8/19/2016

Cô Jo và cái áo sắp rách

Tớ đang đọc dở (và dịch dở) một bài báo về sự oversaturation of Rowling in the news (tạm dịch: sự ngập ngụa cái tên Rowling trong các mục tin tức), thì tớ cảm thấy phải viết ra vài ý nghĩ kẻo quên mất.

Một trong những token (dấu hiệu) chứng tỏ sự thành công của những người làm nghệ thuật (nghệ sĩ nói chung, diễn viên và tác giả và đạo diễn... nói riêng) là được báo chí gọi đúng tên thay vì gọi bằng tên của một nhân vật mà họ đã thể hiện hoặc một bộ phim/tác phẩm mà họ đã làm ra.

Ví dụ: Jennifer Lawrence thành công nhất khi cái tít báo là "Jennifer Lawrence diện váy đỏ đến dạ hội" thay vì " "Katniss Everdeen" diện váy đỏ đến dạ hội" hoặc "Diễn viên đóng vai "Katniss Everdeen" diện váy đỏ đến dạ hội. Hoặc nói theo một cách nào đó, cũng là thành công của Johnny Depp khi cái tít báo là "Johnny Depp ly dị vợ" thay vì "Thuyền trưởng Jack Sparrow ly dị vợ". Well... dù rất có khả năng cái tít sau dùng để gây cười, com'on, nó buồn cười thiệt mà.

Ngày xưa, khi Q-stick ra đời và là cái bông ráy tai đầu tiên trên thế giới, người ta có xu hướng gọi tất cả những cái bông ráy tai là Q-stick, Q-stick trở nên phổ biến đến nỗi nó không còn là tên riêng của thương hiệu nữa mà trở thành danh từ chung. Ủa mà nói chuyện thế giới chi cho xa, ở Việt Nam, xe hông-đa (honda) không phải là một từ dùng để chỉ thương hiệu xe máy Honda, mà nó đơn thuần được dùng để chỉ cái xe máy! Hoặc, có một thời, chữ "cô-ca" dùng để chỉ nước ngọt, thay vì Coca-Cola. Và xét đến địa phận thế giới thì bản thân Coca-Cola cũng phải đi mua quyền chữ Coke sau những nỗ lực tuyệt vọng thuyết phục người dùng làm ơn gọi Coca-Cola bằng đầy đủ tên mà người ta không chịu. À, mới đây, và theo quan sát hiện tại của mình, thì có một thương hiệu mới bị chết dí tên thành sản phẩm sau khi đã khai phá siêu thành công thị trường mới: Yakult, bằng chứng là dù người dùng mua cả lốc betagen, họ vẫn hỏi nhau: ê uống Yakult không. (nói đến đây thì mình quyết định đặt gạch cho một nghiên cứu xem làm thế nào để tránh cái việc người ta dùng tên của mình để gọi cho nguyên cái chủng loài, và xét tới cùng thì đây có gọi là thành công?)

Nếu xét theo logic thì hẳn mấy cái đoạn trên chẳng liên quan quái gì đến nhau.

Cho nên, tớ cần phải tóm lại ý tớ muốn nói là: nếu bạn nail a thing, anything (cực kỳ xuất sắc trong một cái gì đó), như cái cách Coca-Cola thống lĩnh thị trường nước ngọt (top-of-mind, theo mình thì ít nhất cũng phải 70%-80%, xét theo mức độ thường xuyên của câu hỏi "Pepsi thì được không ạ?", but it's a different story anyway), Honda thống lĩnh thị trường xe máy (ngày xưa ấy), hoặc cái cách mà hiếm có diễn viên nào sẽ thể hiện thành công Katniss Everdeen hơn Jennifer Lawrence hoặc thuyền trưởng Jack Sparrow hơn Johnny Depp, thì bạn cần phải đối diện với một thứ hiểm nguy lạ kì: "người ta sẽ quên sạch bạn tên gì và bạn là ai."

Đặc biệt là khi sự dễ dãi nhanh gọn của internet làm cho đầu óc con người càng lúc càng lười.

Vậy điều này thì liên quan gì đến việc mình đang đọc dở cái bài báo "oversaturation of Rowling in the news"? Vì bài báo đó đột ngột làm mình nhận ra một sự thật hiển nhiên là bản thân cô Jo là một novelist, chứ không phải là một Đấng Sáng Tạo Thế Giới Phù Thủy. Và nếu, cô ấy dừng lại như cái cách Harper Lee đã dừng lại sau To Kill The Mockingbird, thì cô ấy sẽ mãi mãi là Đấng Sáng Tạo Vĩ Đại trong lòng Potterhead. Nhưng, vì cô ấy đã viết thêm một số tiểu thuyết non-Harry Potter nữa (wow, surprised? then why on earth haven't we know any of them?), và những tiểu thuyết đó, well, có thể nói là không được đánh giá cao như Harry Potter, mình chợt nhận ra cô Jo chỉ là một novelist chưa chắc là xuất sắc. Hoặc giả, vì Harry Potter là một thế giới quá vĩ đại, người ta chỉ bâu vào cô Jo mỗi khi có cái gì đó liên quan đến Harry Potter - vì cổ nắm quyền của một Đấng Sáng Tạo vĩ đại? Nhưng, alert vang lên, khi chính cổ cũng có dấu hiệu bâu vào những thứ liên quan đến Harry Potter.

Sự thất bại thảm hại của The Cursed Child (theo ý mình) dù nó được duyệt bởi cô Rowling và trở thành - đại khái là phần 8 của Harry Potter đã dẫn đến một dạng tâm lý từ chối các sản phẩm hậu-Harry Potter của Potterhead (mình, và vài người), và phản ứng không đủ mức mong đợi của Ilvermorny dù nó được xây lên bởi chính cô Rowling, cũng một phần góp vào tâm lý đó. Giờ thì cô ấy sắp cho ra 2 Ebook về Harry Potter, và mình bắt gặp bản thân mang bộ mặt này =.= khi nghe tin đó thay vì nhảy cẫng lên vui sướng, thì mình biết là có trục trặc gì ở đây rồi. Nếu có thể nhắn tới cô Jo, mình - sẽ như một người quan tâm thứ thiệt, nói rằng: làm ơn dừng lại đi, hãy để thế giới phù thủy gói gọn trong 7 cuốn truyện đó thôi, co kéo thì chỉ có rách áo, chứ cái áo chẳng rộng thêm được...

8/16/2016

Train to Busan: đừng là một con zombie

Mình không thể review mà không spoil nên nếu chưa coi thì vui lòng đừng đọc.

Mình rate Train to Busan 9/10. Mình đã khóc thành tiếng trong rạp. Mình khóc tới nỗi phải ra khỏi rạp 5 phút mình mới tìm lại được giọng nói của mình. Điều này không có nghĩa là bạn cũng sẽ khóc, vì mình vốn là một đứa hay khóc.

Cốt phim không mới. Bạn nhìn trailer là có thể đoán ra nội dung phim rồi. Và kết cấu câu chuyện có thể tìm thấy ở bất kỳ bộ phim "chủ nghĩa tận thế và nhóm người sống sót" nào. Nhưng mà điều mà Train To Busan thể hiện cực tốt ở đây là tầng nghĩa ẩn dụ. Cái gì là đáng sợ nhất trên đời này? Hint: không phải cái chết đâu.

Câu chuyện bắt đầu với việc Bố phải đưa con gái Su-an về Busan gặp mẹ nó - cũng là người vợ đã ly dị của Bố. Và đó là một món quà mà Su-an muốn Bố tặng nhân ngày sinh nhật, "may mắn" làm sao, đó cũng là ngày định mệnh khi mà virus zombie lan tràn khắp nơi, khi họ vừa lên tàu thì cơn bùng phát zombie cũng tấn công thành phố mà họ tới, và con tàu chạy đi giống như thể đoàn người đang chạy khỏi con sóng thần. Một cô gái sau khi bị zombie cắn đã kịp nhảy lên tàu trước khi mọi người biết, và dù cô gái ấy cố gắng buộc chân lại, cố gắng ngăn chặn việc biến thành zombie nhưng cô vẫn bị biến thành zombie và tấn công những người trong toa tàu. Và người trong tàu bỏ chạy, họ chạy đến những toa khác và đóng sập cửa lại. Đoàn tàu chạy đi, cứ chạy đi, không dám dừng ở ga nào, cho đến khi bị gạt ở một ga mà cứ tưởng là được đảm bảo an ninh - ai ngờ lại là một cái bẫy cô lập khủng khiếp, những người may mắn sống sót lại lên tàu, và trong hành trình tự cứu thân, họ bắt đầu lộ ra sự thối nát tận cùng trong tâm hồn họ.

Theo cảm nhận của mình, toàn bộ phim xoay quanh câu hỏi: trên đời này, cái gì là đáng sợ nhất? Và câu trả lời liên hệ mật thiết với tình hình đất nước của chính mình dạo gần đây.

1/ Điểm lay động mình đầu tiên là cái lắc đầu bất lực của cụ già khi cửa đã được mở. 

Đoàn người sống sót ở toa số 15, còn đoàn người nhân vật chủ chốt mắc kẹt ở toa số 13 và toa số 9. Đoàn nhân vật chủ chốt bao gồm: Bố, Su-an, cặp vợ chồng đang mang thai, cặp đôi học sinh (trong đó cô bé gái thì đã lên được toa 15 và tuyệt vọng chờ bạn mình), một người vô gia cư, và một cụ già (em gái của cụ đã ngồi ở toa 15). Lúc đó Su-an kẹt ở toilette toa số 13 cùng cô vợ đang mang thai của cặp vợ chồng và bà cụ và người vô gia cư, và bị bao vây bởi bọn zombie. Còn Bố, người chồng và cậu bé trong cặp đôi học sinh đang ở toa 9, và để đến toa 13 giải cứu người họ yêu thương, họ phải vượt qua 4 toa. Sau khi vất vả vượt qua, họ tìm được nhau. Lúc này, điều cần thiết là họ phải qua cho được toa 15 để ở cùng với "mọi người" và trốn thoát lũ zombie đang đuổi theo phía sau.

Nhưng, họ đâu có ngờ, "mọi người" trong toa 15, những người đồng loại của họ, có trái tim còn kinh tởm hơn zombie. "Mọi người" ở toa 15 đó không tin đã họ đã vượt qua 4 toa có zombie mà vẫn nguyên lành, nên bọn họ nhất định không cho họ vào, dù zombie đuổi đến phía sau, "mọi người" trong toa 15 chốt cửa và dồn sức giữ chặt cửa, nhất định không cho họ vào, một mặt họ phải chiến đấu với zombie, một mặt họ phải chiến đấu với chính đồng loại mình. Cô bé bạn gái bị giữ chặt dù cô cố vùng vẫy để mở cửa cho bạn trai mình, em gái của cụ bà khi thấy bà cụ phía bên kia cửa cũng cố mà chống lại những người ở toa 15 để mở cửa cho họ.

Nhưng đến khi cửa mở (bằng bạo lực chứ không phải sự cảm thông), thì người chồng đã hy sinh, anh bị zombie cắn và quyết định dùng những giây phút tỉnh táo và "người" cuối cùng của đời mình để xông vào lũ zombie, cản bọn chúng, đấm bọn chúng, để cho vợ mình và những người đồng hành thêm vài giây để kịp đến toa an toàn. Trông anh bặm trợn như một đại ca giang hồ, anh có nắm đấm kinh hồn, anh sẽ không phải là người bạn hỏi đường hay hỏi xin giúp đỡ nếu bạn đang bơ vơ ngoài đường đâu, nhưng anh chưa từng bỏ rơi ai cả, anh chưa từng sập cửa trước ai dù điều đó có thể cực kỳ nguy hiểm và bản thân anh sẽ phải trả giá đắt. Anh chưa từng bỏ rơi ai, anh nâng niu vợ mình, và anh đã kịp đặt tên cho cô con gái chưa chào đời của mình, ở những giây cuối, gửi gắm họ lại cho người bạn đồng hành...

Cụ bà thấy hết, cụ mở to mắt không tin được chính mình bị đồng loại không cho vào, cụ sợ hãi những con người đó, đến giây cuối, khi mọi người đã kịp vào, người Bố chuẩn bị nhào ra để kéo cụ thì cụ khẽ lắc đầu, bọn zombie ào tới phía sau cụ. Và cửa đóng lại.

Có người hời hợt bảo: chắc tại chạy không kịp. Nhưng mình thì không nghĩ vậy. Đã muốn sống, thì cái động lực nó to lắm, đã đi được bao nhiêu lâu, chạy được bao nhiêu xa, chỉ còn có 2 bước chân, không lẽ lại "không kịp". Vấn đề là, 2 bước chân này cụ bước đi không nổi. Bọn người ở toa 15, họ có khác gì zombie? Thậm chí, họ còn đáng sợ hơn zombie, bởi vì zombie không còn ý thức, còn họ, cái ý thức của họ, xấu xa vô cùng. Cụ từ chối bước vào đó.

Sau đó, bọn người ở toa 15 dẫn đầu bởi một tay giám đốc ác nghiệt, nhất định không tin là họ không-nhiễm bệnh, bèn cách ly họ dồn họ xuống hành lang phía trước. Cô bé chọn đi theo bạn trai mình. Bọn người đó sợ họ tấn công lên, nên đã tìm mọi thứ để buộc chặt cái cửa ở chỗ hành lang lại. Họ hoàn toàn mặc kệ lũ zombie phía cửa giáp toa 14, họ chỉ lo cái cửa ở hành lang. Em gái của bà cụ, lúc này nhìn thấy chị mình trong đoàn zombie đang kêu gào, bà tự ngồi lẩm bẩm một mình, bà nói chị mình thật ngu ngốc, suốt đời chỉ sống vì người khác, bà còn nói, bọn người toa 15 thật khốn nạn, và bà mở cửa. Bà đi mở cửa cho zombie tràn vào. Toàn bộ người trong toa 15 trừ tay giám đốc chết tiệt và người chỉ huy tàu - cũng chết tiệt không kém - bị zombie tấn công, và trở thành zombie, cái cửa họ dốc sức cột lại, trở thành cái khóa chính họ tạo ra cho bản thân khỏi con đường sống sót. Karma, chưa bao giờ nhanh mà rõ ràng như vậy.

2/ Điều lay động mình lần thứ hai chính là cảnh người đàn ông vô gia cư nhào tới chắn ngang bọn zombie để cho người vợ mang thai và bé Su-an có thời gian thoát khỏi toa tàu kẹt. Khi toa tàu đổ sập xuống, Bố tìm được lỗ chui ra nhỏ chỉ vừa một người, Bố vừa chui ra thì toa tàu nghiêng và có một vật cản nặng nề ngay chỗ đó, Bố đang cố đẩy nó ra thì bọn zombie đập vỡ cửa kính và tràn xuống, thay vì tự cứu lấy thân, bởi trong tình huống này thì một người đàn ông có sức mạnh có khả năng sống sót nhiều hơn phụ nữ mang thai và em bé, thì người vô gia cư - vốn được định nghĩa từ đầu phim là dơ bẩn, nghèo nàn, và nhút nhát, đã dùng thân mình trấn lại, dù bị cắn, dù sẽ bị đè chết khi toa tàu sập xuống, nhưng anh chọn hy sinh bản thân mình để em bé và người phụ nữ được sống. Anh là một con người tuyệt đối cao cả và là một người đàn ông tuyệt đối đáng kính. Điều này tát thẳng vô mặt những người thích định nghĩa người khác bằng vẻ bề ngoài.

3/ Điều thứ ba, là tay giám đốc chết tiệt sau khi dùng rất nhiều mạng người khác cho cuộc chạy trốn của mình, bao gồm cả tay chỉ huy tàu chết tiệt, cô bé của cặp đôi học sinh, kéo theo cả người bạn trai, và cuối cùng là người lái tàu vốn nhảy xuống để cứu ông ta, thì cũng lên được con tàu chạy về Busan. Nhưng ông ta bị nhiễm bệnh.

Người xem không thấy cảnh ông ta bị cắn, càng không thấy vết cắn trên người ông ta, trông ông ta chỉn chu vô cùng, và bản thân ông ta cũng không tin là mình nhiễm bệnh. Đến phút cuối, ông ta phát bệnh và trở thành một con zombie, sau khi nói rằng làm ơn giúp tôi, tôi cần về với mẹ tôi ở Busan...

Ông ta bị cắn khi nào? Mình không tin thiếu sót này là lỗi của bên đạo diễn. Ông ta không cần bị cắn để trở thành zombie, vì bản thân ông ta đã là zombie rồi, con zombie kinh khủng nhất trong lốt một con người, ông ta không có trái tim, ông ta ích kỷ một cách ác độc khôn lường.

4/ Và điều đã làm mình khóc thành tiếng ở rạp (là khóc thành tiếng, điều này ý nghĩa ghê gớm lắm, vì mình trước giờ chỉ chảy nước mắt thôi), là khi Su-an thét gào gọi Bố, Bố ơi đừng đi mà, Bố ơi đừng đi mà. Bố bị cắn rồi. Trong phút cuối khi còn là con người, điều duy nhất Bố có thể làm là đưa Su-an và người vợ mang thai mà Bố đã được người chồng gửi gắm vào khoang tàu, chỉ họ nút dừng tàu khi đến Busan, và Bố dặn dò Su-an không được rời cô ấy, và Bố đi ra ngoài, Bố đi dứt khoát trong tiếng gọi van xin xé lòng của Su-an, trong giây phút cuối cùng, Bố nhớ đến khi Su-an chào đời, Bố bế Su-an trong tay, khi Su-an lần đầu mở mắt nhìn Bố, gương mặt Bố trở thành zombie, tròng mắt trắng bệt, gân máu trồi lên, và trước khi gieo mình xuống khỏi toa tàu, Bố nở nụ cười.

Trên đời này, nơi an toàn nhất là trong vòng tay của Bố. Bố nói với Su-an, khi con bắt đầu việc gì đó, hay cố gắng kết thúc nó. Bố hứa với Su-an sẽ đem bé đến Busan, và Bố đã làm được.

(khi gõ những dòng này, mình vẫn đang khóc)

Và cho mình nói thêm là, bà mẹ nó con khốn nạn nào coi khúc đó mà cười khúc khích bảo "ha ha mắc cười quá", cút đi đồ không có trái tim, vô rạp coi sợ nhất mấy con khốn không có trái tim không biết cảm nhận (hoặc là không dám khóc) phá mood toàn rạp bởi sự ngu xuẩn của bản thân. Cút đi.

5/ Su-an cùng người vợ mang thai nhọc nhằn từng bước đi đoàn tàu đến Busan, đón họ là một cổng chào hun hút phủ xung quanh đầy xác người. Họ không biết sau đường hầm hun hút đó, cái gì đang chờ họ, họ cứ bước đi, lê bước đi trong đau thương tuyệt vọng.

Binh lính Busan đang vây quanh đó, họ thấy bóng dáng 2 người đang khập khiễng bước tới, bóng tối của đường hầm khiến cho họ không phân biệt được đây là người hay zombie, họ nhận lệnh bắn chết từ xa. Nhưng khi người lính đặt tay lên cò súng, họ nghe tiếng hát. Bé Su-an cất tiếng hát, bài hát mà bé đã không thể hoàn thành trong lớp học vì bé chờ ba đến, bé muốn hát cho ba nghe. Bây giờ, khi đi trong con đường hầm hun hút tối, không biết mình đang bị ngắm bắn bởi hàng chục họng súng, bé hát. Và khi tiếng hát vang lên, binh lính nhận ra đó là 2 con người.

Bé hát, và mình lại khóc nữa.

Tóm lại.

Có 2 chủ điểm mà mình nghĩ phim đã cực kỳ xuất sắc thể hiện:

1/ Điều gì là đáng sợ nhất? 

Là sự thờ ơ, ích kỷ của con người. Họ thờ ơ với thiên nhiên - cái nơi làm lò rỉ virus zombie là một "công trình" lớn của công ty người Bố. Nơi họ đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Đặt tiền lên hàng đầu. Họ thờ ơ với chính đồng loại, khi quyết định bán hết cổ phần mặc cho các tiểu thương sẽ long đong, khó khăn và sụp đổ. Và khi phải chạy cho sự sống sót của mình, người Bố nhận ra điều đó, anh bàng hoàng khi nhìn bọn người trong toa 15 đã thờ ơ ích kỷ với anh y như cái cách anh đã ích kỷ với người khác khi còn ở địa vị có thể ích kỷ.

Không phải chúng ta cũng đang như vậy hay sao?

Fu bảo: tại mày chưa vô cảnh zombie nên mày làm sao biết được khi có zombie thì người ta ai cũng hành động như tay giám đốc chết tiệt kia, vì sự sống mà chà đạp người khác. Mình bảo: có zombie mà, tao đang nói chuyện với một con đấy thôi. (tay giám đốc chết tiệt là cách mình gọi, nó không gọi như thế)

Mình biết mình quá đáng, nhưng việc nó đồng thuận và ủng hộ hành động của tay giám đốc chết tiệt đó làm mình nuốt không trôi. Thứ khốn nạn đó, dù lý do là gì, cũng không đáng được thông cảm một chút xíu nào hết. Và, mình đảm bảo, khi có nạn zombie, mình sẽ không hành động như vậy. Và, đâu cần một nạn zombie để quyết định là sẽ ích kỷ hay không? Mỗi ngày mỗi ngày, trong cuộc sống này, bênh vực giúp đỡ người yếu thế trước cường quyền, bảo vệ công bằng và lẽ phải, tôn trọng lợi ích của người khác, đó không phải là một kiểu chiến đấu sao? Cuộc đời, và xã hội, là một chuỗi dài hơi những chiến đấu, trong đó chủ yếu là với bản ngã xấu xa trong chính chúng ta. Bạn sẽ hành động như thế nào?

2/ Không bao giờ được nhìn chỉ bằng đôi mắt

Rõ ràng, tay giám đốc chết tiệt đó là một con zombie thối nát khủng khiếp trong cái lốt con người mặc suit thắt cravat trịnh trọng đường hoàng. Rõ ràng, người chồng là một con người dũng cảm tuyệt vời và có trái tim rộng lớn, yêu thương vợ con hết mực, giấu trong bộ dạng nhìn có vẻ vừa diêm dúa vừa bặm trợn lại lưu manh. Rõ ràng, người vô gia cư là một con người đáng kính, một người sẵn sàng hy sinh cho người khác, mạnh mẽ và vĩ đại, giấu trong bộ quần áo tả tơi, trong hình hài gầy yếu dơ bẩn hôi hám của mình.

Đừng bao giờ - đừng bao giờ, đánh giá nhân phẩm của một con người thông qua trang phục mà họ mặc và qua bộ dáng của họ. Mấy cuốn tử vi coi tướng, đốt hết đi.

Hãy cảm nhận mọi thứ bằng các giác quan khác. Đôi khi cái phân biệt giữa chúng ta và zombie, chính là âm thanh bạn cất lên, của những người xung quanh bạn cất lên.

Trong đường hầm hun hút, hãy học Su-an, hãy hát, hãy bước tiếp, hãy tin.

8/15/2016

Bitchy cuối ngày.

Nhân dịp thiên hạ thi nhau hashtag first7jobs trên facebook, mà theo ý mình là để kể khổ và ta-đây-đã-từng-rất-tháo-vát-giỏi-giang-đó. 

Mình xin lỗi vì đã thô bỉ, mình chỉ ngửi ra được cái mùi đó thôi, nhưng mà ngoài ra cái đó ra thì động cơ của các bạn ấy là gì? Ahjhj...

Thực ra, suy nghĩ xấu xí như vậy chẳng qua là vì, mình ếu có first 7 jobs rực rỡ như các bạn. Chẳng có cái mie gì mình từng làm xứng đáng cho mình gọi đó là jobs cả. Lần đầu tiên mình làm ra tiền (mà không phải do bame mình trả công) là khi mình được học sinh giỏi và nhận thưởng 50.000đ, sau đó mình nướng hết vô việc mua khô bò và nước ngọt. Tiếp theo thì mình viết truyện teen cleen feen feen và mình gửi cho báo và báo đăng và mình được nhuận bút 400.000đ, sau đó cái truyện teen cleen feen feen đó đoạt giải bố khỉ gì đấy và mình được thêm 1.000.000đ (hình như vậy). Mình chả apply hay qualify hay cố gắng con mie gì, mình chỉ làm trò con bò, và có tiền nhờ cái trò đó - thậm chí còn không nghĩ là mình sẽ có tiền. Thôi. Mình đua đòi mua thiệp về bán thì lỗ vốn, đi năn nỉ bạn bè mua hộ, sau đó mình hùn vốn mở shop kinh doanh với bạn đại học và rã đám trước khi kịp bán cái quần jean đầu tiên, rồi mình tự mở shop kinh doanh và đó là thời gian nhục nhã nhất khi mình nhớ lại vì phải đi năn nỉ người ta mua giùm =.=  Sau đó mình lại đi đầu tư vô sàn vàng với kinh nghiệm zero - cũng do thói đua đòi, và mất sạch $1,000. Và trong những thất bại lớn nhất của đời mình thì mình xếp nó thứ hai. 

Được 7 nghề chưa? Sau tất cả những việc đó, thì mình rút ra được cái gì. 1/ Khiếu thẩm mỹ về quần áo của mình tồi kinh dị. 2/ Mình không hùn hạp được. 3/ Tuyệt đối không quyết định cái gì khi mà bản thân đang căng tràn adrenaline. 

Nhân dịp, mình cũng nói luôn, dù trong CV của mình luôn rõ đẹp với khuôn mặt cười tươi tắn và kỹ năng teamwork và I love to work with people thì thực sự ngoài đời mình mặt than, không hợp tác được vì mình cho là 90% mấy người mà mình hợp tác ngu hơn mình nhiều quá nên tự mình phong cho mình chức lãnh đạo và cư xử bitchy và ra lệnh và sau đó tự làm hết vì không ai làm vừa ý mình và sau đó oán hận bọn họ và mức độ ngu ngốc vô dụng của bọn họ cứ tăng dần lên cho đến khi mình chịu hết nổi và tự đạp bản thân ra khỏi cái "team" đó, và mình khá chắc là mình ghét con người.

Chắc phải có cái label confessions of a bitch who loves being bitchy.

8/13/2016

Pratfall và tiền Tip

1. Pratfall effect - hiệu ứng của việc té dập mông.

Suy nghĩ đầu tiên của mình là tại sao lại là té dập mông chứ không phải là hình thức té khác? Vồ ếch, té dập mặt, khuỵu gối, té nghiêng, dập đầu, gẫy cổ...? Giải thích đơn giản của hiệu ứng này là: khi bạn phạm lỗi, người khác sẽ có xu hướng hoặc là yêu thích bạn hơn, hoặc là chán ghét bạn hơn.

Nhiều trang tâm lý thì chọn cách lý giải của "prafall effect là cái hiệu ứng kỳ cục khi bạn phạm lỗi người ta yêu thích bạn hơn". Khi đọc định nghĩa kiểu đó thì mình be like "O.o WTH?" Có lẽ vì giải thích như vậy sẽ gây cảm giác lạ lẫm xứng tầm chữ "effect" hơn chăng? Vì phạm lỗi xong bị người ta ghét thì là chuyện hoàn toàn bình thường, chả có "hiệu ứng" gì sất?

Như vầy.

Khi bạn hoàn hảo rồi (đẹp, giỏi, giàu, dễ thương, biết ăn nói, lễ phép, chăm chỉ, thông minh, khéo léo, tháo vát, hài hước...) thì bạn phạm lỗi nhỏ tí ti, người ta sẽ thích bạn hơn. Hiện tượng thường thấy nhất là các Idol của chúng ta. Thành viên Z của nhóm nhạc ABC vừa đẹp trai vừa hát hay vừa nhảy giỏi, thì việc anh ta phát biểu hơi ngu một tẹo trên show chỉ làm các fan "awww... he's so cute, so naive, so adorable". Hoặc giả một giáo sư toán cấp quốc tế siêu giỏi siêu thông minh siêu đẹp trai siêu giàu, vô tình tính 1+2=4, bạn sẽ dễ dàng thông cảm và bảo: anh ấy cũng chỉ là một con người thôi mà - anh ấy cũng có lúc phải sai phạm.

Còn khi bạn không hoàn hảo, và đặc biệt không-hoàn-hảo (xấu xí, hôi hám, vụng về, nói chuyện vô duyên, mất lịch sự, học ngu, nghèo... và đặc biệt là khi bạn sở hữu tất cả những điều đó), thì bạn phát biểu ngu một tẹo, làm đổ ly nước, tính sai 1+2=3,5,... sẽ làm cho người ta be like "biết ngay mà, nó mà làm cái gì ra hồn", "eo ôi, đã vụng lại còn láu táu", "úi giời, không biết gì thì đừng có xía vào", "ngu ngốc thì đừng bày đặt nhiệt tình, thành ra phá hoại đấy biết chửa".

Well...

Vậy chúng ta rút ra điều gì từ hiệu ứng này.

1 là phải đẹp, tại sao phải xếp "đẹp" và điều đầu tiên - vì nó dễ nhất ạ. Không cần phải da trắng như Bạch Tuyết, mặt xinh cô bé trà sữa, hay body nóng bỏng như (ai đấy - cái vụ này không rành), ăn kiêng tập thể thao cho giảm cân thân mình gọn gàng tí, chăm sóc da một tí, tóc tai gọn gàng, quần áo lịch sự và có gu một tí, là được.

2 là phải có nghề riêng, cái gì cũng được, biết tiếng Campuchia, biết nấu ăn, biết chơi ukulele, biết chơi cờ, thậm chí chỉ là thuộc làu mấy cái bói toán chiêm tinh vớ vẩn - cũng là một lợi thế vượt trội của bạn. Đừng cái gì cũng nhạt thếch, không biết nói gì, lúc nào cũng "sao cũng được", cái gì cũng không rành không biết. Chán lắm.

3 là cố chỉ phạm lỗi mấy chỗ mình giỏi thôi. Ví dụ như bạn siêu guitar - lâu lâu vô tình gẩy sai một nốt rồi tự cười mình (bao dễ thương), bạn giỏi diễn thuyết - đang nói thì dừng lại ắt xì 2 cái (bao đáng yêu), hoặc bạn giỏi ăn nói - đang làm cho cả phòng phỏng vấn cười rần rần thì cứ vô tình mà làm đổ ly nước rồi cười cầu hòa (bạn sẽ được nhận!).

Dĩ nhiên, thái độ khi làm sai cũng đóng vai trò thiết yếu, làm sai rồi đập cái này cái nọ tức giận gào rú thì có ma nó yêu nhé!

Những điều nói trên không áp dụng trong những trường hợp sau:

1/ bạn siêu đẹp - đủ đẹp để che hết mie nó mấy khuyết điểm khác, đẹp tới nỗi người ta phải bảo "thôi nó đẹp quá mà, ngu là đúng rồi",

 2/ hoặc bạn đủ giàu - giàu đến mức bạn có làm cái gì ngu thiên hạ cũng cố mà đoán coi hành động đó chắc có "thiên cơ" gì đây - nó giàu thế cơ mà, phải có lý do nó mới làm vậy chứ sao nó ngu được. -hết-

ờ quên, nói tới đây mới hiểu tại sao lại là "té dập mông", vì cái tư thế lúc té dập mông í, nếu bạn xinh, bạn dễ thương, người ta sẽ thấy ôi thật là đáng yêu, còn nếu bạn xấu, hôi, thì người ta sẽ bảo, giời ơi đau mắt vãi nồi, tướng tá gì thô bỉ thế kia. Cú té dập mông ít gây thương tích cho người bị té, chủ yếu tác động tâm lý đến người xem thôi. Còn té dập mặt, gẫy cổ, vồ ếch... mấy cú đó nguy hiểm quá - nếu người xem còn chút nhân tính nào thì họ sẽ chạy đến đỡ bạn chứ hơi đâu mà ngồi xem con bé nó té vậy thì yêu hơn hay ghét hơn.

2. "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn"?

Mẹ mình hay bảo vậy, nhất là lúc lên xe (thuê xe đi đâu đấy), mẹ mình thường boa tài xế trước, mẹ mình bảo chi tiền rồi cái gì cũng dễ, bảo đi thêm chỗ này chỗ kia tài xế cũng vui vẻ, chứ đến cuối mới đưa thì chuyện đã xong rồi, vui vẻ cm gì nữa.

Mình chép miệng, có thể là "khôn" trong giai đoạn ngắn, nhưng về lâu về dài thì chẳng khác nào lấy đá đập vô chân mình hết. Bản chất của tiền tip/tiền boa là gì? Là sự khen thưởng có kèm quà tặng tài chính cho người phục vụ vì họ rất cố gắng làm tốt việc của họ. Ví dụ, bạn đi ăn, đáng lẽ người phục vụ chỉ có nhiệm vụ bưng đồ ăn ra cho bạn, nhưng họ cười với bạn, chúc bạn ăn ngon miệng, châm thêm nước khi ly của bạn cạn, dọn sạch bàn cho bạn, và nếu bạn lỡ ói vô chén của bạn thì họ cũng phải dọn, và bạn cảm kích quá, họ làm bạn vui ngoài mong đợi, nên bạn cho thêm một khoản.

Tại sao nhà hàng không để luôn tiền tip trong tiền đồ ăn? Gần đây mình có đọc 1 post về anh kia không tip nhân viên (post của trang nước ngoài - phương Tây), thay vào đó ảnh kẹp một tờ card nói về việc ảnh mở fanpage/website để xuất dự luật cho bang là tăng tiền lương của nhân viên phục vụ, ảnh cho rằng điều đó sẽ tốt hơn.

Well...

Ảnh đúng, vì theo lý luận của ảnh, việc phải tip cho nhân viên phục vụ (mà tỉ lệ khá cao) khiến cho người ta ngại đi ăn ngoài, đặc biệt là những người không có điều kiện tốt lắm, như vậy doanh thu nhà hàng sẽ giảm. Thêm vào đó, nếu thu nhập của người phục vụ tùy thuộc vào tiền tip nhiều hơn tiền lương, họ sẽ gặp nhiều bấp bênh trong cuộc sống hơn, vì đâu phải ai cũng tip hào phóng, có người keo chít bỏ ấy chứ.

Nhưng, ảnh cũng sai. Vì việc phát sinh tiền tip vốn là để kiểm soát thái độ của người nhân viên phục vụ - họ làm khách vui, họ được tip nhiều, thái độ họ không tốt, họ được tip ít hoặc không được cho tiền tip. Dùng tiền làm công cụ quản lý giúp cho nhà hàng tiết kiệm chi phí giám sát, và tăng độ khách quan trong việc đánh giá nhân viên phục vụ.

Vậy mình có ủng hộ cái dự luật này không?

Quay lại đầu bài, mẹ mình bảo "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Mình nghĩ tới hệ quả: nếu giới tài xế bắt đầu thói quen "nhận tiền tip trước rồi mới phục vụ cho tốt" thì sao? Giả sử mình lên xe mà không tip, họ sẽ lái xe ẩu, sẽ không chịu ghé vào các địa điểm tham quan, sẽ có thái độ bất lịch sự? Nếu vậy, thì không phải chính đồng tiền của mình đã spoil họ hay sao?

Thành thử ra, mình không ủng hộ cái dự luật này. (Ủa gì trớt quớt vậy.)

Mình nghĩ, nên trả tiền tip về đúng bản chất của nó: một món quà cảm ơn dành cho người phục vụ nếu họ phục vụ tốt và được chi SAU bữa ăn/chuyến du lịch/massage... Tuy nhiên, hãy để tiền tip là một "niềm vui bất ngờ" không phải khi nào cũng có của người phục vụ. Người phục vụ nhận tiền tip với thái độ biết ơn, chứ không phải mặc định là phải có - không có thì khách bất lịch sự. Để làm được điều đó, mình phản đối việc chủ nhà hàng trả lương thật thấp cho nhân viên để cuộc sống của nhân viên phụ thuộc vào tiền tip.

Mình ủng hộ việc tăng lương nhân viên phục vụ. Và vẫn giữ tiền tip, giữ, chứ không bắt buộc.

Và mình lại nghĩ, như vậy cost sẽ lên cao, khách hàng sẽ phải chịu khoản giá cao hơn cho đồ ăn, vậy thì họ không còn tiền để tip nữa?

Mình ngu quá trời. Nhưng, làm gì có giải pháp nào trọn vẹn đôi đường.

8/08/2016

Primer (2004)

Mình hay nghĩ, là nhiệm vụ của tác giả làm cho khán giả/độc giả hiểu tác phẩm của mình, hay là nhiệm vụ của khán giả/độc giả cố gắng để hiểu tác phẩm của tác giả?

Đến giờ thì nhận ra, là nhiệm vụ của tác giả - nhưng không phải để làm cho khán giả / độc giả hiểu tác phẩm, mà là kích thích vừa đủ để họ đi tìm hiểu tác phẩm. Ví dụ, mình đã xem Primer, mình thấy đây là một tác phẩm làm xuất sắc nhiệm vụ khiến cho người xem phải bỏ công đi tìm hiểu nó.

Deep down inside, (mà với một số người thì không deep down lắm, một số nữa thì không deep lắm, và đa số còn không thèm inside cơ) con người ai cũng muốn chứng tỏ bản thân thông minh hơn người khác. Cái gì là điểm kích thích nhất của Primer? Mình không nghĩ là plot, plot Primer không mới, du hành trong thời gian là khái niệm ám ảnh con người nhất, hấp dẫn con người nhất. Ai mà không mơ đến việc sửa chữa một lỗi sai trong quá khứ? Ai mà không mơ đến việc nắm được thông tin trong tương lai rồi tìm đến quá khứ của mình mà trục lợi từ đó? Ai không từng một lần tò mò - ồ tương lai sẽ ra sao? - mà là việc nó được tạo ra bởi một đạo diễn - kỹ sư chứ không phải một đạo diễn bình thường, việc nó được đánh giá theo mình là overrated bởi các nhà phê bình phim, và việc báo chí và các bài phê bình tung nó lên như là một siêu phẩm của dòng phim "cỗ máy thời gian".

Điều làm mình nghĩ nhiều nhất trong phim là việc cái máy đó chỉ có thể đi ngược thời gian, không đi tới được. Nói cách khác, nó giống như một cái máy chiếu phim mà chỉ có thể dùng nút rewind để quay lại chứ không dùng forward để tua nhanh được. Aaron đã băn khoăn về việc sống trong một thế giới mà bản thân mình đã biết chuyện gì sẽ xảy ra, không còn điều gì bất ngờ nữa - và đây là chi tiết mà mình "cảm" nhất phim - dù nó chỉ là một lời thoại ngắn ngủi mà chẳng ai thèm để ý.

Hồi trước, mình coi CardCaptor Sakura (xin lỗi, so sánh gì mà khập khiễng), mình bị Clow ám bởi câu trả lời của ông khi có ai đó tại sao lại muốn truyền năng lực cho Sakura - như vậy ông sẽ không còn pháp sư mạnh nhất nữa: ta không muốn làm pháp sư mạnh nhất để biết được tương lai, ta mạnh đến nỗi biết trước mình sẽ chết như thế nào, vậy thì làm sao vui sống cho được. Sakura thì khác, pháp lực của Sakura mạnh đến nỗi có thể phong bế khả năng nhìn thấu tương lai này, cho nên cô bé sẽ không sao. Lúc đấy mình hơi sững sờ và không hiểu, pháp thuật mạnh đến nỗi có thể tự phong bế chính nó? Nghe ngược ngạo và khó hiểu. Sau này, khi xem Edge of Tomorrow, khi Cage tự dưng lại có được khả năng đi ngược thời gian mỗi khi chết - nhìn qua thì cứ tưởng đây là lợi thế tuyệt đối, nhưng hóa ra đó lại là vết thương chí mạng, anh ấy sống 365 ngày giống nhau - cùng cô gái mà anh ấy thương yêu, nhưng cô ấy thì mãi mãi chỉ sống 1 ngày và chẳng bao giờ nhớ anh ta là ai mỗi khi gặp lại (nghe giống giống 50 first dates - có điều plot u ám hơn). Anh ấy cứ nhìn cô ấy chết đi, rồi lại chết đi, rồi lại chết đi. Và điều kinh khủng nhất là cô ấy không biết điều đó - cô ấy cứ hy vọng mọi chuyện sẽ khác, còn anh ấy thì cứ phải nhìn cô ấy chết đi trong bất lực, đến lần gần cuối, anh ấy năn nỉ cô ở lại căn nhà hoang, cùng anh ấy nghỉ ngơi một chút, cô ấy cứ đòi phải đi tiếp, và anh ấy phải nói rằng - chúng ta đã thử cả trăm lần nhưng chẳng bao giờ qua được đoạn này - lúc cô lên máy bay thì cô sẽ chết, lúc cô đi ra vườn thì cô sẽ chết, không có đường nào cả. Và khi cô chết - anh tuyệt nhiên muốn quay lại quá khứ để cô sống, anh không muốn mình thành công trong một ngày không có cô...

Thôi quay lại vấn đề. Lan man quá.

Muốn tìm lời giải thích cho Primer thì mọi thứ đầy trên mạng - chút vốn tiếng Anh là đã đủ. Nhưng khi mình xem phim, mình thấy quan trọng nhất không phải là nắm toàn bộ chi tiết, mà là cảm được bộ phim này là về cái gì. Từ đó mình sẽ tự động hiểu ra những thứ mình không hiểu. Plot đơn giản (dĩ nhiên là phần cấu tạo thì phức tạp), nhưng vấn đề chỉ xoay quanh việc: time-travel, và lòng tham của con người là không đáy - không có cách nào kiểm soát được nó. Aaron và Abe là kỹ sư, cách nghĩ của họ khác và lòng tham của họ khác với người thường. Ví dụ như là mình, mình chỉ tham của cải, nếu có thể quay về quá khứ, mình sẽ tận dụng kiến thức tương lai để kiếm tiền - vậy thôi. Nhưng Aaron thì khác, anh ấy muốn được tìm hiểu nhiều hơn, muốn được tương tác nhiều hơn, khi anh ấy nói về việc anh sẽ muốn đấm vào mặt một người, sau đó quay về quá khứ để nói với bản thân là đừng có làm như vậy - chỉ là để thử cảm giác đấm vô mặt thằng đó xem sao, thì đó chính là lúc lòng tham bắt đầu lăn như một quả cầu tuyết, càng lăn càng to, càng lăn càng rối, rối không cách nào gỡ được.

Khi Aaron và Abe thấy một người khác - cụ thể là cha vợ của Abe, với tình trạng chắc chắn là đã du hành về quá khứ, họ bắt đầu phát hiện ra mọi việc vượt quá tầm kiểm soát, họ hỏi nhau và không biết ai trong số họ-của-tương-lai để nói ra việc time-travel này cho cha vợ của Abe (vốn là nhà đầu tư của họ). Họ mù mờ về tương lai, và cảm thấy sợ hãi - hẳn là phải có một việc gì đó nghiêm trọng thì thông tin mới bị xì ra như thế. Họ là những người duy nhất biết về cỗ máy - và trừ phi, một điều thật tệ hại xảy ra, một điều thật cấp bách, họ mới nói cho người khác biết - vậy việc đó là việc gì? Có ai "đã-sẽ" chết không?

Để thử cảm giác này, bạn hãy viết thư gửi cho chính bạn trong 5 năm tới. Và khi viết được giữa chừng thư - hãy hỏi về những người xung quanh bạn, rồi bắt đầu suy nghĩ cho chính mình - có khi nào bạn đã chết và không bao giờ nhận được lá thư đó hay không. Mình đã thử, cảm giác rất là, để coi, kinh khủng.

Và sau đó là một màn rối ren không biết ai là Aaron nào, ai là Abe nào. Họ quay về quá khứ, nhưng cái quá khứ này không được sắp đặt trước - những Aaron quá khứ và Abe quá khứ không biết là Aaron tương lai và Abe tương lai sẽ quay về, nên chính Aaron tương lai và Abe tương lại phải đánh gục họ để không bị lộ ("thật là dễ dàng khi biết người mà bạn muốn đánh gục sẽ ăn sáng bằng cái gì" - trong trường hợp này, là chính bạn). Lúc này, Abe và Aaron không đơn thuần quay về quá khứ để kiếm chác và giữ chặt nhịp sống nữa, họ quay về quá khứ để cố mà tránh tương lai - lúc này đã cực kỳ nguy hiểm và mờ mịt, nói chính xác, họ quay về quá khứ để tránh hiện tại. Đến nước cuối cùng, Abe quay về cái buổi chiều hôm đó - cái buổi chiều mà anh đã nói cho Aaron biết về sự tồn tại của cỗ máy thời gian đó. Nhưng, Aaron đang ngồi nghe anh nói, không phải là Aaron của quá khứ, mà là Aaron của tương lai còn xa hơn anh, Aaron đã biết đến đến sự tồn tại của cỗ máy - biết đến cả kế hoạch muốn thay đổi quá khứ của Abe - Aaron quay về, và tránh cho chuyện Abe thay đổi quá khứ.

(mình chỉ nắm được nhiêu đó, và mình không cố tìm hiểu thêm nữa)

Lại có một đoạn đối thoại mà mình nhớ kỹ: không biết điều gì kỳ quặc hơn: cô tiếp tân khách sạn cứ nhìn thấy 2 thằng đàn ông thuê phòng khách sạn trong 6 tiếng mỗi ngày, hay là người gác cổng ở cái hầm bảo mật - mỗi ngày đều thấy 2 người vào nhưng không thấy họ đi ra. Đây là cỗ máy thời gian hoạt động hợp lý nhất mà mình từng được coi. Hợp lý tới ám ảnh - cái lỗi nhỏ xíu của toàn bộ quá trình chính là - họ không có cách nào làm cho người gác cổng thấy họ đi ra được. Bạn cứ thấy họ đi vào, và họ biến mất, và họ lại đi vào, và họ biến mất, ... Bạn có nhớ Interstella không? Lúc tiến sĩ Brand chạm khẽ tay vào cái mớ - có lẽ là từ trường - xung quanh cô khi cô đi xuyên qua cái ống thời gian, cô xúc động bảo đó hẳn cái bắt tay đầu tiên với những người sống và kiểm soát không gian 5 chiều - họ kiểm soát được chiều thứ 4 hay gọi là chiều thời gian - thứ mà chúng ta đang đi 1 chiều. Chúng ta không thấy được "họ" - giống y như cách mà người gác cổng không thể thấy được cảnh Aaron và Abe đi ra khỏi cái hầm bảo mật.

Với mình, Primer không phải là một bộ phim quá hay. Mình thấy cách ráp phim của Shane Carruth còn tự tin hơn Nolan ở Memento. Hoặc là do bộ phim kinh phí thấp. Carruth mặc định là người xem chính là người đi cùng với họ trong thời gian - nên người xem sẽ tự hiểu điều gì xảy ra. Bộ phim đạt được thành công nhất định - chí ít là kích thích người ta đi tìm hiểu xem ủa cái plot đó là thế nào, và vài câu kích động của báo chí - "nếu chỉ xem một lần mà hiểu thì bạn có đầu óc siêu việt" (ối!) Mình thì không thích, mình chỉ thích "cảm phim", chứ không "hiểu phim". Đối với mình, thì phim cũng chỉ là một sản phẩm do con người tạo nên, nó hoàn toàn có thể mắc lỗi, cố đi tìm hiểu và hợp lý hóa mọi thứ thì không khác việc bạn cố đi giải một bài toán bị ra sai đề - hoàn toàn phí công.

8/04/2016

Hôm nay con Múp mở facebook mới, nó add mình, và post của mình ngập facebook nó. Thì mình phát hiện ra là mình nói hơi nhiều trên mạng xã hội quá đông kia rồi... Mình thấy hơi mắc cỡ. Nhu cầu được nói của mình rất lớn, đụng cái gì mình cũng nói được. Ý mình là, viết được. Mình không có nói được.

1. Thành phố càng lúc càng đông, người ta không còn đủ đất để ở nên chia cắt nhau cả bầu trời. Lúc trước, mẹ mình không đồng ý mua căn hộ, vì giống như là "mua một khoảng không". Mình ở nhà đất, rủi có sập thì mình còn miếng đất, xây lại từ đầu, chứ ở trên không như vậy, đâu có chỉ chỏ lên đó để mà nói "cái khúc không khí kia là của tôi".

2. Chưa bao giờ thành phố lại nhiều cần cẩu đến như thế này. Bất kỳ khu vực nào cũng có cần cẩu rất cao - đại diện cho một công trình đang được xây dựng. Mình nghĩ, cần cẩu - kéo cả tương lai thành phố đi lên. Mẹ mình lại bảo, rồi chẳng mấy chốc thành phố sẽ giống với Singapore, giống với Hồng Kong, nơi mà những tòa nhà đâm thủng bầu trời.

Hôm nay mình chạy qua quận 7, và hơi hoảng khi chạy phía dưới những cao ốc cao tầng nối tiếp nhau. Cảm giác như lọt thỏm giữa những khối bê tông, những tấm kiếng khổng lồ. Giống như mình là người tí hon lỡ lạc vào cái xứ gì đâu mà toàn những thứ to lớn. Mình nhìn khu căn hộ cao cấp dựng thành nhiều block liền kề nhau, tự hỏi, những ngôi nhà ở giữa có bao giờ thấy mặt trời? Dạo gần đây, khi tòa nhà gần khu mình ở xây lên tới tầng 12, khoảng 3g30 chiều mình sẽ có cảm giác trời đã tắt nắng, đến lúc lấy xe chạy ra khỏi thì mới phát hiện nắng vẫn chưa tắt đầu, chỉ là cái bóng của tòa nhà cao tầng đó lớn quá, che hết mặt trời.

Mình hình thành một suy nghĩ về cuộc sống phía trên đó, và cuộc sống phía dưới này. Ở trên cao, người ta đón hết ánh nắng, chừa lại cho những người phía dưới nhiều bóng râm, và gió. Phía dưới một tòa nhà cao tầng luôn là gió, rất nhiều gió. Đặc biệt là khi giông bão. Tuy nhiên, đời sống phía dưới chẳng biết, hoặc chẳng quan tâm, về cái mà họ có được - hoặc mất đi.

3. Hôm bữa chạy lên cầu BL, từ chân cầu chạy lên tới đỉnh, thì tự dưng sững sỡ vì bầu trời trước mặt sao đẹp quá, rộng thênh thang và xanh ngắt. Tự nhiên hùng vĩ. Mình nhớ có một lần vào khoảng 5-6 giờ, mình chạy lên một chiếc cầu nhỏ, và phát hiện mặt trời đang lặn ở phía tay phải, đẹp y như mặt trời đã lặn ở Phú Quốc.

Tự dưng nhận ra, giữa một thành phố đầy bê tông cốt thép như thế này, thiên nhiên vẫn còn ở đó và thật kỳ lạ, cứ nhảy bổ vào người ta, làm người ta sững sỡ những lúc bất ngờ nhất. Len lỏi như một cảnh hoàng hôn trên cây cầu cũ. Hoặc bổ nhào như bầu trời vĩ đại trên cây cầu rất cao.

8/02/2016

Âm thanh & Telesale

Mình là một đứa bị, ừm, thanh khống. Nhớ hồi đi đám cưới bạn T, có chú kia mà mỗi lần chú há mồm hát thì mình không cách nào nuốt nổi đồ ăn, bạn mình nói mình làm quá, nhưng mình biết bản thân mình không có làm quá, mình không có nuốt nổi...

1. Bởi vậy, trưa nay, khi mình đang đọc cuốn Hiệu Ứng Chim Mồi (by the way, good book!), thì trước cửa mình có 2 chú bán vé số đi ngang, đi rất chậm, và hát vọng cổ (hoặc cải lương, mình chưa phân biệt được 2 thể loại này), và âm thanh được khuếch tán khủng khiếp bởi dàn loa chỉ có treb mà không có tí bass nào, và mình không đọc nổi cuốn sách nữa, cái mình có thể làm, là trân mình chịu đựng cho 2 chú ấy đi xa. Trong lúc đó, đầu óc của mình tua liên tục từ hình ảnh dàn múa lân xông vào nhà người ta đứng múa và đánh trống, múa mãi đánh mãi đến lúc chủ nhà chịu không nổi ra yêu cầu đi thì blackmail người ta bằng cách "cho tiền mới đi". That's the most shameless blackmail ever! Đến câu chuyện lan truyền trên facebook bữa giờ, mình biết đến thông qua trang Khải Đơn về một người phụ nữ khỏe mạnh quỳ ăn xin trên đường mà theo lời đồn là thu nhập mỗi tháng gần 40 triệu.

Và sự liên kết vi diệu ấy kéo mình đến một suy nghĩ: ăn xin một cách im lặng, hay "bán-nghệ" một cách khủng khiếp như vậy.

Mình thì ưng ăn xin một cách im lặng hơn. Đơn giản là mình thích im lặng.

2. Mình ghét telesale.

Và mình phát hiện ra một thứ còn khó chịu hơn telesale: telesale bất lịch sự. Và mình sẽ đưa ra mấy ví dụ siêu bất lịch sự để ... chắc là để giải trí thôi.

1/ Các bạn Dai Ichi Life và các bạn NiNa

Mình hỏi thiệt, các bạn đang target customer kiểu gì vậy. Tỉ lệ convert ra hợp đồng quan trọng hơn là số khách hàng tiếp cận chứ nhỉ? Bạn gọi 20 người, 10 người ok hợp đồng thì hay hơn là bạn gọi 200 người nhưng được có 2 cái hợp đồng chứ? Right? Target đúng tiết kiệm cả sức lực của người gọi lẫn người phải nghe cuộc gọi. Và một trong những cách target đó là database filter! Mình đã từ chối 8 lần trong tháng thì bạn phải ngưng đi chứ, bạn vẫn gọi lần thứ 9 là sao!!! Bạn hãy để mình thở một chút, mỗi tháng bạn gọi 1 lần - vừa đủ nhắc lại thương hiệu, vừa thăm dò nếu khách hàng thay đổi ý kiến, vừa tạo ấn tượng chăm sóc khách hàng. Chứ bạn gọi với tần suất 2 lần 1 tuần thì cả bạn và mình đều mệt đấy ạ. Và bạn biết điều đó chứng minh cho cái gì không? Rằng đối với bạn, mình không là cái gì ngoài 1 dãy số trong danh bạ. Và khi bạn đối xử với khách hàng không khác gì ngoài 1 dãy số trong danh bạ thì bạn hãy chuẩn bị tinh thần bị khách hàng đối xử như thể kẻ thù của họ nhé.

Nhưng, về mặt nào đó, các bạn Dai Ichi Life vẫn chừa đường cho mình sống với tần suất 8 lần/tháng, chứ các bạn ở công ty NiNa chuyên thiết kế website thì thực sự là đã ép mình tới hấp hối trong những ngày đầu thành lập doanh nghiệp, theo thông tin mình có được khi phỏng vấn 1 bạn telesale thì ở công ty NiNa có tới 300 bạn telesale, và mình cho mỗi bạn 1 danh sách giống nhau (hoặc cách tìm nguồn khách hàng giống nhau), nên mình vừa lịch sự từ chối bạn này được 5 phút, thì lại phải lịch sự từ chối bạn kia, và 5 phút sau đó lại phải lịch sự từ chối bạn nọ, và bạn thứ tư kém may mắn nhất khi mình bỏ từ "lịch sự" trong việc từ chối. Mình yêu cầu gặp quản lý của bạn ấy, bạn ấy không cho, và mình đã quát bạn ấy, vâng, khi bạn đối xử với khách hàng không khác một dãy số, thì bạn chuẩn bị tinh thần là bị đối xử không khác kẻ thù của họ đi.

Đến bạn thứ 10 trong 2 ngày, thì mình quyết định nếu từ nay về sau mình có nhu cầu gì về website thì mình cũng gạch bỏ tên công ty này ra khỏi đầu. Tới cuộc gọi thứ 15 thì mình quyết định đem tên công ty này bêu rếu và cảnh giác trên facebook của mình cho tất cả bạn bè mình thấy, và tới cuộc thứ 20 thì mình hứa mình sẽ đem công ty này vô case study những telesale thất bại nhất thế giới.

2/ Vấn đề bự thứ hai đó là vấn đề lừa đảo.

Ồ dĩ nhiên không phải lừa đảo phi pháp rồi, điều đó thì quá đáng quá mức.

Ý mình là vầy:

Dạo này Daiichi Life có chiêu gọi điện thoại mới, nói là gọi từ nhà hàng 5 sao nào đó và mời đi đến buổi tiệc nội dung chăm sóc sức khỏe...

Mình nhớ hồi xưa mình làm bảo hiểm - chuyên bán cho các công ty, nhiều khi để thông qua được cô tiếp tân, mình không dám tự xưng là gọi tới từ bảo hiểm G, mà toàn tự xưng là "trung tâm chăm sóc phúc lợi nhân viên" hoặc "công ty dịch vụ chăm sóc phúc lợi nhân viên của Nhật Bản". Lúc đó, mình nghĩ, không phải hoàn toàn là lừa đảo đâu, đó là một trick, hay một cách chơi chữ để "nghe có vẻ quan trọng" và được nối máy với người phụ trách, thay vì bị cúp điện thoại bởi cô tiếp tân.

Giờ thì mình thấu hiểu cảm giác của người nghe lúc đó rồi. Cảm thấy "mất thì giờ". Thực sự mất thì giờ quá trời quá đất. Nói quanh co lòng vòng một hồi, quy lại cũng chỉ là công ty bảo hiểm muốn mời đi dự tiệc để mua bảo hiểm. Thậm chí, mình còn thấy: bản thân người gọi biết là nếu xưng là Daiichi Life thì người nghe sẽ cúp máy, nhưng thay vì cố thuyết phục và nói ra lợi ích của việc mua bảo hiểm (điều mà mình hoàn toàn công nhận), thì họ lại xoay sang lừa đảo người nghe, nói quanh co là mình gọi đến từ nhà hàng này nọ. Mình không biết ai dạy cho các em telesale chiêu này, nhưng, sai rồi, chiêu này sai rồi... Chính bạn còn không tự hào và tin tưởng công ty bạn, thì làm sao mình tin cho được?

3/ Hãy chuẩn bị một tinh thần tốt khi gọi điện thoại.

Phải cười. Khách hàng thô lỗ thì mình xin lỗi đã làm phiền, khách hàng lịch sự thì mình cảm ơn, khách hàng đồng ý thì dĩ nhiên là chăm sóc tận răng, nhưng khách hàng từ chối thì mình cũng xin lỗi đã làm phiền và tươi cười chúc chị một ngày vui vẻ, và để khách hàng cúp máy trước. Không làm được như vậy, đừng gọi điện thoại.

Hôm trước có 1 con bé gọi điện cho mình giới thiệu dịch vụ website, giọng nói thì nhỏ, tín hiệu rè rè, nói kiểu buồn ngủ theo phong cách "tao không không gọi đâu nhưng tao phải gọi" (ơ, thế tao có muốn nghe đâu mà vẫn phải nghe đây này, đồ khó ưa!) mình vừa rất lịch sự bảo "chị cảm ơn, nhưng chị không có nhu cầu" thì cúp máy cái rụp vô trong mặt mình. Tại sao mình biết đó là cúp máy vô mặt mình mà không phải do tín hiệu? Là do trước đó mình nghe một tiếng thở dài chán nản. Tiếc là, mình không kịp nhớ tên công ty để bưng lên đây.

Khi bạn thô lỗ với khách hàng, bạn đang bán đứng công ty mình đang làm, bạn đang bôi tro trét trấu vô danh dự và uy tín của công ty. Làm như thế, bạn khốn nạn lắm. Nói thật, nếu việc lặp đi lặp lại cuộc gọi là sai lầm trong database, và việc có mùi lừa đảo là sai lầm trong script, thì việc này - lỗi hoàn toàn ở người gọi, là sai lầm trong attitude. Bán hàng, mà sai lầm trong attitude là điều không thể chấp nhận được.

4/ Biết mình đang gọi cho ai.

Làm ơn gọi cho đúng tên khách hàng! LÀM ƠN! PLEASE! ONEGAISHIMASU! S'IL VOUS PLAIT!

Mình đã rất nhiều lần kềm chế cảm giác muốn dập điện thoại ngay khi người gọi hoặc là vấp váp khi đọc tên công ty mình hoặc là đọc sai tên công ty mình. Chẳng hạn: "cho em hỏi có phải là công ty,... ờ, Little... ờ, Duck... không ạ?", hoặc tệ hơn, "cho em hỏi có phải là công ty Duck Little" không ạ? "

You oughtta be kidding me.

Bạn đang muốn bán sản phẩm cho mình nha, bạn đang muốn móc tiền của mình nha, và tiền của mình thành tiền lương cho bạn nha, và tiền của mình nuôi sống bạn nha, bạn có thể nào vui lòng nắm được cái tên của người sắp nuôi bạn không? Không à, vậy thì khỏi. Đó là sự tôn trọng tối thiểu bạn dành cho khách hàng mà, telesale.

Còn ví dụ như tên khách hàng khó gọi quá, thì hãy tra google xem gọi thế nào, không có luôn thì cứ gọi theo cách của bạn, rồi nếu gọi sai thì nhờ họ chỉnh lại và cảm ơn họ vì đã chỉnh lại cách đọc cho bạn. Vậy thôi, trong mọi trường hợp - sự chân thành quan trọng hơn kiến thức.

5/ Tóm lại.

Hãy học tập các bạn Prudential cho vay vốn (chỉ là lĩnh vực cho vay vốn thôi). Tần suất gọi theo mình quan sát là 1 lần/tháng (hoặc 2 lần/tháng). Giọng điệu luôn vui tươi, giới thiệu rõ ràng, và khi mình từ chối thì vẫn vui vẻ: vậy chị lưu số em nha, mai mốt chị có cần vay vốn thì liên hệ em nha, cảm ơn chị. Dù không bao giờ mình lưu số, nhưng mình thích kiểu kết nhẹ nhàng như vậy.
Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis