3/24/2019

24.3.2019

Cuộc sống mà bạn hướng đến là gì?

Tôi thì chỉ mơ đến một cuộc sống mà tôi không cần phải sử dụng điện thoại di động và cái đồng hồ.

1. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng điện thoại di động là một thứ vật dụng thô lỗ. Càng ngày, tôi càng thấy điều này sao mà đúng đắn quá. Sự thô lỗ của cái điện thoại, hay nói cho đúng thì sự thô lỗ của những kẻ sử dụng điện thoại, càng ngày càng quá thể, đến mức mỗi lần suy nghĩ về nó, tôi cảm thấy khó chịu đến mức hoảng sợ, đến mức buồn nôn. Và sự thô lỗ đó chỉ có thể tăng lên, chứ không thể giảm đi. Điện thoại càng đắt tiền, càng nhiều chức năng, người sử dụng lại càng thô lỗ. Thô lỗ khi giao tiếp mà không nhìn mặt người ta, chỉ chăm chăm nhìn vào điện thoại. Thô lỗ khi phàn nàn vì người ta không trả lời tin nhắn ngay. Thô lỗ nhất, phải kể đến công việc gọi điện thoại chào mời người ta mua hàng mà không cần biết người ta có cần hay không. Và gần đây nhất, đỉnh điểm của sự thô lỗ tục tĩu, là để một cái máy gọi điện đến chào mời người ta mua hàng. Thậm chí không phải một con người, mà là một cái máy.

Tôi không hiểu họ đã bị chai sạn đến mức nào rồi mà có thể làm chuyện đó. Người mà họ gọi có thể vừa chợp mắt, người mà họ gọi có thể đang lái xe, người mà họ gọi có thể đang bận ru con ngủ, điện thoại reo, và người đó phải buông tay đi bắt máy. Nhưng khi bắt máy thì lại nghe một cái giọng đều đều phát ra từ cái máy rằng "chúng tôi có dự án đất nền ABC..." Họ đã nghĩ gì nhỉ? Chắc là lợi nhuận, chỉ có tiền mới thể bào mòn sạch bách sự lịch sự tối thiểu của một con người như vậy. Lắp một cái máy, có thể tăng số lượng cuộc gọi, giảm chi phí nhân công. Doanh thu có tăng hay không nhờ việc đó thì tôi không biết, nhưng độ hèn hạ của những con người làm việc đó, tạo ra quyết định đó, tôi chắc chắn, là tăng lên đáng kể.

Người ta trở nên phụ thuộc vào cái điện thoại nhiều hơn rất nhiều lần. Ngày xưa ra ngoài không nhất thiết phải cầm theo điện thoại, bây giờ thì điện thoại không rời tay. Ngày xưa người ta đến chỗ hẹn và chờ nhau, giờ đây thì phone một cú rồi cancel. Ngày xưa người ta không biết làm sao để biết một người đang ở đâu, giờ đây chỉ cần định vị một chút.

Những chuyện đó, tiện lợi hơn hay thô lỗ hơn?

Việc biết được cái điện thoại nhỏ gọn đó không rời tay một người, làm người ta yên tâm hơn, hay bất an hơn? Tôi không thấy được sự khác biệt giữa việc không có cách nào liên lạc được với việc biết cách liên lạc mà không liên lạc được. Tôi cũng chẳng thấy chút nào khác biệt giữa việc để người khác leo cây tự nhiên, và gọi một cú để cancel cuộc hẹn ngay trước khi nó xảy ra. Có thể phương án sau giúp tiết kiệm thời gian thật đấy, nhưng thời gian để làm gì so với việc suy nghĩ rằng "chẳng sao đâu do đã cancel trước và giúp người ta tiết kiệm thời gian" sẽ làm người gọi cảm thấy thoải mái với việc cancel cuộc hẹn, giảm bớt cảm giác tội lỗi và áp lực. Nhưng khác biệt gì đâu khi đều là thất hẹn thất hứa? Và, cũng có khác biệt gì đâu giữa việc không biết một người đang ở đâu, và việc không biết tại sao người đó đang ở vị trí đó.

Chúng ta đã không cần cái điện thoại di động để mà sống, thì không có lý do gì bây giờ chúng ta lại không thể thiếu nó.

2. Thời gian cũng là một thứ sáng tạo khổ sai mà con người đã tạo ra trong quá trình cố gắng sắp xếp cuộc sống của chính mình. Nhưng có một sự thật đau khổ, rằng vì vốn dĩ chúng ta sống trong thời gian tuyến tính, nên tính entrophy chỉ có thể tăng lên, chúng ta càng cố sắp xếp mọi thứ, chúng lại càng rối bời.

Giống như việc khi chúng ta cố gắng nhét cả cuộc đời mình vào một cái điện thoại nhỏ gọn, tính tập trung của đầu óc chúng ta giảm và sự hỗn loạn, rối bời, đa mang ẩn dưới cái tên gọi "đa nhiệm" trở nên càng ngày càng rõ ràng.

Cũng như vậy, rất lâu rất lâu trước đây, người ta cố gắng sắp xếp cuộc đời mình vào những khung giờ, càng lúc càng chính xác, thì cũng là lúc mọi thứ bắt đầu phức tạp. Ví dụ như, ngày xưa người ta tỉnh dậy và ra đồng, xong việc và đi về. Ngày nay người ta buộc bản thân phải có mặt ở công sở lúc 8 giờ sáng và chỉ được rời đi lúc 5 giờ chiều. Để làm được điều đó, người ta phải thức dậy lúc 7 giờ sáng - bất chấp tình trạng sức khỏe như thế nào, và bất chấp công việc nhiều ít, phải ngồi lì ở đó đến 5 giờ chiều. Logic của việc đó là gì chứ? Nó không hề tự nhiên, nó không hề thuận theo bản năng của con người. Sự không tự nhiên đó, chính nó, lại tạo nên hỗn loạn. Mỗi người có một cách khác nhau để deal với việc họ phải làm như thế nào để sống, nhưng bằng cách thiết kế ra thời gian, người ta cào bằng tất cả. Giống như trường học, để con chim và con cá nhốt chung sau đó dạy chúng đi bộ.

Nhưng người ta lại nhầm lẫn khủng khiếp và gọi là đó trật tự. Và thậm chí những tưởng trật tự đó sẽ tăng độ hạnh phúc, tăng độ thành công, tăng ý nghĩa của cuộc đời.

Nhưng mà, không có thứ sáu thì không có chủ nhật. Người ta làm đến khi nào mệt thì nghỉ, đáp án là 0. Người ta vui vẻ bao nhiêu khi đến tối thứ sáu, thì sẽ buồn bã bấy nhiêu khi đến tối chủ nhật. Rốt cuộc thì tổng vẫn bằng không, phương trình vẫn cân bằng như thể nó đã vẫn luôn cân bằng như vậy.

Zero sum game. Mãi mãi là zero sum game.

3.

Ngày xưa tôi đọc câu chuyện về ông tỷ phú và ông lão câu cá. Ông tỷ phú, khi thấy ông câu cá chỉ ngồi câu bằng chiếc cần đơn giản, đã hỏi rằng, tại sao ông không mua lưới để bắt được nhiều cá hơn, sau đó sẽ có nhiều tiền hơn, mua được thuyền đánh bắt xa bờ hơn, rồi lại có nhiều tiền hơn, sau đó lại mua thêm thuyền thuê thêm người, sẽ càng có nhiều tiền hơn. Ông câu cá hỏi: rồi sao nữa. Ông tỷ phú nói: và ông sẽ thanh thản thoải mái ngồi câu cá. Ông câu cá bèn hỏi một câu chí tử: thế tôi đang làm cái gì đây.

Trong cái "ngày xưa" ấy, tôi đã bảo, nhưng trạng thái của việc câu cá ở hiện tại và trạng thái khi câu cá ở thời điểm đã có một đội thuyền để đánh cá sẽ khác nhau. Căn bản là, lúc ấy dù ông có câu được cá hay không, ông vẫn không cần phải lo hôm ấy không có cá ăn.

Nhưng bây giờ thì tôi phát hiện ra một điều, điều tiên quyết cho cái lập luận ấy là ông ấy thích ăn cá cái đã. Có chắc gì việc không câu được cá ở hiện tại làm cho ông ấy lo lắng và khốn khổ hơn ở thời điểm đã có một đội thuyền? Tâm lý người ta là một biến số có độ dao động khủng khiếp và không bao giờ có thể tính ra kết quả cuối cùng. Sai lầm lớn nhất vĩnh viễn là áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác.

Phải nói như vầy cho chính xác.

Sai lầm lớn nhất CỦA TÔI vĩnh viễn là áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác.

Nếu tôi giải phóng được mình ra khỏi điều đó, hẳn nhiên là tôi sẽ phi thăng, như thể đã tu tiên đến mức độ cao nhất rồi.

4. Thời điểm đó cũng là lúc tôi sẽ giải phóng mình khỏi cái điện thoại và cái đồng hồ.
Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis