5/20/2019

Vì sao tôi không muốn con nít?

Mỗi lần tôi nói là, tôi không muốn có con, thì người ta sẽ thường nghĩ rằng đó là vì tôi ghét trẻ con.

Nhưng sự thật thì ngược lại. Đối với tôi, chó, mèo, và con nít, được xếp vào cùng một loại. Vì căn bản chúng không khác nhau mấy, ngoại trừ việc, con nít rồi sẽ thành người lớn. Sự khác biệt giữa con chó con và con chó lớn hay mèo con và mèo lớn chắc chỉ khác nhau ở kích thước và chút ít nhan sắc? Nhưng sự khác nhau giữa trẻ con và người lớn, thăm thẳm như thể bước qua cái vực sâu trên cây cầu sắp gẫy, bước qua rồi cây cầu gẫy luôn.

Con nít, hay còn gọi là trẻ con, là một tạo vật kỳ diệu của tạo hóa.

Có một buổi chiều tan làm về nhà, rắc rối công việc gỡ mãi không ra, sự dở hơi của các mối quan hệ không đâu vào đâu, và cái thể loại giao thông có thể khiến ông Bụt cũng phải chửi thề, tất cả trộn lẫn vào nhau và trét lên mặt tôi một lớp bê tông dầy những sưng sỉa, tôi vác cái thái độ như thể cả thề giới 7 tỉ người này mỗi người đều mắc nợ tôi 2 triệu, đi vào thang máy lên nhà. Trong thang máy đã có sẵn anh kia, chị kia, và một thằng nhóc con chừng 2 tuổi có cái niềm đam mê bất tận với cái thẻ từ. Cái thẻ từ mỗi lần đụng vô cảm biến sẽ kêu lên tít tít. Thằng nhóc con hư đốn cứ chọt cái thẻ từ rồi cười tít mắt. Tôi lầm rầm tự nhủ, cha mẹ không biết dạy để con cái phá phách. Thang máy dừng lại tần G đón người thôi tôi cũng bực, chắc người quen, nghe ba thằng nhóc bảo nó chào. Sau đó người quen lên tầng 4 đi ra, sau đó nhà nó lên tầng 7 đi ra, suốt quãng đường cứ tít tít, tít tít. Thang máy còn mỗi tôi. Tôi chưa kịp chép miệng một cái rõ to để bày tỏ sự released của mình, thì thằng nhóc đứng ngoài cửa thang máy, đầu vẫn đeo nón miệng vẫn mang khẩu trang, trước khi cửa thang máy đóng lại, đột ngột quay người nhìn tôi, rồi giơ tay vẫy vẫy, "bái bai".
Giây phút đó, đột ngột thế giới hết nợ tôi. Lớp bê tông sưng sỉa trên mặt tôi nứt ra, giữa khe nứt mọc lên một nụ cười. Kiểu như, như bụi bặm bị cơn mưa quét sạch trơn, mọi cảm xúc tiêu cực của tôi bị cái vẫy tay "bái bai" của thằng nhóc 2 tuổi đầu đội nón tai bèo mặt đeo khẩu trang có niềm đam mê kỳ lạ với cái thể từ, một phát thổi bay sạch.
Tôi nghi ngờ, thằng bé này bước ra từ thế giới Harry Potter và đã rót cho tôi một cái bùa Hưng Phấn hiệu quả ghê gớm.

Nếu bạn cùng một thể loại người như tôi, bạn sẽ hiểu tôi đang nói gì. Đối với tôi, nhận được cái vẫy tay của thằng nhóc 2 tuổi ấy, còn vinh dự hơn việc nhận được cái bắt tay của chính trị gia hàng đầu hay cái ôm của thần tượng đẹp trai.

Tôi còn nhớ tới lần chạy ngoài đường, giữa Sài Gòn nóng như chó và bụi bặm và những tay lái ngu si (mọi tay lái khác trên đường đều ngu si hơn bản thân mình, đó nên là nghịch lý thế hệ mới này), tôi từng nhận được cái vẫy tay của con bé tầm 1 tuổi đang được mẹ nó bế ngoái đầu ra sau, một tay nó đang cố nhét cái khăn che bụi dành cho em bé vào mồm, tay còn lại, múp míp núc ních, đưa ra ngoắc ngoắc tôi. Tự dưng lúc đấy, tôi thấy mình vinh dự khủng khiếp, giữa muôn vàn người đẹp, muôn vàn xe đẹp, nó để ý tới tôi.

Nếu bạn nuôi mèo bạn sẽ hiểu cái sự vinh dự đó nó lớn lao đến mức nào. Giống như Hoàng Thượng nhà bạn bình thường lạnh lùng õng ẹo, không thèm đoái hoài gì, tự dưng lại nhè ngay một ngày bạn buồn thiu xáp lại nằm trên đùi bạn, cho phép bạn vuốt ve nó. Sự vinh dự đó, ngọt ngào và mạnh mẽ xông thẳng vào tim, như trong ngày giá rét đột ngột nhặt được một cái đuốc, hoặc như trong ngày nóng chảy mỡ đột nhiên có cơn gió từ đâu ôm chầm lấy mình.

Sự vinh dự đó, nó đơn giản và quý giá và vĩ đại và miễn phí. Những thứ tốt đẹp nhất trên cuộc đời này, đều là miễn phí.

Chỉ có những đứa trẻ, những đứa vô tư nhất, những đứa ngu nhất, mới có thể đem lại cái vinh dự đó cho bạn. Mới ngày hôm qua, tôi ngồi nghỉ trên băng đá công viên, ở đâu có con bé con nhà ai trắng trẻo núc ních từ xa nhào tới, chăm chú nhìn tôi, tôi hỏi nó: "quen không?", nó bèn leo lên ghế kế bên rồi ôm lấy cánh tay tôi. Tôi cảm thấy mình đột nhiên trở nên vĩ đại như một Avengers giải cứu trái đất này. Nó trao cho tôi một niềm tin vô điều kiện, nó đến ngồi kế bên tôi chỉ vì nó muốn như thế, chứ không vì cái gì cả. Nghĩa là tôi - bằng cái bản mặt này, bằng cái thế ngồi này, hoặc giả, bằng cái aura này, đã đem đến cho nó niềm tin rằng tôi là người nó có thể ngồi cùng. Vinh dự biết là bao nhiêu!

Sau đó thì tôi đem nó trả về cho mẹ nó, bảo nhìn nó kỹ một chút vì trên đời này không phải ai cũng thiện lương hiền lành tốt tính như tôi đâu, nhỡ may...

Chính vì chúng nó, bọn trẻ con ấy, trong lành thiện chân và kỳ diệu như thế, việc chứng kiến một cách bất lực việc chúng nó trở thành người lớn, là sự tàn khốc nhất cuộc đời này. Đó là cái giá phải trả cho việc sở hữu một điều kỳ diệu. Nghe nó nói câu nói dóc đầu tiên trong đời, nhìn thấy nó tự trục lợi cho bản thân, hay dối trá giảo biện để né tránh trách nhiệm, thấy nó lười biếng đùn đẩy việc và mặt dày mày dạn chối bỏ tội nghiệt, nhìn nó, từ một thứ thiên chân vô tà chỉ biết ăn ngủ đi vệ sinh, trở thành một đứa người lớn biết nói, biết đòi hỏi, biết nhìn mặt đoán ý rồi thu lợi, nhìn nó lợi dụng tình yêu và trách nhiệm của người khác, hay nhìn nó đột nhiên trở thành thứ hai mặt xảo trá trước mặt thì ngợi khen sau lưng thì chê bai dè bỉu. Tất cả những thứ đó, giống như trét shit lên trên một bức tranh nghệ thuật. Tệ hại, và khốn nạn, nhưng không thể ngừng lại, không thể né tránh.

Thằng em họ của tôi, nhỏ hơn tôi 12 tuổi. Ngày đó, nó 4 tuổi, tôi và nó nằm trên giường nói giỡn. Tôi bóp cái cánh tay núc na núc ních của nó, hỏi, tay ai đây, nó cười hắc hắc trả lời, tay ba em đó, tay này là ba em cho em đó. Còn cái mũi này, cái mũi là mẹ cho đó, còn con mắt này, là bà ngoại cho em đó. Cái chân này, là dì chín cho em, còn cái bụng, là dì năm cho. Vậy cái gì là của em là chị cho? Chị cho em, cái đít nè...

Và giờ thì nó sắp trưởng thành, nó quên mất ngày đó nó tự bảo cái cơ thể của nó là mọi người trong nhà đã cho, nó phản nghịch, nó hỗn láo, nó suốt ngày ôm cái điện thoại nằm dài dán mắt vào đó, nó nói trỏng không với tất cả mọi người, nó nói dối suốt, mẹ nó không cho nó đi chơi, nó cầm kéo đòi cắt tay, mẹ nó lao vào cản, kéo đâm trúng tay mẹ nó. Nó đánh chị ruột của nó, vì cho rằng chị ruột của nó nói xấu sau lưng nó. Bà ngoại té gẫy chân nằm trên giường, nhà nó cách có 10 phút đi xe cũng chẳng thấy nỗi mặt mũi nó qua nhìn ngoại một lần.
Tôi nhìn nó, rồi không thể nào liên hệ nó với cái đứa ngày ấy nằm trên giường nói nhảm với tôi, sau đó chạy đi ịn lên mặt bà ngoại một bãi nước miếng gọi là hôn hít.

Tôi muốn đổ thừa hết cho cha mẹ nó. Nhưng rốt cuộc, cha mẹ thì chẳng bằng thầy cô, thầy cô thì chẳng bằng bạn bè, và bạn bè thì chẳng bằng cái xã hội này. Dù là chính tôi với tâm thế nói không với những thứ không đúng với đạo đức của mình, cũng chẳng thể đảm bảo rằng chính mình mỗi ngày đều sống đúng, thì làm sao cái xã hội hỗn tạp này, tôi có thể hy vọng rằng sự thiên chân vô tà của một đứa trẻ sẽ được giữ trọn vẹn?

Con bé 5 tuổi hàng xóm, ôm iPad lén lút coi phim sex. Thằng em 4 tuổi của nó, chạy qua nhà tôi chơi, vừa đập phá vừa tự tiện lấy đồ về nhà. Thằng em họ xa ở quê lên, mới 8 tuổi, mở miệng là than nghèo than khổ, bác cho con tiền mua cặp nha, mai mốt con lớn con nuôi bác, chị có cái điện thoại này sướng quá, cho em nha em không có, mắt thì láo liên nhìn đông nhìn tây, liên tục xin xỏ. Nghe được 2 câu thì chỉ muốn giúp nó thúc đẩy quá trình mọc răng vĩnh viễn.
Nói đâu xa, coi Nhanh Như Chớp Nhí, bọn trẻ con chưa gì đã biết lựa chọn thứ mắc tiền hơn thay vì thứ nó thực sự thích, nếu tự dưng có một đứa cứ đâm đầu lựa chọn thứ nó thích, thì ba mẹ, ông bà, cô chú bác cậu dì, hàng xóm nhiều chuyện, xã hội kim tiền, sẽ dạy cho nó, dù con thích thì con cứ lựa thứ mắc hơn đi, sau đó bán lấy tiền mua thứ con thích, để dư ra một mớ.
Chi cực vậy... Cái mớ dư đó, còn không phải là công sức đi rao bán hay sao?

Vậy mà, tất cả những điều đó, đều gọi là "trưởng thành".

Tôi chẳng biết từ bao giờ mà thiên hạ lại chọn cách định nghĩa tàn khốc như vậy. Cái câu "mày đừng có ngây thơ như vậy nữa", "nó trẻ con lắm" đều mang sắc thái xấu. Bạn đi ra đường, bị đa cấp lừa mua cái máy gãi lưng giá một chục triệu hay cái chậu ngâm chân giá trăm triệu, đều là bạn quá ngây thơ. Buổi sáng đi làm, bạn thấy người tàn tật ăn mày bạn cho tiền, buổi chiều tan ca, bạn thấy "người tàn tật" đó đang ngồi nhậu trong quán thịt chó, đó là bạn quá ngây thơ. Người lớn chúng ta luôn nhầm lẫn một cách tệ hại về quy chụp lỗi lầm, người lừa đảo thì gọi là khôn khéo, kẻ tin người thì bị kêu là ngây thơ.

Đến một lúc trong đời, một đứa trẻ sẽ giống như Pandora, mở ra cái hộp tội lỗi và nuốt vào người mình vài viên. Nửa viên đố kị, một viên tham lam và một chục viên lười biếng. Hoặc một viên nóng giận, hai viên chảnh chó... Có đứa tọng hết 7 viên...

Đối với tôi, chứng kiến cái quá trình đó, bất lực mà chứng kiến cái quá trình đó, là một sự tàn nhẫn khủng khiếp mà tôi không nghĩ là mình chịu được. Đứa nhỏ hàng xóm qua chơi xin kẹo, chừng nào sẽ lợi dụng việc tôi thương nó để xin những thứ khác? Con bé sáng hôm qua còn cười tít mắt với tôi, hôm nay đã biết liệt tôi vô đối tượng đáng ghét vì nghe ba mẹ nó nói ngày xưa ông cố nhà tôi chiếm đất bà ngoại nhà nó? Hay thằng nhóc hôm trước còn cưng nựng con chuột cống, hôm nay đá bay con chó nhỏ vì nó vừa học được cách trút giận nên những thứ yếu ớt hơn?

Tôi nhớ tới con bé đã ôm cánh tay của mình. Rồi vô tình nghĩ đến ông quản lý chẹn đầu trên ăn đầu dưới đút túi riêng cả đống tiền, còn chai mặt chối tội quanh co và dối trá. Tôi nghĩ, nếu con tôi mà lớn lên trở thành người như ổng, tôi sẽ đánh chết nó, rồi đi tù dưỡng già cũng được. Nhưng tôi lại biết mình không có cái quyền đó. Dù tôi lấy mạng ra đền, con tôi cũng là một cá thể độc lập tự quyết của cuộc đời chính nó, nó xấu hay nó tốt, nó lành hay nó dữ, tôi không có quyền can thiệp vào. Tôi chỉ có quyền đau lòng. Một sự đau lòng đến tuyệt vọng.

Mà thôi ví dụ làm gì cho xa xôi. Đứa nhỏ mới năm ngoái tíu tít theo sau đít mình đòi phụ bưng bê, mình giao cho nó nhiệm vụ cầm cọng hành đem lên mâm là nó đã cười tít mắt, năm nay ôm cứng cái smart phone, nằm dài chơi Candy Crush, hai mắt dại ra, ai gọi gì cũng ba lần bốn lượt mới trả lời. Nhìn là muốn đá cho vài cái. Đau lòng đến tuyệt vọng.

Trẻ con hàng xóm thì thôi đi, con mình, làm sao chịu nổi.
Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis