12/25/2018

Tổng kết 2018 (1)

Hôm nay là ngày 25 tháng 12 năm 2018.

Và điều khủng khiếp là mình vừa nhận ra, năm sau, mình sẽ nhận được cái lá thư mà mình 4 năm trước đã gửi mình năm 30 tuổi. Ahaha. Mặc dù theo trí nhớ của mình thì lúc đó mình đã viết nhăng cuội nhảm nhí và còn bỏ giữa chừng nữa, vì mình đã sợ là mình không còn sống đến lúc đó nữa. Ahaha.

Anyway.

Điều mình muốn tổng kết đầu tiên cho năm nay, đó là những câu quote ảnh hưởng và ám ảnh tâm trí mình nhiều nhất.

Câu thứ nhất là, "việc bạn làm sau giờ làm việc sẽ quyết định tương lai bạn là ai." Như mọi khi - nội dung mặc dù được nhét trong dấu ngoặc kép, thực ra chỉ đại khái theo trí nhớ mình thôi.

Lúc mới đọc câu ấy, mình đã không nghĩ rằng nó sẽ ám mình tới vậy. Và mình trong vô thức đã bắt đầu tự quan sát bản thân xem mình đã tận dụng 3 tiếng đồng hồ từ 7 giờ tối đến 10 giờ tối hằng ngày như thế nào. Nếu không phải nghe nhạc chơi game, đọc truyện thì cũng là lướt facebook chém gió bét nhè. Và mình nhận ra một điều hiển nhiên rằng, nếu cứ tiếp tục như thế, thì 5 năm sau, 10 năm sau, mình cũng chỉ như thế, cũng chỉ có thể nghe nhạc chơi game, đọc truyện và lướt facebook chém gió bét nhè.

Và nhân tiện nói tới facebook, thì mình còn nhớ tới một câu nữa, cũng trần tục và tầm thường khi mới đọc, và sâu sắc đẹp đẽ khi hồi tưởng lại, làm mình chùn tay mỗi lần chuẩn bị lao vào một cuộc chiến quan điểm: "cuộc đời này ngắn lắm, hãy dùng thời gian của bạn để cãi nhau về chính trị với những người không quen biết trên mạng."
Oh. Oh.
Mình có cái tính kỳ, tiêu cực thì có thể nói là nghi kỵ mọi thứ và lì lợm cứng đầu, nhưng tích cực thì có thể nói là khó bị dụ, hễ người ta bảo mình làm cái gì là mình chùn chân ngay, càng khuyến khích mình thì mình càng chùn chân. Thành ra, ahaha, mỗi lần chuẩn bị chém gió, mình lại kiểu "ủa mình đang làm cái gì thế này". Mỗi lần muốn show quan điểm, mình đem về wall và chém, chứ không lên public page mà trình bày nữa. Vì nếu lỡ có ai khác quan điểm muốn cãi nhau trên wall, mình chỉ nhẹ nhàng hỏi "ủa bạn là ai vậy, quen mình sao?" là họ tự cút.

Nhờ thế mà tiết kiệm được cũng kha khá thời gian. Thời gian rảnh ra, thực ra thì chỉ mới được 1 tháng từ ngày mình được khai sáng, mình đã đi học tiếng Trung Quốc. Và sau 1 tháng thì mình không có cảm giác mình đang học tiếng Trung mà là đang học tiếng Việt xưa...
Niềm ái quốc dâng trào trong huyết quản.
Mình hy vọng rằng năm sau mình có thể viết những dòng này bằng tiếng Trung (cũng nghi ngờ lắm, vì giờ lắm khi những dòng này mình còn không viết được bằng tiếng Anh). Ahihi.

Câu thứ hai là, "cái gì còn có thể giải quyết bằng tiền, thì hãy giải quyết bằng tiền."
Khi bạn đạt đến ngưỡng 30, và bố mẹ bạn sắp chuyển lên U60, đặc biệt là khi bạn hú hồn nhận ra lá thư gửi tuổi 30 của bạn 4 năm trước đang nằm chình ình trước mắt dù bạn cảm giác là mình mới viết ra nó đâu đó 2 tháng trước, thì bạn sẽ phát hiện ra rằng, của cải quý báu nhất cuộc đời này, là thời gian.
Đó là cách mà cuộc sống này trở nên công bằng, và giữ vững sự công bằng của nó suốt bao nhiêu niên kỷ. Dù bạn giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, mập hay ốm, ngu si hay thông thái, thì mỗi ngày, bạn cũng chỉ có 24 giờ mà thôi.
Lại nói, trong một cái truyện dở hơi mà mình đọc, nhân vật chính lúc dạy đời thiên hạ, có nói một câu như vầy (đại loại): "mỗi người chỉ có một thời gian hữu hạn, mỗi khi làm gì, phải biết mình sẽ đạt được cái gì từ những giây phút đã bỏ ra đó". Well, sau khi phát biểu bố đời thiên hạ thì nó đi chịch.

Nhưng, về cơ bản, tất cả những điều đó, chỉ để quy về một mối. Rằng, nói cho cùng, của cải quý báu nhất, không phải là tiền, mà là thời gian. Thời gian mất đi là mất đi vĩnh viễn, không thu hồi được, không tái tạo được, không lưu trữ được. Thời gian - theo nghĩa tuyệt đối của nó, không mua được không bán được. Nó chỉ có thể được sử dụng, và sử dụng nó như thế nào mới có thể đem lại hạnh phúc to lớn nhất, mới là điều phải suy nghĩ.

Nói về thời gian, không gói gọn trong việc một ngày 24 giờ, một năm 365,25 ngày, hay mười năm thì có 3652,5 ngày, vị chi 87,660 giờ, mà là một đời người, vẻn vẹn cao lắm, trong 100 năm, là 876,600 giờ.

Và điều đáng buồn nhất là bây giờ bạn đã rất gần giờ thứ 300,000 rồi, bạn chỉ còn lại có hơn 500,000 tiếng đồng hồ nữa, đồng hồ điểm bong bong thì còn 499,999 giờ nữa... Đấy. Vậy đấy. Và đấy chỉ là tính theo giá trị sử dụng cơ bản của cái cơ thể não nề này trong trường hợp lạc quan nhất thôi nhé. Ý là chỉ dùng để thở ấy. Chứ dùng để tư duy, dùng để đi chơi, dùng để tập thể dục, đọc sách, lao động, kiếm tiền, thời gian lại càng ngắn hơn ngắn hơn.

Thành thử ra. Nếu tiền có thể sử dụng để mua thời gian. Hãy làm điều đó.
Tranh thủ lúc còn trẻ, hãy tích lũy. Và người ta hay nhầm lẫn giữa việc tích lũy và tích lũy tiền. Well, tiền là một trong những thứ phải tích lũy, một trong những thứ quan trọng nhất, nhưng người ta còn cần tích lũy trải nghiệm, tích lũy sức khỏe, tích lũy kiến thức (để độ trưởng thành có thể đi kịp tốc độ lão hóa, để trở thành già làng thông thái thay vì trẻ trâu da nhăn nheo).
Mình nghĩ nhiều đến bà ngoại, cả đời ngoại chưa từng được đi máy bay, chưa từng đặt chân ra khỏi đất nước Việt Nam, giờ con cháu có điều kiện muốn được ngoại đi cũng không thể, vì ngoại mệt lắm, không đi đâu nổi hết. Thời gian không còn...
Mình nghĩ nhiều đến mình. Well, mình hay nghĩ phải mà hồi xưa mình đừng mắc cỡ, phải mà ba mẹ cho mình đi học bơi lúc mà mình học bơi không ai cười bảo cô này già rồi giờ còn đi học bơi, thì giờ mình đã biết bơi.

Mình không biết chơi cờ, nhưng mình hay nghe nói kỳ thủ giỏi là kẻ có thể nghĩ trước đối thủ vài chục bước đi. Mình thấy cuộc đời này cũng vậy, một người sống giỏi, là người có thể nghĩ trước thời gian vài chục năm. Dĩ nhiên là mình không hoang tưởng về khả năng kiểm soát của mình với những biến cố của cuộc đời, nhưng mình nghĩ mình có thể đoán sơ về nó và chuẩn bị để hạn chế hậu quả xấu nhất. Thí dụ như, rủi thất nghiệp thì tài sản còn lại mình có thể sống trong bao lâu. Thí dụ như, không làm nghề này thì mình sẽ làm gì.

Và, thí dụ như, mình muốn trở thành như thế nào trong 10 năm nữa.

12/03/2018

Khải Hoàn Môn


Trùng hợp làm sao khi Khải Hoàn Môn bị đập, mình coi được clip phục dựng của Hoàng Thành ở Huế. Mình hay đem việc nước ta bị đập ra dựng lại quá nhiều nên nên không có nổi một Tử Cấm Thành để mà dựng phim cho đẹp đẽ hoành tráng.

Nghệ thuật vị nghệ thuật. Nghệ thuật tồn tại bởi vì chính nó, không vì bất cứ một lý do nào cả, kể cả nhân sinh. Nghệ thuật vị nhân sinh chẳng qua là vì sự ngạo mạn của chính con người cho rằng bản thân mình là cái rốn của vũ trụ mà thôi. Nghệ thuật vị chính trị là thứ duy nhất tệ hơn vị nhân sinh đó.
Nghệ thuật, luôn luôn và mãi mãi, vị nghệ thuật.

Một bức tranh xấu thì là xấu, không phải vì họa sĩ có đạo đức tốt và ca ngợi con người nên nó đẹp. Một bộ phim hay thì là hay, không phải vì nó ca tụng chính quyền hay thể chế nên nó phải dở.

Và một công trình kiến trúc, dù có được tạo ra vì mục đích gì, thì nó cũng là một tác phẩm nghệ thuật nếu nó đủ nghệ thuật và là một đống rác nếu nó... rác rưởi.

Cách con người đối xử với nghệ thuật, bằng một phương thức kì diệu nào đó, thể hiện rõ ràng phẩm chất và đẳng cấp và - nói trắng ra - mức độ tiến hóa trong nhận thức của họ.

Mình, chỉ là, thất vọng thôi.

Có một chữ, mà khi mình thực sự suy nghĩ về nó, thì phát hiện ra rằng nó rất hay: chữ "vô giá". Không có giá. Vượt ra khỏi phạm vi định giá của con người. Không có đồng tiền nào mua nó được, mà cũng không cần tiền để mua nó. Nó "vô-giá".
Mình thấy ngoài việc xé nát một bức tranh, thì việc treo cho nó cái giá vài triệu đô la, cũng làm tan nát tác phẩm.

Người hiểu một tác phẩm nghệ thuật và cảm nó, cũng giống như việc bạn thích một cuốn sách vậy - định giá cho một tác phẩm nghệ thuật giống như là mua cuốn sách bởi thấy cái bìa của nó thiết kế đẹp quá chắc là trưng kệ đẹp lắm đây. Giá trị thực sự của mỗi một cuốn sách chính là cái giá trị vô hình của nội dung, một cuốn sách hay - nó tuyệt nhiên không hay ở hình thức in ấn hay cái bìa cứng bọc da - nó hay bởi vì nó tác động đến cảm xúc của bạn, thử nghĩ xem, những con chữ đen đen cứng nhắc ấy, khi chuyển vào não bạn, lại tạo ra từng cơn sóng "chất dẫn truyền thần kinh" làm bạn cười, làm bạn khóc, làm bạn ngạc nhiên, làm bạn run rẩy. Đấy mới là nghệ thuật, đấy mới là giá trị, đấy mới là đẹp.

Mình không nghĩ tác giả sở hữu tác phẩm.

Hồi xưa, khi mình học làm văn phát biểu cảm nghĩ, có một suy nghĩ cứ ám ảnh mình, rằng "liệu những cảm nhận của mình có trúng ý tác giả hay không", thí dụ như khi viết dòng thơ "ao thu lạnh lẽo nước trong veo" cái mà cụ Nguyễn nghĩ tới không phải là màu xanh, mà là màu xám xịt, thì sao. Làm sao chúng ta có thể kéo cụ lại mà hỏi cụ đã nghĩ gì?
Sau thì mình tự trả lời, chính bằng cách đó, tác giả không sở hữu tác phẩm. Nghệ thuật không thể được sở hữu. Da Vinci không sở hữu Mona Lisa, Gustave Courbet không sở hữu Wounded Man, dù hai ông họa sĩ ấy tự vẽ mình (hoặc không), cũng như Rowling không sở hữu Harry Potter, chắc chắn là không. Đặc biệt là Rowling của hiện tại.

Nghệ thuật, không thể được sở hữu. Giá trị thực sự của nghệ thuật, không thể được sở hữu bởi một người, nhưng bất kỳ ai cũng có thể sở hữu nó.
Tôi có quyền ngồi khóc cùng nhân vật tôi yêu thích, tôi có quyền nổi da gà vì một bài hát, hay gào thét rống giận vì một bức tranh. Đấy là lúc tôi sở hữu nghệ thuật.

Mình coi Insterstellar chắc tầm 10 lần. Lần đầu coi, mình hơi bực vì cảm thấy những phút tình cảm chen vào giữa một bộ phim khoa học thật là lạc lõng. Nhưng càng về sau, mình lại càng cảm. Lúc tiến sỹ Brand lý giải việc cô ấy muốn đến hành tinh Edmund thay vì Mann, cô ấy bảo rằng, ừ - tôi yêu Edmund, nhưng đấy không phải là một trong những điều kỳ diệu của chúng ta hay sao, hãy nghĩ về nó, tình yêu là thứ duy nhất có thể vượt qua không gian và thời gian, không cần biết Edmund đang ở cách cô mấy vạn năm ánh sáng, cô vẫn yêu anh ấy. Nếu bạn thực sự nghĩ về điều đó, thì bạn sẽ phát hiện ra, nghệ thuật cũng y chang như vậy. Bạn cảm thấy một bài hát là hay, ngay cả khi bạn không hiểu lời, ngay cả khi nó được sáng tác từ kẻ bạn ghét cay ghét đắng hay được trình bày bởi đối thủ không đội trời chung của bạn. Đó là điểm diệu kỳ của nghệ thuật.
Và cái gọi là giá trị nội tại của một con người, cũng như vậy. Chỉ có thể được cảm nhận, không thể được định giá, không thể bị sở hữu.

Quay lại vụ án Khải Hoàn Môn.

Có người đổ tại dân nhập cư. Có người đổ tại sự lười biếng. Có người - mình tán đồng nhất - đổ tại sự nuông chiều của chính phủ (mình nghĩ là thực chất vẫn là lười biếng thôi). Những điều đó kéo trình độ dân trí xuống, khiến cho họ, đem điều mà họ nghĩ là bất hạnh của cuộc đời họ, để phá hoại, cướp bóc và thối rữa. Khải Hoàn Môn ở đó - chẳng làm gì họ, chẳng tước của họ đồng bạc nào, vậy mà họ vẫn đập phá nó. Đấy không còn đơn thuần là sự tức giận, đó là sự mất lý trí, mất kiểm soát, sự dốt nát. Đập Khải Hoàn Môn để làm gì? Giống như giận bà vợ rồi đi đá con chó, không, phải nói là giống như ghét hàng xóm xong về nhà đập bể nồi cơm điện. Trong khi dù hàng xóm bạn có đáng ghét như thế nào, thì cái nồi cơm điện vẫn làm nhiệm vụ của nó, nấu cơm cho bạn hàng ngày.
Vậy thì hỏi chứ, có ngu không.
Ngu quá đi mất.
Người Pháp, tự bao giờ, lại ngu đến như vậy chứ.


Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis