều, và thấy Tiếng Việt cũng đang như thế. Thậm chí còn đặc sắc hơn.

Thứ nhất là viết tắt, vcl, vl, vđ, cmn, dm,... tới kiểu viết cách điệu như douma, v~, lol... tới kiểu viết thành hẳn một cụm khác như ai cũng hiểu đấy là cái gì như đậu xanh rau má, ụ ẹ, điệu múa, cơm mẹ nấu... Sử dụng mãi, sử dụng hoài rồi nó trở thành một phần bình thường. Đơn giản là, vốn đâu có cái gì gọi là đường đi, người ta đi mãi thì nó thành đường. Miễn người ta nghĩ nó bình thường, nó sẽ bình thường.

Lúc trước, tôi cảm thấy BJ rất ghê. Cứ bẩn bẩn thế nào. Nhưng xem hoài xem mãi thì nó cũng trở thành bình thường thành một phần tất yếu của xiếc. Người ta sống quá lâu trong một trạng thái thì người ta sẽ cho trạng thái đó là bình thường. Hồi trước nghe câu đố rằng nếu đem một người bình thường vào nhà thương điên thì ai sẽ là người điên. Tôi cười, nói thật nhảm nhí, người điên thì vẫn là người điên thôi. Nhưng giờ nghĩ lại, cũng chưa biết chừng. Mỗi người có một thế giới riêng, như người ta sẽ không bao giờ hiểu nổi tại sao có những người nhất quyết không ăn thịt chó, hay những người kì thị đồng tính đến như thế.

Và chắc người ta cũng sẽ chẳng hiểu nổi tại sao một người lại quyết định chết lúc 29 tuổi. Không phải 27. 27 chỉ là một sự trùng hợp. Cuộc đời một con người có rất nhiều mốc. Hết 19, bạn hết là teen. Nghĩa là bạn không còn được mặc những cái váy bung xòe ra đường, cột tóc hai chùm và chu môi khi chụp hình. Nhưng lúc đó tương lai vẫn đang chờ bạn phía trước và bạn vẫn còn niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời. Đến 29, cuộc đời bạn kết thúc những chuỗi ngày tươi trẻ. 30 là tuổi kết hôn, sinh con, sự nghiệp phải ổn định. Bữa có đọc bài viết, bảo "đến 35 tuổi mà vẫn chưa giàu thì đó là lỗi của bạn". Đọc xong, tôi cảm thấy muốn tự tử cho rồi. Đáng lẽ tôi phải cảm thấy được kích thích tinh thần, phấn chấn và quyết tâm, nhưng rốt cuộc tôi chỉ có một cảm giác trống rỗng và nặng nề. Chẳng khác nào chỉ vào mặt những người đã 34 mà chưa giàu và bảo rằng: mày thiệt vô dụng à nha.

29 là hoàn hảo. Đặc biệt hoàn hảo nếu lúc đó bạn có một sự nghiệp ổn định, phong độ đỉnh cao, thân hình bạn quyến rũ, làn da mịn màng tươi tắn, nếu bạn bỏ lại cuộc đời vài cuốn sách thì càng hay, người ta sẽ chẳng thể nào quên bạn nổi. Và người ta thậm chí còn nhớ tới bạn trong hình ảnh đẹp nhất, rạng rỡ nhất của cuộc đời. Nếu bạn ra đi với lý do khách quan, bạn thậm chí còn trở thành một hình tượng gây cảm hứng, rằng, cô ấy đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng thật ý nghĩa, rằng, cô ấy muốn sống biết bao nhưng không thể, vì thế chúng ta phải tiếp bước cô ấy, phải sống thật xứng đáng từng ngày.

Bullshit. Nếu đó là chuyện xảy ra cho người khác, và mình là người ở lại thì thật là bullshit. Nhưng nếu nó xảy ra cho mình thì thật tuyệt. Tuyệt vời!

Tôi tát vào mặt mình. Đồ hèn. Nói trắng ra, là chạy trốn khỏi thực tại lê thê, chẳng hứa hẹn gì mà thật là buồn chán. Mỗi ngày cứ trôi qua, rồi trôi qua, đến mức tôi bắt đầu lú lẫn về thời gian, nghĩ rằng mới đây thôi, nhưng thực ra là đã lâu lắm rồi...

2/04/2015

Nhật ký cuối năm. Tam tai hết rồi, đừng đổ thừa nữa.


Chào Mei,

"Lo học đi, học giỏi vào, sau này vô trường tốt rồi ra trường kiếm việc tốt lương cao, tự làm chủ cuộc đời thì muốn cái gì mà không được..."

Gửi Mei cái reply của chính Mei trên 1 cái confession.
Hôm nay là ngày 04/02/2015.

Vào cuối tháng 1 đầu tháng 2 thì báo chí online gần như tờ nào cũng đưa tin đám cưới đẹp long lanh của một cặp đôi đồng tính. Đám cưới của người khác biệt nó khác biệt nhiều, chẳng lễ nghi phiền phức, chẳng mời mười mấy bàn toàn người xa lạ, chẳng có MC ra rả điệp khúc cây và chim, nhưng đúng nghĩa một đám cưới, nơi mà từng cái chén cái dĩa cái ly cái khăn được chăm chút cẩn thận, và 2 chú rể thì thật là đẹp.
Mình nói chuyện với con Soul, nó cũng thở dài, kết luận: ở VN này, đám cưới là để rạng mặt bố mẹ chứ không phải thực sự là của cô dâu chú rể.
Mình nhìn vô đám cưới người ta, kết luận nhẹ nhàng: giàu có, thành công thì tự khắc mình sẽ quyết định được thứ mình muốn. Còn người khác đánh giá gì thì kệ mie họ, mình không phụ thuộc họ thì không cần quan tâm họ nghĩ gì. Nếu mình đủ giàu, mình sẽ dọn ra riêng và được quyền thiết kế không gian sống của mình theo đúng cách mình muốn chứ không phải lắng nghe ý kiến của ai. Nếu mình đủ giàu, mình sẽ thoải mái ăn mặc theo cách mình muốn, sơn móng tay màu mình thích, cắt kiểu tóc mình thích, mà chẳng lo ai sẽ đánh giá mình là đứa hư hỏng. Nếu mình đủ giàu, chẳng ai buồn dị nghị rằng tại sao mình không có chồng. Nếu mình đủ giàu...
Thành thử, mình phải giàu! Mình phải có tiền! Tiền quyết định tự do của một con người.
Mei ráng tích tiền mua nhà để đi xa nào!
Cố lên nào!
Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis