11/19/2020

19.11.2020

1. Càng ngày càng nghiện những giấc mơ trưa. Cứ tỉnh dậy trong một giấc mơ lại có cảm giác mình trở về từ một vũ trụ khác vậy. Lúc nãy trong cơn lơ mơ tự thuyết phục bản thân rằng hôm nay là thứ bảy, có thể ngủ trễ hơn một chút, những tưởng đã qua tận buổi chiều, nhưng khi mở mắt ra vẫn là 1 giờ 30. Khi mình ngủ, thời gian trôi chậm hơn? Lúc nãy gần nhữ là đã có một vivid dream. Nhưng nó vivid tới mức mình còn tự bảo bản thân, thôi đi, cái trải nghiệm đó chính mình còn chưa có, làm sao đem vào mơ...

2. Lúc nãy lại đọc một bài về bảo vệ môi trường, nhưng lần này, hình ảnh cái ly nhựa 10 năm 20 năm gì đấy vẫn còn nguyên si như ban đầu làm mình rùng mình. Nếu một người ăn ở ác quá, thì chắc là kiếp sau họ sẽ bị biến thành cái ly nhựa, muôn đời không siêu sinh nổi.

3. Hôm nay ba mẹ lại cãi nhau, nghe nói nghiêm trọng tới nỗi mẹ ném cái chai rượu vô đầu ba. 

Nếu có 2 thứ mình ghét trên đời, thì đó là hôn nhân và bia rượu. Nếu có một thứ làm mình hận thù, thì đó là những con người uống bia rượu, say xỉn, mất kiểm soát. Đối với mình, họ thật sự hèn hạ. Sự mất kiểm soát do bia rượu thật sự là hèn hạ. Họ say, gây sự, rồi quên, rồi vin vào cớ say, nhưng những người tỉnh thì lãnh đủ. 

Mình thậm chí đã chán tới mức không thể nói rằng bản thân chán ngán quá rồi nữa. 

Gần đây trên mạng có một bài như thế này: một đứa trẻ 14 tuổi thấy cha mình cứ đánh mẹ hoài, nó thu thập bằng chứng rồi tố cáo lên phường, cha nó bị phường mời lên, sau khi làm công tác tư tưởng thì được thả về. Lẽ dĩ nhiên là cha nó chửi nó, đánh nó. Nhưng điều không-hề-dĩ-nhiên đó là bên nhà nội nó chửi nó, bên nhà ngoại nó cũng chửi nó, và cuối cùng, mẹ nó cũng chửi nó rằng, mày đi tố cáo làm gì để giờ ai cũng chửi tao. Nó dạt nhà, qua nhà bạn ở đã 4 ngày, cứ nghĩ hoài không biết mình sai chỗ nào. Mình đã để lại comment rằng, cháu sai, lẽ ra cháu nên bỏ mặc những người trưởng thành đầy đủ năng lực hành vi dân sự đó tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, còn cháu thì nên ăn ngủ học hành và đi đến một nơi thật xa để sống cuộc đời riêng của mình, cái cháu cần làm không phải là can thiệp mà là chạy ra khỏi nơi chướng tai gai mắt đó.

Mình đã trải qua đủ nhiều để kết luận điều đó. Ba mẹ mình là 2 bậc phụ huynh độc hại. Dù họ có yêu thương mình, họ có chăm lo cho mình, nhưng, họ cũng để lại trong tâm hồn mình những vết sẹo kinh khủng không bao giờ có thể lành lặn lại. Hôn nhân của họ làm cho mình cảm thấy không muốn kết hôn, cách mẹ hành xử làm cho mình cảm thấy sợ một ngày nào đó nếu mình phải trở thành vợ - liệu mình có kinh khủng như vậy không. Cách ba mình hành xử làm cho mình cảm thấy ngán ngẩm tột độ. Đối với mình ba là một người đàn ông tốt hiếm có, nhưng rốt cuộc, người đàn ông tốt đó lại đâm một vết chí mạng sau lưng mẹ và mình bằng cách có con riêng. Đó là món nợ ba không bao giờ trả nổi. 

Ngày trước có lần chú Tư đưa 1 ông thầy bói vô nhà, mình nghe lóm ổng nói với chú Tư rằng, đàn ông phải ngoại tình thì mới cảm thấy có lỗi mà chăm chút cho vợ con. Mình đã cảm thấy kinh tởm tột cùng. Nhưng hóa ra điều đó đúng. Ba mình phải làm một chuyện tội lỗi tày trời thì mới sống nổi với một người vợ kinh khủng như mẹ mình. 

Hôn nhân của ba mẹ mình dạy mình một điều, rằng câu nồi nào úp vung nấy là chính xác. Nếu bạn thắc mắc sao người đàn ông ấy tệ bạc đến như vậy mà vợ ông ta vẫn không bỏ ông ta - xin thưa rằng vì người vợ cũng tệ không kém. Mẹ mình gom tiền nhà cho nhà ngoại. Nhà ngoại mình là một ổ cực phẩm thúi tha mà mình cố cắt đứt hoàn toàn trong cuộc đời mình, mối quan hệ sẽ dừng lại ở mức chúng ta sẽ gặp nhau mỗi năm một ngày, sẽ tán chuyện trên trời dưới đất, nhưng nếu một ai đó trong chúng ta gặp chuyện, thì dĩ nhiên là thân ai nấy lo. Sáng này mẹ nói chuyện dưới quê lại mời đám cưới, mình chỉ cười, mình không biết những người đó là ai. Mình chỉ biết rằng mỗi năm mẹ luôn tốn tiền gửi mừng đám cưới vài lần cho dưới-quê, có người còn cưới hẳn 2 lần. Và đó là những đồng tiền một đi không trở lại. Nhưng mẹ rất sĩ diện, những anh chị họ của mình có con lúc nào mẹ cũng mừng tiền rất nhiều, nhưng tới lúc em gái mình có con, mẹ lại ngại mời họ lại. Đám cưới họ mẹ luôn cho cả đống tiền, nhưng tới đám cưới em gái mình - đứa con duy nhất của mẹ cưới, họ mừng tiền lại chẳng đủ bù suất ăn của họ. Những mối quan hệ như vậy, chẳng hiểu mẹ giữ để làm cái gì.

Và mẹ luôn đòi hỏi bên nội phải lo cho gia đình của mẹ. Ba mình chẳng bao giờ cho ông bà nội được đồng nào còn mẹ thì mỗi tháng đều như vắt chanh đều gửi tiền về ngoại - nuôi bà ngoại, hồi đó còn nuôi luôn cả đàn cháu - những đứa đến một lời cảm ơn cũng chưa từng nói. 

Đó là vấn đề tài chính thôi, còn một loạt vấn đề khác nữa. Ngày xưa ba mẹ đến với nhau ông bà nội không đồng ý - và đó là vết thương mãn tính trong lòng mẹ, để đến bây giờ mẹ vẫn ghét cay ghét đắng bên nội. Dù bên nội cho gia đình mình nhiều, còn bên ngoại thì chẳng cho cái gì. Bên nội biết tin em mình sinh con, gửi tiền về rất nhiều, cô hai còn đều đặn gửi sữa về cho nó uống. Bên ngoại thì một lời hỏi thăm còn hiếm hoi. Nhưng mẹ cứ đòi mình phải thương bên ngoại thật nhiều vì bên nội rất là ác. Nhà mình đang ở là nhà nội, nhưng vì bà nội không sang tên cho ba, nên mẹ cứ chì chiết giày xéo rằng bà nội rất ác, trong khi cái nhà của mẹ ở bên ngoại, dì út mình sau một thời gian ở nhờ thì nằng nặc đòi bán, sau đó lấy tiền xây biệt thự. 

Ngày xưa mình đã từng có ý định nói cho mẹ hiểu, nhưng mình nhận ra điều đó là ngu ngốc. Một cuộc cãi vã kinh khủng hồi tháng 8 đã triệt để cắt đứt mọi ý định can thiệp của mình. Mình nhận ra, hành động đúng đắn nhất mà mình nên hành xử với mẹ, đó là im lặng, mẹ muốn làm gì thì làm, tiền của mẹ muốn xài đi đâu thì xài, mẹ muốn nói gì thì nói, mình sẽ không cãi, không tranh luận, không can thiệp nữa. Mẹ mình và sự vô lý và nước mắt và sự vô lý tột độ chính là siêu nhân vô địch không ai bì nổi.

Mẹ mình luôn dạy mình phải khiêm tốn, rằng mình không-là-gì-cả. Khoan bàn tới chuyện điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc đời mình như thế nào, chỉ nói tới việc, càng ngày mình càng nhận ra rằng người dạy mình khiêm tốn đó tự cao tự đại không ai bằng. Em mình và mình hay nói với nhau, rằng, tại sao mẹ lại khoe khoang rằng mẹ sống đúng đắn và ai cũng yêu thương mẹ dù cho trước đó họ ghét mẹ, trong khi thực tế thấy rõ rằng chẳng ai yêu thương mẹ cho nổi, rằng sự vị nể kia hoặc là đến từ tiền của mẹ, hoặc là đến từ việc người ta thương ba và hai đứa mình nên mới nhịn mẹ cho yên nhà yên cửa? 

Mẹ còn lố bịch nữa. Ngày xưa mẹ không có bạn, mẹ chỉ trích việc mình đi chơi với bạn rằng - "mẹ không thấy bạn bè có gì ích lợi cả". Bây giờ mẹ có bạn, và mẹ chỉ trích mình rằng - "suốt ngày ru rú ở nhà không bạn bè không ra đường nên tụt hậu". Mẹ lúc nào cũng nghĩ mẹ là tấm gương rất sáng, rất đúng. Em mình bảo, nó sẽ không bao giờ sống như mẹ.

Nhưng nó có sống như mẹ hay không, thì mình không dám chắc được. Chí ít là hiện tại, mình thấy nó không khác mẹ mấy. Có khác thì chỉ là do mẹ lấy chồng theo chồng, còn nó lấy chồng xong thì mang cả nhà chồng đến làm phiền mình.

Bởi vậy, tội lỗi của ba, mối quan hệ ngoài giá thú của ba, chính là cục tạ để giữ cho cán cân ngang bằng. Thực ra thì ba cũng đã thay đổi rồi. Ngày xưa mình thương ba, nên cố mà thay đổi mẹ. Nhưng giờ thì, mối quan hệ của mình và ba cũng chỉ ngang ngửa với mẹ thôi. Vì mình nhận ra rằng, ba đã trở nên ích kỷ và tính toán hơn nhiều từ khi ba có con riêng. Ba diếm tiền riêng. Và ba cư xử như những người trong gia đình đều là đồ ngu không biết ba đem tiền đi đâu xài. Ba thậm thụt, ba giấu diếm đủ mọi thứ, điều đó làm cho mình cảm thấy người mình gọi là ba hóa ra cũng chỉ là một người đàn ông không dám đường đường chính chính mà sống thôi. 

Nên mình mặc kệ. 

Cũng có cái lợi, rằng chính vì ba mẹ mình tự biết rằng hôn nhân của họ đã tạo ra trong mình ác cảm không thể giải trừ về hôn nhân, nên cũng như việc họ - sau hơn hai mươi năm - đã chấp nhận việc mình không thể ăn hành lá, cũng rất nhanh chóng mà chấp nhận việc mình không kết hôn. Nói đúng hơn là họ sợ khi mình hỏi ngược lại họ về hôn nhân của chính họ, nên họ không có tư cách ép buộc mình phải làm điều đó.

Sự tan rã cũng DBSK đã cho mình một bài học, rằng miễn là thời gian đủ dài, thì chẳng có cái gì là quá đau cả. Thí dụ như khi đang đẹp đẽ, đùng một cái disband, thì sốc thật, nhưng nếu tin đồn disband đã lan ra hơn cả năm, thì chuyện disband trở thành một cú rơi có đệm, không có đau gì mấy. 

Bất cứ điều gì cũng vậy, chỉ cần có đủ thời gian. 

Tôi mất gần 30 năm để học được cách sống ích kỷ, bo bo lo cho cuộc đời mình. Em tôi thì đã có sẵn phẩm chất đó trong máu. Tôi nghĩ, điều may mắn duy nhất khi có em là tôi chỉ có 1 đứa em, mức độ lo lắng của tôi cũng giảm xuống. Tôi tìm cách chạy khỏi ba mẹ vì ngán ngẩm cảnh phải dọn khỏi phòng khi ông bà nội về, ngán cảnh ba mẹ tôi chiều chiều lại say xỉn, và lại cãi nhau. Tôi không kết hôn vì ghét cảnh chồng con. Em tôi, bằng cách kết hôn, tống cho tôi tất cả những thứ đó.

Tôi cũng biết một điều. Rằng nếu tôi tập trung hết tinh lực lo cho cuộc đời của chính mình, tôi sẽ không cần phải phân tán tư tưởng mà bận tâm đến cuộc đời người khác - thứ mà tôi không kiểm soát được. Xa dần dần thì tình cảm phai nhạt dần dần. Ví dụ như tôi và bà ngoại, đã gần một năm trời tôi không gặp bà. Từ lúc bà ngoại bị gẫy chân vào viện, đến khi bà ngoại về nhà, và lẫn dần, quên mất tôi là ai, chuyện tôi có về thăm bà hay không chỉ nằm ở tôi, và một năm tròn vì nhiều lý do, tôi không về. Thế là tình cảm cứ giãn ra dần. Tôi không còn lo lắng hay đau đáu như trước nữa.

Ngày trước tôi hay lo lắng chuyện mẹ tôi xài tiền vô tội vạ. Nhưng sau khi mẹ tôi lấy tiền tôi đòi cho em tôi, tôi hoàn toàn từ bỏ. Tôi mua bảo hiểm cho ba mẹ, đến một tuổi nhất định họ sẽ lãnh về được một số tiền, chắc đủ để họ dưỡng già, vậy là đủ. Còn việc xài tiền không biết ngày mai thì thôi tôi kệ. 

Tôi nghĩ tới chuyện ra riêng, có một cái nhà riêng của tôi. Tôi muốn làm một polyglot. Tôi muốn làm một pianist. Và cứ thế tôi chạy theo mục tiêu của mình, quên sạch phần còn lại của thế giới.

Sẽ có một ngày, tôi trở về nhà sau một ngày làm việc, ngôi nhà của tôi, được decor từng chút một theo kiểu tôi thích mà không có ai được can dự vào. Cái sink sẽ sạch bóng, chén dĩa xếp ngay ngắn đúng vào chỗ tôi đã đặt chúng lần trước. Robot hút bụi đã làm xong việc của nó vì tôi đã schedule cho nó hút bụi trước khi tôi về nhà. Tôi sẽ nấu hoặc đặt món tôi thích ăn. Sau đó thì đi tắm, đốt một ít nến thơm và ngâm mình trong bồn tắm. Rồi tôi sẽ vừa ăn vừa coi bộ phim mình thích. Quan trọng nhất là, khi cánh cửa đó đóng lại, tất cả những lo lắng phiền muộn và chán ngán vì những con người ngu xuẩn xung quanh tôi đều bị ngăn lại ở ngoài kia. Nếu ba mẹ tôi có cãi nhau, thì đấy là chuyện của họ. Nếu em tôi có cãi nhau với chồng nó, thì đấy cũng là chuyện của nó. Sẽ không ai được dịch chuyển hay bình phẩm gì về những món đồ trong nhà của tôi và tôi sẽ mãi mãi không cần phải đi ra khỏi phòng ngủ của mình để nhường cho ai hết. 

Họ chẳng bao giờ biết tôi khó chịu như thế nào khi mà phải để người lạ động tay vào đồ của mình. Họ coi đó là hiển nhiên mà tôi phải chịu.

Không.

11/10/2020

10.11.2020

1. Tôi ngạc nhiên khi thấy bản thân vẫn còn có thể ngạc nhiên vì những điều tầm thường như thế.

Khi con người ta càng thản nhiên, thì mọi thứ càng rõ ràng. 

2. Dạo này tôi đọc được một câu, đơn giản nhưng không hiểu sao cứ lặp đi lặp lại trong đầu, rằng: khi bạn biết rõ bản thân mình là ai, thì bạn chẳng còn sợ điều gì nữa. 

Những người xung quanh tôi, hình như họ không biết rõ bản thân mình là ai, kéo theo việc không biết mình muốn cái gì, vì thế, họ lạc lõng giữa cái bể đời mênh mông vô định. Giống như tôi có thể nhìn thấy họ đang quờ quạng níu hết cái cọc này đến cái khúc gỗ kia giữ cho bản thân nổi lềnh bềnh vậy. 

3. Mỗi người, nên tự có một thứ neo giữ bản thân giữa cuộc đời, hay là, một đích đến. 

Alice hỏi con Mèo: tớ nên đi đường nào, con Mèo hỏi lại: điều đó còn tùy thuộc cậu muốn đi đến đâu. Alice bảo: tớ cũng chẳng biết nữa, con Mèo đáp: vậy thì đường nào cũng vậy thôi.

Tôi nghĩ, ngay cả khi cái đích đến tương đối phù phiếm, nhưng miễn là nó cân đo đong đếm được, và có thể nhìn thấy bằng mắt thường, thì nó vẫn là một cái đích đến rõ ràng. 

4. Thí dụ như tôi muốn một cuộc sống tự do tuyệt đối.

Tôi gói cái ước muốn đó vô trong một cái nhà của riêng tôi. Nơi mà tôi có thể từ chối tiếp đón bất kỳ ai mà tôi không thích.

Tôi gói cái ước muốn đó vô tài khoảng ngân hàng 2 tỷ đồng. Có 2 tỷ rồi tôi không làm nữa, mỗi tháng lãnh lãi rồi sống thôi.

Dạo này tôi phát hiện ra, cái ước muốn đó còn phải xuất phát tự tâm nữa, nghĩa là tôi phải dứt bỏ được thói quơ chuyện người khác vào bản thân mình để mà lo lắng. 

5. Và cứ thế tôi phát hiện ra, có những điều mà người ta sinh ra đã có, còn tôi cứ phải học tập và rèn luyện. Thí dụ như chuyện vô tâm và buông bỏ. Thí dụ như chuyện ích kỷ. Thí dụ như nói xấu sau lưng người khác, sau đó trước mặt họ vẫn cười hề hề.

May thay, học để tâm thì khó, chứ học vô tâm thì dễ ợt. 

6. Mà tôi còn phải định hướng cho cuộc sống đúng đắn vui vẻ nữa. Ngay cả khi tôi có tự do, tôi sẽ không thể hạnh phúc nếu như để cuộc đời của mình chìm đắm trong sự vô nghĩa của những hoạt động ù lì đòi hỏi điện năng. 

Thành ra, tôi nghĩ, mình sẽ vui vẻ nếu như mình là một polyglot và pianist. Đó sẽ là 2 mục tiêu nhỏ trong trọn vẹn quá trình hướng tới tự do tuyệt đối của tôi.

7. Tự do tuyệt đối, nghĩa là không níu giữ. 

8. Tôi có một bà dì, rất giàu có, làm giàu từ chuyện cho vay tiền góp. Thu nhập bị động của bả mỗi tháng bây giờ vào khoảng 50-100 triệu. Nhưng bả không thấy được chuyện đó. Bả gài mục đích sống của bả vô trong thái độ của mọi người đối xử với bả. Bả yêu cầu mọi người phải coi bả là đấng cứu thế.

Tôi thì thấy chuyện đó chẳng khác nào cố bám vào cây gỗ mục ruỗng giữa dòng đời. 

Bả bỏ gần 2 tỷ để mua mộ cho cha mẹ. Bả nuôi mẹ. Bả bao nuôi lũ cháu đi học đại học. Mua xe mua laptop cho bọn chúng. Thậm chí, bả còn bỏ tiền mua biệt thự cho em gái út - dù bà này đã có đầy đủ chồng con và lớn tồng ngồng cả rồi. 

Kết quả là tất cả mọi người trong gia đình đều chửi bả, đều kết luận là bả thật ác độc và điên loạn.

Chỉ có mỗi tôi cảm thấy điều này thực sự kỳ lạ. Vì chỉ có mỗi tôi gạt bỏ hết tất cả than phiền oán thán chửi rủa của bả để nhìn vô sự thật là tất cả mọi người trong cái gia đình đó đều ăn tiền của bả mà sống. Chẳng ai thấy, vì họ bận nghe bả chửi. Bả cho tiền, xong rồi bả cảm thấy tiền của bả rất to, nên bả chửi. Chửi xong bả lại cho tiếp. Nếu có ai đó nhìn ra sự thật trần trụi và khuyên ngăn, thì bả lại bảo, nếu bả không lo thì em trai em gái của bả sẽ chết đói hết. Và bả lo tiếp, và bả chửi tiếp, và những người nhận tiền của bả lại chửi bả tiếp. 

Nó cũng lẩn quẩn và vô lý như cái mộ. Mỗi khi có họ hàng - dù cái mối quan hệ họ hàng đó xa tít tắp mù khơi - tới thăm, bả luôn cố rủ người ta ra mộ của cha mẹ bả để thăm-mộ, sẵn sàng bỏ tiền bao taxi kéo người ta ra đó. Tôi thì thấy rõ ràng là muốn khoe sự hiếu thảo của mình. Nhưng chẳng ai khen, hoặc họ không bao giờ thật lòng khen. Họ chỉ thấy phiền. 

Còn em trai em gái bả thì lại chửi bả đạo đức giả, thích đóng vai thiên thần. Chịu thôi, bọn chúng đâu có góp công góp của gì trong cái mộ của cha mẹ, còn bả thì cứ thích nhấn mạnh điều đó. 

Tôi chỉ thấy, cuộc đời bả lềnh bềnh, y như khúc gỗ mục ruỗng kia. 

Mọi người lấy người mẹ chung ra làm điều kiện, khi mẹ không còn nữa, thì mọi người sẽ lánh xa bả. Tôi chỉ cười, làm như thể họ đang gần bả vì mẹ vậy. Trong tất cả các mệnh đề chẳng có cái nào là mẹ, chỉ có tiền. 

Gia đình mục nát tận xương. Từ lâu đã trở thành những nhân vật trong những câu chuyện đầu môi để cười, để bình luận, vô thưởng vô phạt như chuyện cô ca sĩ nào đó vừa mới đẻ.

9. Tôi cố làm cho được 2 thứ, một là không dùng phương thức đạp thứ này xuống để nâng thứ kia lên, hai là không bao giờ nói câu "nếu tôi là bạn..."

Tôi chẳng bao giờ có thể là ai cả ngoại trừ chính tôi. Cho nên, tôi sẽ cố dừng cái việc vô nghĩa đó lại.

10. Dạo này, tôi có thể ngồi ngẩn người cả ngày, để tưởng tượng và sống những cuộc đời mà tôi đã luôn muốn mà không có được. Điều đó liệu có phải một dấu hiệu cho thấy khả năng bị tâm thần của tôi rất cao? 

Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis