8/31/2022

31.8.2022

Sau hơn 1 tháng tham gia vào cuộc chiến không hồi kết của các chế độ ăn (diet), không nhất thiết là kiêng và mục tiêu cuối cùng không nhất thiết là giảm cân, thì tôi đã phát hiện ra một điều là chế độ nào phù hợp với bản thân nhất là chế độ đúng đắn nhất. 

Thí dụ như, mọi người ca ngợi keto như một phép mầu, nhưng tôi không ăn keto 100% được, tôi chỉ ăn keto nửa mùa là đã muốn khóc lắm rồi, keto chừng 3 ngày là tôi mất sạch năng lượng, uể oải, tập thể dục không nổi luôn, và craving khủng khiếp, và điều dã man nhất chính là đang trong mùa trung thu, cám dỗ ở khắp mọi nơi... tưởng tượng để theo keto thì suốt phần đời còn lại tôi không được ăn 1 miếng bánh bông lan nào hay một miếng bánh trung thu nào hay một miếng bánh mì nào... thì đúng là một cơn ác mộng khủng khiếp nhất trần đời. tôi có xem video và comment của những người theo keto, khi họ phát hiện ra 1 công thức làm bánh mì không break diet của họ, họ ăn miếng bánh mì đầu tiên và gần như bật khóc vì sung sướng (Btw, công thức vừa khó làm nguyên liệu thì vừa khó kiếm vừa đắt). huống hồ, tôi sống ở VN với cơ man nào là cơm tấm bún bò phở bánh canh miến và bánh mì, bánh dày bánh bèo bánh bột lọc bánh chưng bánh tét bánh ú. thôi. cravings và cám dỗ sẽ đè bẹp tôi trước khi tôi kịp tận hưởng bất kỳ thành quả ketosis nào. 


có lẽ nếu vượt qua được khoảng thời gian đầu thì cơn cravings sẽ thuyên giảm và biến mất. cũng giống như việc tôi vượt qua cơn craving trà sữa chừng 1 tháng thì giờ, trộm vía, đối với tôi trà sữa không còn có ý nghĩa sống còn nữa. tôi thậm chí còn bỏ luôn tất cả các thức uống có đường, bao gồm cả ly cà phê sữa. hiện tại, trộm vía, chẳng sao. nhưng bỏ carb thì thật sự là ác mộng, ác mộng. cố lắm thì chỉ hạn chế được cái added sugar mà thôi. 


và "phép mầu" thứ hai, intermittent fasting và prolong fasting - thứ đi ngược với tất cả các lời khuyên diet đang tồn tại. 


ngày xưa, tôi nghe các lời khuyên giảm cân đó là chia nhỏ bữa ăn ra và đừng ăn quá nhiều trong 1 bữa, sau này khi đu theo diet phương Tây thì tôi phát hiện ra món IF - nhịn ăn gián đoạn, khung giời 16-8 hoặc 18-6 hoặc 20-4 hoặc những người pro quá thì 23-1 luôn. IF được nghiên cứu và được cho là tạo ra nhiều thành quả trong cả việc giảm cân, giảm mỡ, và khiến đầu óc sáng suốt tỉnh táo, chống lão hóa. càng fast thì càng tốt. tuyệt đối không ăn vặt - nghĩa là, ăn cái bánh thì ăn cho hết luôn, rồi thôi, cứ không chia nhỏ và ăn liên tục. dựa trên nguyên lý là: khi bạn ăn, insulin của bạn tăng > giảm độ nhạy insulin, điều này dẫn tới tiểu đường, béo phì, tích mỡ, tăng mụn... kiểm soát mức insulin thấp thì sẽ tốt hơn cho sức khỏe, nhan sắc, cân nặng... của bạn. khác với keto gây tranh cãi, thì IF là một phương pháp được ủng hộ bởi TẤT CẢ các neuroscientist và chuyên gia dinh dưỡng mà tôi biết. nhấn mạnh, TẤT CẢ. 

nhưng tôi ghét nó vãi lìn. 

tính tới nay thì tôi đã IF được 2 tuần, cheat day 2 ngày, haha =.= nhưng IF làm tôi khó chịu quá. tôi set khung giờ ăn của mình vào 6-12g sáng. và sau đó nhịn tới sáng hôm sau, chỉ uống nước. và cứ tới tầm 4-5 giờ chiều là tôi lại down mood khủng khiếp. chuyện này chắc bắt nguồn từ việc tôi đã cắt sạch added sugar và giới hạn carb để đu keto nửa mùa. tôi chả thấy hiệu quả sáng suốt đầu óc đâu cả, chỉ thấy brainfog và chả có tí mood nào để làm việc. buổi sáng thì ok, chứ qua hơn 4g - bụng không đói, nhưng mood thì chắc tuột xuống cống rồi. 

tôi thực sự nghĩ là mình không thể nào vừa IF vừa keto được, phải bỏ 1 trong 2 cái thôi kẻo căng quá đứt dây. nên, tôi quyết định bỏ keto và cheat day cho IF nhẹ nhàng 1 ngày 1 tuần vậy.

8/25/2022

25.8.2022

Khi nói về việc diet, chế độ ăn, thì câu này hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết: "Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do". Giống y như việc tập thể dục hay làm việc chăm chỉ hay sống healthy các kiểu... 

Bữa giờ mình tìm lý do để không thể theo chế độ ăn kiêng keto được, dù mình rất là ham cái hiệu quả của nó - giảm mỡ. Nhưng từ bỏ hoàn toàn bún miến phở bánh mì bánh bao bánh bông lan các loại, thì thôi, nó không hợp với lối sống của người Á Đông, dù theo quan sát của mình thì quả thật dạo này người Á Đông cụ thể là người Việt Nam cụ thể là người Sài Gòn, hơi bị béo bụng. Không mập, chỉ béo bụng. 

Thí dụ như, nếu mình nói mẹ mình hãy ăn uống kỹ hơn, bớt đường lại (ối giời ơi cái ly cà phê sữa buổi sáng đã đủ lượng đường cho cả ngày dài năng động), thì mẹ mình sẽ dẫn chứng ông bạn mẹ ăn uống rất kỹ nhưng cuối cùng vẫn bị K máu và bệnh viện trả về rồi. Và mẹ mình sẽ kết luận rằng sống cho thoải mái - và mình, một phần, đồng ý với điều đó. 

Mình thì không nghĩ là ăn uống nên liên quan tới việc sống cho thoải mái, dĩ nhiên, hút trà sữa sẽ khiến bản thân vui vẻ TỨC THỜI thật, vì đường trong máu tăng cao mà, nhưng không uống trà sữa, từ bỏ các loại coke và nước có đường đóng chai, chỉ uống nước lọc, thì cũng có cái tốt riêng của nó, bạn sẽ cảm thấy bình thản DÀI LÂU - thông qua việc đầu óc bớt mụ mị hơn, da ít mụn hơn, người bớt mỡ hơn. Có điều, từ bỏ là cai nghiện - theo đúng nghĩa đen của từ này, nghĩa là, hiệu quả chỉ thấy sau hơn 2 tháng, 3 tháng, 4, 5 tháng, hay cả năm, chứ hậu quả thì thấy ngay lập tức, và nó khá giống với việc cắt cơn nghiện, cơ thể thì bồn chồn, bứt rứt, đầu óc thì phân tâm, làm việc không hiệu quả, và cảm xúc thì luôn cố nói với lý trí rằng: chời ơi cuộc sống có bao lâu mà hững hờ, chời ơi ai cũng uống thì mình cũng uống có sao đâu, chời ơi đã 16 tiếng đồng hồ từ bỏ trà sữa rồi, nên ăn mừng thôi, và trước khi bạn kịp nhận ra, bạn hoặc là đang google "ích lợi của việc uống trà sữa" để cố làm bản thân cảm thấy ít tội lỗi hơn hoặc là đang trực tiếp đặt mua trà sữa rồi. Cố lắc đầu trước "nước đường" các thể loại đủ chừng 2 tháng, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. 


Sau một thời gian dài kì thị self-help, thì mình đãng quay lại self-help theo đường lối không ngờ tới nhất, youtube video. Ôi, giờ mới phát hiện đây mới là cái kho self-help vĩ đại nhất. Anyway, mình đi từ thái cực đam mê self-help sang thái cực kỳ thị self-help, giờ thì mình ung dung ở giữa, nghĩa là, nó có giá trị riêng của nó. Một vài tip mình phải ghi chú lại vì nó thực sự có hiệu quả (với mình) và mình có thể đào sâu để viết 1 bài đàng hoàng hơn: 

1/ Cookie: dùng những thành quả trong ký ức để tạo nên động lực trong hiện tại

2/ Quy tắc môi trường & quy tắc 20 giây: đơn giản là nếu muốn ăn kiêng thì dẹp hết bánh ngọt xung quanh đi. Và muốn làm thứ gì thì khiến nó dễ tiếp cận hơn (có thể làm liền trong 20s), còn muốn từ bỏ thứ gì thì khiến nó khó tiếp cận hơn (mất hơn 20s để làm nó). Ví dụ khi mình ra siêu thị, thay vì mua luôn bánh ngọt, thì mình sẽ nghĩ - không sao, chừng nào thèm quá chịu không nổi thì đi bộ thêm chuyến nữa, "nhân chi sơ, tánh lười biếng".

3/ "Hãy cho ước mơ lớn nhất đời bạn 3 năm" - nghĩa là dành 3 năm cố gắng theo đuổi nó và cho nó 3 năm để nó tới với bạn, chứ đừng đòi hỏi 1 tuần hay 1 tháng. Ngoài ra, sáng nay còn nghe 1 bài nói về boldness, nghĩa là, dám làm, với mỗi thứ bạn muốn có, muốn làm - hãy thử 10 lần, hãy cố gắng 10 lần. Ví dụ như nếu bạn muốn sáng tác 1 bài hát, thì hãy cố 10 lần để làm điều đó. 

4/ Quy tắc cấm cảm xúc nagging. Hãy xem cảm xúc và lý trí như trẻ con và phụ huynh, khi cảm xúc mè nheo kiểu: ăn miếng xi cu la đi, nghỉ tập thể dục đi, uống trà sữa đi... thì thay vì dùng lý trí để thuyết phục năn nỉ nó, bảo nó hãy nghĩ về tương lai, v.v. thì đơn giản là bảo nó "im", rồi đi làm việc của mình, hoàn toàn phớt lờ nó, kệ mie nó nagging. 

8/19/2022

19.8.2022

Sáng nay, bắt đầu tập meditation theo headspace, lưu trang này từ podcast của Dr Huberman chắc được đâu 2 tháng rồi giờ mới redeem code để xài thử. Meditation một chút buổi sáng thấy cũng hơi ok. Trong lúc meditation mình nghe thấy một hỗn hợp âm thanh kì lạ giữa tiếng động cơ xe máy - thứ mà bình thường mình cảm thấy rất ghét, và tiếng chim hót - thứ mà mình vốn cũng không ưa (nhưng dù sao cũng đỡ hơn tiếng gà trống gáy). Và mình nhận ra, rằng cái hỗn hợp này thực ra không quá khó chịu. Tiếng động cơ xe máy, nếu tập trung lắng nghe và thanh thản chút đỉnh, thì sẽ khá giống với tiếng sóng biển, nghĩa là - nó không liên tục, nó đến và đi theo từng lượt, trước giờ mình không có chú ý đến điều này. Tiếng chim hót cũng vậy. Tiếng chim - xét theo khía cạnh sinh học, nó không có rảnh mà hót cho mình nghe hay "hót chào ngày mới", hoặc là lũ chim non hót vì đói, hoặc là nó đang hót để tìm bạn tình, hoặc là một dấu hiệu sinh lý nào đó. Chim không hót cho vui. Và tiếng chim hót sáng nay nghe hơn căng thẳng. Hẳn là một con chim đang lo lắng. 

Mình sẽ dời mấy cây xanh về chỗ kệ nhìn cho đẹp. 

Viết blog thì hay ở chỗ không mỏi tay nên không làm biếng, tha hồ diễn tả cảm xúc, đã vậy còn có thể bôi xóa thỏa mái. Nhưng viết journal thì chậm hơn, chắc hơn, có thể luyện chữ đẹp. Viết status facebook thì có người đọc - sẽ tạo ra dopamine, nhưng sau đó thì sẽ bị nghiện dopamine và mục đích viết vì thế sẽ bị bóp méo. Thôi. Viết blog cho lành đời. 

19.8.2022

8/17/2022

Nhật ký fasting

Mình vừa thử fasting 24h và coi bộ không ổn. 

Vì khi ăn lại mình đã ăn một cách mất kiểm soát luôn. Mình thèm đủ thứ, cái gì mình cũng có thể cho vào miệng được. Và ghê nhất là mình nghĩ rằng, vì mình đã fasting suốt 24h nên giờ mình xứng đáng được ăn. Và quan trọng nhất là, cả buổi sáng mình không làm được cái gì ra hồn vì mình cảm thấy vô cùng irritated, feeling like crap. Đầu mình chỉ nghĩ tới đồ ăn. 

Mình nghĩ, tuần sau mình sẽ đổi giờ fasting. Ăn sáng xong rồi fast tới sáng hôm sau, chứ không ăn sáng thì mình không đủ sức chịu đựng. Và buổi trưa mình ăn nhiều kinh dị. Willpower của mình yếu đi rất nhiều luôn, lý trí hoàn toàn bị đánh bại, dù bụng no và dù thừa biết là đã extra calories rồi, nhưng vẫn cứ muốn nhét vào mồm. Và thêm nữa là trước khi fast mình sẽ ăn đủ protein và fat. 

Mình đã rất tự tin vào willpower của mình, rằng mình chẳng bị nghiện cái gì cả. Mình có quit ngay nếu mình muốn. Nhưng. Well. Hóa ra mình nghiện đường và từ bỏ đường khó đến như vậy. Hóa ra mình nghiện đồ ăn và từ bỏ đồ ăn thực sự khó đến mất dạy. 

Buổi chiều hôm nay mình vẫn ăn một cách khiếp hồn khiếp vía, ăn luôn miệng. Và ăn toàn đồ ngọt. Kiêng ngọt khó quá.

Mai mình sẽ kiểm soát mức độ ăn uống lại, ăn thêm nhiều rau & trứng & trái cây, cắt hẳn bánh ngọt đi. Nếu trưa mai mình đi ăn buffet chay với mẹ thì chiều mai mình fast, nghĩa là fast tầm 16h. 

Haiz. Sự nghiệp fasting tệ hại. Nhưng nói cho cùng thì tới cuối ngày, hệ quả vẫn không quá tệ, dù miss hẳn một session b1 (do ngồi mơ mộng), nhưng hôm qua mình đã dịch phần của hôm nay, và mình đã luyện nghe vào buổi sáng, buổi chiều đã học từ vựng. Đã đi gửi hồ sơ bưu điện và đòi tiền COD. Đã ra ngân hàng để nạp tiền, đã đi bán cái khánh vàng xàm xí đú (120.000). Tối mình đã đăng ký headspace xem sao. Nói chung, đã tick được nhiều thứ. 

Ngủ thôi. Mai tính. 

8/07/2022

7.8.2022

1. Hiện tại, điều mà mình cảm thấy ngại nhất là tính bền vững của những thứ mình đang cố gắng duy trì, như học tiếng Pháp, tập thể dục đều đặn, ăn uống tỉ mỉ, dịch sách, xem các video youtube chứa đựng nhiều thông tin bổ ích. Mình chỉ sợ rằng, một ngày nào đó căng quá mức thì mình sẽ sụp đổ. Thực ra, cái gọi là "căng" cũng không đến nỗi lắm. Vì mình nhận ra rằng, nếu mình nằm ngủ quá nhiều (>1) hoặc chơi game quá nhiều (>2) hoặc đọc truyện tào lao quá nhiều (>1) thì sau đó, mình sẽ end up chán ghét bản thân, còn hơn là sự chán ghét khi mình nốc quá nhiều đồ ăn. 

Cuộc đời cũng khá khó khăn. Chính xác là, để sống một cuộc đời mà cuối đời ngẫm lại thấy bản thân không có hối tiếc (liệu pháp ý nghĩa - Đi Tìm Lẽ Sống), sống một cuộc đời mà mỗi sáng thức dậy không phải ngán ngẩm vì chẳng biết bản thân đang làm gì (Steve Jobs), mới là thứ khó khăn. 

Lý thuyết luôn dễ dàng. Nhưng những thứ dễ dàng thì khó mà tồn tại lâu dài. Thí dụ như một cuốn self-help làm giàu có thể khiến bạn nhảy dựng lên tìm cách kiếm tiền, nhưng kéo dài đâu đó khoảng chừng 1-2 ngày, hay 1-2 tuần, hay 1-2 tháng thì mọi thứ lại quay về vạch xuất phát. Vì - well, có nhiều cách lý giải, cách mình ưa thích nhất là dopamine đã nhảy sang chuyện khác rồi, cái tương lai mà bạn mong đợi sẽ có được khi áp dụng những biện pháp mà cuốn sách đã đề cập đã trở thành hiện tại và ở hiện tại thì hiếm khi thực tế = kỳ vọng. Cuộc đời và những thành quả cũng giống như chơi đàn piano vậy. Ngồi vào và tập thì ngán, progess thì chậm - rất chậm, và vì quá chậm nên khi thực sự có được thành quả, thì thành quả đó hóa ra cũng chẳng to lớn kỳ diệu như mình đã mong đợi khi bắt đầu chơi piano. Khi thứ tương lai mà mình mong đợi thành hiện thực, thì cái progess chậm như rùa bò đó đã khiến cho mình chẳng cảm nhận được gì - thí dụ, một người giảm cân một cách bền vững và khỏe mạnh, nghĩa là mỗi tuần giảm 200-300gr, thì những người gặp người đó hàng ngày sẽ chẳng cảm thấy gì cả, sự thay đổi đó quá chậm, quá gradually đến mức họ không nhận ra, chỉ những người lâu ngày gặp lại thì mới nhận ra và thốt lên, trời ơi giảm cân dữ vậy hả! Giống như việc chơi piano, bạn sẽ không cảm nhận được bài hát mà mình đang chơi thuần thục đó là một thành quả lớn cỡ nào khi bạn chơi một mình trong phòng ngủ, cho tới khi bạn biểu diễn cho một mớ người nghe. 

Thành thử ra, gắn kết với tương lai là một sự gắn kết yếu đuối, mỏng manh dễ vỡ, và không đáng tin cậy một chút nào. Gắn kết với hiện tại mới là thứ có thật. Break những mục tiêu to đùng ra thành từng thứ nhỏ mà bạn làm ở hiện tại, 5 phút đi bộ, đọc 1 trang sách, hay tập piano 5 phút, và đừng nghĩ gì về tương lai. 

Thí dụ như, khi mình chiến đấu chống lại cơn thèm ăn vào buổi chiều sau khi tập thể dục xong (những ngày sau buffet phải nhịn ăn lại), và mình không hề phóng đại khi dùng từ "chiến đấu", đó thực sự là một trận chiến, mình phải tìm nhiều cách, và có những cách tương đối độc hại nhưng hiệu quả - bù đắp sự thèm muốn này bằng sự thỏa mãn khác - đọc truyện tào lao, và chơi game. Nhưng cũng có cách đỡ độc hại hơn, như chia nhỏ ra, và tạo thử thách cho chính mình, thí dụ như mình sẽ nói với bản thân: thử thách 3 tiếng đồng hồ tiếp theo không ăn gì cả. (5-8 giờ, 8 giờ mình đi ngủ) Mỗi khi qua 1 tiếng thì mình lại cảm thấy nhẹ nhàng hơn, mình lấp đầy thời gian đó bằng cách ôn bài, tập piano, hay coi video về neuroscience trên youtube. 

2. Và thứ mà mình ngại nhì là hiện tượng Dunning- Kruger đang diễn ra khi mình đọc xong một cuốn sách và tưởng tượng rằng bản thân biết-tuốt. Nên mình cố kềm chế việc lên mặt dạy đời nhiều hết mức có thể. 

3. Mình có hàng tá thứ muốn làm. Thực sự. Lúc nào cũng vậy. Chẳng hạn như hiện tại mình muốn: 1/ đăng ký chơi chứng khoán (lý do trì hoãn: chưa có tiền dư dả), 2/ học xml (lý do trì hoãn: well... không đào ra thời gian để làm lên 1 cái sustainable plan), 3/ viết sách, cụ thể là sách về những fact neuroscience mà mình lụm được đi lang thang trên youtube, 4/ dịch các bài viết trên pubmed để làm phong phú trang web của mình, 5/ vẽ, 6/ học lại tiếng Trung một cách hệ thống (không đào ra thời gian)

Nhưng mình lại đi viết blog. Thực ra thì cũng không sao, vì mình quả thật cần sắp xếp lại nhiều thứ trong đầu. Thần kinh mình không vững lắm - mình phải thừa nhận điều này, bởi vậy mình đã cố nhét nó vào một cỗ máy full-equipped được làm từ những cơ sở khoa học thần kinh/tâm lý mà mình lượm lặt được ở khắp nơi. Để mỗi khi nó bị tấn công thì mình đủ sức đứng dậy và sống tiếp. Thí dụ như hôm bữa mình gặp bạn bè và bị peer-pressured, do tụi nó trông-có-vẻ rất thành công với mức lương cao và title bắt mắt, còn mình thì cứ ạch đụi như vầy, nhưng sau khi sắp xếp lại suy nghĩ thì mình nghĩ, mình vui vẻ và hài lòng với hiện tại, mình đang làm điều mình thích như học tập, dịch sách, mình không có quá nhiều tiền nhưng mình có tiền và có đủ khả năng kiểm soát chi tiêu. Còn bạn bè mình - thì hẳn cũng có những khó khăn nhất định trong đời sống của tụi nó. Hẳn vậy. 

Và hên là mình cũng nhạy cảm nên mình nhìn ra nhiều thứ mâu thuẫn trong lời nói và hành động của tụi nó. Nên mình khá chắc bức tranh mà mình thấy chỉ là một lát cắt. Nhưng dù sao, mình vẫn khá là mong manh dễ vỡ trước peer pressure nên tránh đi thì hơn. 

4. Những thứ mình muốn làm kia, tách ra từng thứ một rồi làm vậy. 

5. À quên, và mình luôn phải cho bản thân thời gian để thử nghiệm. Thí dụ như chuyện học XML, mình sẽ cố khoảng tầm 1-2 tuần, nếu không phù hợp thì mình sẽ bỏ qua. Chẳng qua là mình tiếc cái kiến thức miễn phí trên mạng quá. Hội chứng FOMO. 

Nhưng hãy nhớ rằng mình đã cười vào mặt những lên kế hoạch quá nhiều như chẳng làm được bao nhiêu như thế nào để mà bớt FOMO lại.

Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis