3/22/2021

22.03

Tôi nghĩ mình đã nhầm lẫn nặng nề rồi. Cái thực sự dư dả và tạo nên bi kịch lớn nhất của đời sống không phải là vật chất hay tinh thần mà là thời gian. Dạo này tôi cứ liên tục nghĩ về cái cách thời gian gánh đưa chúng ta trên dòng chảy của nó. Tôi nghĩ về tôi ở quá khứ, tôi nghĩ về tôi ở một quá khứ gần hơn, và tôi cũng nghĩ về tôi ở ngay thời điểm viết những dòng này nữa. 

Việc nhận ra bản thân dư thừa thời gian, đối với tôi giống như tìm được cái chìa khóa tưởng đã lạc mất từ lâu vậy. Hóa ra câu trả lời nằm ở đó, vẫn luôn nằm ở đó và chờ tôi phát hiện ra trong một buổi tối mất hơn một tiếng đồng hồ chỉ để lượn youtube chọn video xem trong khi ăn. Tôi phát hiện ra mình đang mặc định quá nhiều thứ - đặc biệt là những thứ tôi cho là "niềm vui". Tôi cứ nghĩ phải vừa ăn vừa xem tivi thì mới thực sự là "hưởng thụ", nhưng, tôi không cười nổi trước những vở hài kịch cũ, hay đã thuộc làu chi tiết trong một bộ phim sitcom cũ, lại không cho là mình sẽ đủ tập trung để vừa ăn vừa xem cái gì đó mới. Những lựa chọn cứ tra tấn tôi một cách âm thầm, giống như mỗi lần lướt now tìm đồ ăn tối. Quá nhiều thứ, nhưng chẳng có gì muốn ăn. Và tôi nhận ra, lúc nào cũng có một lựa chọn khác, dễ dàng hơn, thanh thản hơn, nhanh hơn, đó là: không coi gì cả, không ăn gì cả. 

Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể nhấn nút tắt tivi hay điện thoại, cũng như bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể kết thúc sự sống của mình. Hơi kỳ lạ khi vế sau đã đến trong đầu tôi trước vế thứ nhất một khoảng thời gian lâu đến mức không tin nổi. Tôi có thể hình dung ra cảnh mình chấm dứt sự sống, nhưng chưa từng hình dung ra cảnh mình bấm tắt tivi và điện thoại, và không ăn uống gì. Bởi vì - lúc đó tôi sẽ làm gì nhỉ? Không-làm-gì-cả thực ra là như thế nào. Hiếm khi tôi không làm gì cả, vì cái đầu của tôi vận động nhanh khủng khiếp, đọc cũng lướt, xem video cũng lướt, thậm chí khi suy nghĩ tôi cũng tìm cách lướt nhanh qua. 

Cách đây không lâu, tôi nhận ra tấn bi kịch của đời mình, những lúc mình uất ức đến độ phát điên, toàn bộ là do tôi tự ép bản thân, dồn nén những suy nghĩ cảm xúc mà tôi cho là ấm ức, đến một mức độ nhất định rồi tự mình hành mình - theo đúng theo nghĩa đen có thể nhìn thấy được và nghĩa bóng không nhìn thấy được. Hôm nay thì tôi phát hiện ra, chuyện đó chẳng qua là lớp bề mặt thôi. Cái cốt lõi (hoặc thời điểm này tôi gọi là cốt lõi, đến sau này có thể tôi sẽ tìm thấy một "cốt lõi" khác còn tinh chất hơn, thuần túy hơn) là do tôi bị FOMO, tự tôi đã mở rộng nghĩa của FOMO ra - không phải chỉ miss out thông tin, miss out hoạt động, mà FOMO của tôi, là cái cảm giác sợ bị "tốn thời gian". Coi một cái video sợ tốn mất 3 phút, đọc một bản tin sợ tốn hết 2 phút, không tìm ra video hay để để vừa ăn vừa coi thì sợ tốn hết một bữa ăn ngon vì "niềm vui" không trọn vẹn, đứng chờ thang máy mà không rút điện thoại ra thì sợ tốn hết 10s chỉ để chờ đợi mà không-làm-gì-cả. 

Nhưng, vấn đề là. Chính cái cảm giác sợ "tốn thời gian" đó mới là thứ ngốn thời gian nhiều nhất. Tôi nhớ mang máng một câu chuyện như thế này: một người lên thiên đường, ông ấy được dắt vào tham quan từng ngôi nhà để quyết định chọn một ngôi nhà để sống - với điều kiện là ông ấy sẽ phải quyết định ngay lúc ấy, nếu đã ra khỏi nhà thì coi như ông ấy không chọn ngôi nhà đó. Ngôi nhà đầu tiên tuyệt đẹp, mọi thứ làm bằng vàng, rộng rãi với khu vườn xanh um. Ông ấy nghĩ thầm, mới chỉ ngôi nhà đầu tiên, ta còn nhiều lựa chọn, biết đâu lựa chọn tốt hơn nằm ở phía sau. Thế là ông ấy đến ngôi nhà thứ hai, mọi thứ làm bằng pha lê tinh khiết, lung linh óng ánh, trong vườn còn có một hồ bơi rất rộng. Thật tuyệt - ông ấy nghĩ - nếu ngôi nhà thứ 2 đã tuyệt hơn ngôi nhà thứ nhất thì ngôi nhà thứ 3 còn tuyệt đến mức nào nữa. Và ông ấy đi tiếp đến ngôi nhà thứ 3, một lâu đài cẩm thạch trắng tuyệt vời, với một cái hồ rộng vô cực và những buổi hoàng hôn rực rỡ. Những tưởng ngôi nhà thứ 3 này là đích đến rồi, nhưng ông ấy vẫn nghĩ - biết đâu ngôi nhà thứ 4 còn tuyệt hơn nữa. Và, cái gì đến cũng phải đến, ông ấy quyết định đi tới ngôi nhà thứ 4, lúc này thiên thần dẫn đường cho ông ấy phát ra một giọng cười man rợ, và hiện nguyên hình là ác quỷ, thông báo với ông ấy rằng ông ta thực ra đang ở địa ngục, ngôi nhà thứ tư chính là chảo lửa, ngôi nhà thứ năm là đầm rắn, ngôi nhà thứ sáu sẽ là căn nhà tồi tàn thời ông ta nghèo khổ được đính kèm thêm mụ vợ cằn nhằn suốt ngày suốt đêm... 

Sự không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có là con đường nhanh nhất dẫn đến chảo lửa đời người. Tôi biết bạn muốn nói gì - nếu luôn thỏa mãn với những thứ mình có thì làm gì có tiến bộ, xã hội này mãi dậm chân một chỗ hay sao. Nhưng mà, tôi muốn hỏi lại, tiến bộ là tiến đến đâu? Hãy nhìn những phát minh gần đây nhất với mục tiêu làm cho đời sống con người dễ dàng hơn, và nghĩ xem có thứ gì thực-sự đã đạt được mục đích đó không, hay chúng đang khiến cuộc sống của con người trở nên khó khăn hơn?

3/19/2021

17.3.2021

Tôi nghĩ là tôi đang mắc bệnh liên quan đến thần kinh. Cho nên từ nay tôi sẽ viết nhật ký lại để xem diễn biến bệnh.

Ngày 17.3 tôi dùng cả ngày để ngồi nghĩ về một câu chuyện như sau:

Có 1 trò game, tổ chức chơi với hình thức bốc thăm chia nhóm 8 người. Có rất đông người tham gia. Có tổng cộng 7 vòng chơi, 3 đội về đích trước nhất sẽ nhận được phần thưởng trị giá 1 tỷ - 600 triệu - 200 triệu. Luật chơi như sau: 

0. Mỗi người chơi được phát 2 chip, mỗi chip trị giá 500.000đ, có giá trị quy đổi lúc kết thúc trò chơi. Tổng cộng có 80 người chơi, tổng chip là 80.000.000, có thể tự do trao đổi.

1. Sau mỗi vòng mỗi đội sẽ bắt buộc loại 1 thành viên dựa trên quyết định của đa số, thành viên đó lúc này thuộc về bãi phế liệu. Giải thưởng sẽ chia đều cho các thành viên còn lại cuối cùng khi nhận giải. Thành viên bị loại không cần giao nộp chip cho đội. 

2. Sau mỗi vòng, mỗi đội sẽ nhận được 1 phiếu để "nhặt phế liệu", với điều kiện phế liệu đó không thải ra từ đội mình ở vòng trước. Nghĩa là nếu đội 1 thải ra thành viên A, thì tới vòng 3 nếu thành viên A chưa bị đội khác "nhặt" thì đội 1 mới có cơ hội để nhặt lại. Phế liệu có quyền từ chối. Khi phế liệu từ chối thì phiếu "nhặt phế liệu" vẫn tiêu biến. 

3. Mỗi vòng có hình thức thi khác nhau, cuối mỗi vòng 3 đội đầu tiên sẽ nhận được những phiếu quyền lợi khác nhau.

4. Địa điểm tổ chức mỗi vòng khác nhau. Đội hoàn thành lượt thi của mình trước sẽ được lên xe buýt đi trước. Chỉ có 1 chiếc xe buýt vận chuyển, do đó đội thứ 2 phải chờ đội 1 tới nơi, xe buýt quay lại thì mới được đi tiếp bất kể họ hoàn thành vòng thi của mình sau đội thứ 1 bao nhiêu lâu. Mỗi chuyến đi về tầm 15 phút.

5. Các loại phiếu quyền có thể được chuyển nhượng giữa các đội. Ban tổ chức không can thiệp, không quan tâm nếu như mất trộm phiếu.

6. Các đội không biết nội dung vòng thi tiếp theo, sẽ có một số thông tin chỉ được thông báo khi hoàn thành vòng thi. 

Vòng thứ nhất là hỏi đáp kiến thức. Bạn được quyền dùng điện thoại để tra đáp án. Tất cả điện thoại phải được để ở bục chung với cái nút bấm trả lời. Khi người đọc đọc xong câu hỏi và kết thúc bằng chữ "hết", bạn có quyền bấm nút để trả lời trong 3 giây, hoặc dùng điện thoại để tra thông tin sau đó bấm nút trả lời. Nếu trả lời sai câu đó thì đội của bạn sẽ bị cấm trả lời câu tiếp theo. Nếu trong lúc vòng thi diễn ra, điện thoại của bạn reo và bạn muốn nghe máy, toàn đội sẽ bị treo nút bấm cho đến khi bạn nghe máy xong và nộp lại điện thoại. 

Phần thưởng của vòng thứ nhất: đội về nhất: 1 quyền cướp người - tác dụng kép: cướp người từ đội bạn hoặc bảo vệ người đội mình khỏi bị đội bạn tranh cướp, 1 quyền bảo toàn - bảo vệ đội mình khỏi bị đội bạn tranh cướp. Đội về nhì: 1 quyền bảo toàn. Đội về 3: 1 quyền nhặt phế liệu (sau vòng 1 đội về 3 sẽ có 2 quyền nhặt phế liệu). Các quyền sẽ mất khi dùng bất kể có thành công hay không. Các thành viên trong 3 đội top đầu mỗi người được thêm 1 chip.

Ví dụ: đội 1 muốn cướp người của đội 2, nhưng đội 2 dùng quyền bảo toàn thì coi như cả 2 đội đều mất quyền này và không có gì thay đổi. 

Các đội trước khi lên xe buýt phải bỏ lại 1 thành viên. Và các đội đi sau có quyền "nhặt" thành viên đó. Ví dụ đội 1 bỏ 1 thành viên, sau đó cả đội lên xe đi, đội 2 trước khi lên xe bỏ lại 1 thành viên, và quyết định nhặt thành viên của đội 1, lúc này đội 1 biết tin và nhặt thành viên bỏ lại của đội 2. 

Vòng thứ hai là vòng vận động nhóm, cả nhóm sẽ chạy vượt chướng ngại vật gồm chạy qua địa hình, nhảy qua xà, đu qua sào, chui qua lưới. Tất cả mọi thành viên về tới đích và ấn dấu tay thì tính là đội hoàn thành - không có quy định khác. Cuối vòng 2, trước khi lên xe buýt đến địa điểm vòng 3, mỗi đội vẫn phải bỏ lại một người. 

Phần thưởng vòng 2: đội về nhất - 2 phiếu "miễn loại hoặc loại kép" thành viên có tác dụng từ ngay khi nhận phiếu - có thể dùng phiếu để miễn loại và giữ nguyên đội hình để đi tiếp hoặc loại thêm 1-2 thành viên  ngoài thành viên ngoài thành viên bị loại trước khi lên xe. đội về nhì - 1 phiếu miễn loại hoặc loại kép. đội về 3 - 1 phiếu nhặt phế liệu. Các thành viên trong 3 đội top đầu mỗi người được thêm 1 chip.

Cuối vòng 2, ban tổ chức thông báo: 3 phiếu nhặt phế liệu có thể đổi thành 1 phiếu "miễn loại hoặc loại kép".

Vòng thứ ba là kéo co. Ban tổ chức sắp xếp 11 người đánh mã từ 2-12 theo thể trọng, từng thành viên trong đội sẽ tung 2 cục xí ngầu để chọn thành viên đội đối thủ. Ví dụ, 5 thành viên đội 1 lần lượt tung được các số 5-4-7-9-12 thì sẽ phải đấu với 5 người của ban tổ chức mang số thứ tự đó. Nếu lần kéo co thua, sẽ tung xí ngầu để thi đấu lại, cho đến khi thắng mới được qua vòng. 

Luật ngầm: nếu thả được số 1 (2 viên xí ngầu chồng lên nhau) thì coi như không có đối thủ, nếu 2 thành viên cùng thả được 1 số thì cũng coi như chỉ có 1 đối thủ. Ví dụ có 2 thành viên đội 1 thả được số 4, còn lại là 5-7-9, thì đội đối thủ cũng chỉ là 4-5-7-9. Không cấm chiêu trò khi kéo co.

Luật rất ngầm và chỉ có tác dụng một lần cho đến khi có người phát hiện ra: không quy định cách thả. Nghĩa là, bạn có thể đặt 2 viên xí ngầu lên nhau và "thả" nhẹ nhàng xuống, không nhất thiết phải làm cho xí ngầu rung lắc. Nhưng kẽ hở này chỉ áp dụng 1 lần dành cho ai tinh ý. Sau đó sẽ đổi luật về khoảng cách thả xí ngầu.

Phần thưởng vòng thứ 3 giống vòng thứ 2.

Cuối vòng 3, ban tổ chức cho biết: khi một đội còn 4 người, sẽ không bị buộc phải bỏ thành viên nữa - và cũng không được phát thêm chip nữa, phiếu miễn loại lúc này sẽ có duy nhất 1 tác dụng đó là loại người ra khỏi nhóm. 

Vòng thứ tư là vòng năng khiếu. Trong 100 hạng mục năng khiếu của ban tổ chức, chỉ cần đáp ứng được 1 cái là sẽ qua được vòng. 

Hạng mục bao gồm: 

1/ chơi nhạc cụ bất kỳ bài "Turkish March" - Mozart, 

2/ tưng bóng bằng chân liên tục 100 cái không rớt, 

3/ ném rổ 3 điểm liên tục 20 quả, 

4/ nhảy dây 200 cái trong vòng 1 phút, 

5/ đọc thuộc lòng bài thơ Thần Khúc của Dante, 

6/ dịch câu bất kỳ sang 5 thứ tiếng không được dùng phần mềm dịch thuật, 

7/ chơi cờ vua thắng máy tính

8/ chơi cờ tướng thắng máy tính

9/ chơi cờ vây thắng máy tính

10/ chơi cờ ca rô thắng máy tính

11/ ...

Phần thưởng vòng thứ 4 giống vòng thứ 1.

Vòng thứ năm là vòng thi cân nặng. Tương tự như vòng thi kéo co, mỗi thành viên trong đội tung xí ngầu để chọn trong nhóm những người ban tổ chức sắp xếp (có số kí lô từ 20-100kg), chọn làm sao tổng số kí lô của đội mình vượt lên trên số kí lô của nhóm đối thủ là được qua vòng.

Vòng thứ sáu là vòng thi cân nặng. Tương tự như vòng thi thứ năm, tuy nhiên, tiêu chuẩn qua vòng là tổng số kí lô của đội nhẹ hơn tổng số kí lô của đối thủ.

Vòng thi thứ bảy - vòng cuối cùng có tên là vòng Nhân Quả hay là Ngày Phán Xét. Về cơ bản lúc này đã xác định được 3 đội đến trước nhất. Toàn bộ người chơi sẽ tập trung ở địa điểm chơi - lúc này toàn bộ những người chơi không thuộc 3 đội về trước tiên đều thuộc về bãi phế liệu, và họ tiến hành bỏ phiếu cho đội mà họ cho là xứng đáng được giải nhất - giải nhì - giải ba trong 3 đội. Đội nhiều phiếu nhất sẽ chiến thắng, bất kể đến trước hay đến sau. Các đội sẽ phát biểu lý do tại sao bạn-nên-bầu-cho-tôi.

Vẫn được sử dụng các loại phiếu như Bảo Vệ, Cướp Người, Nhặt Phế Liệu, Loại Trừ trong vòng thứ bảy. Nghĩa là vẫn có thể thay đổi số thành viên trong vòng thứ bảy. 

Tổng số giải thưởng: 1 tỷ, 600 triệu, 200 triệu. Tổng số chip phát ra: tối đa (nếu tất cả phế liệu đều được nhặt): 640 chip - 320 triệu. 

3/17/2021

17.3.2021

Lúc mình viết những dòng này, mình quyết định bỏ Youtube. Bởi vì, ít nhất trong mắt mình, Youtube đã thành một bãi rác, càng ngày càng thúi. Những video không có giá trị gì ngoại trừ việc làm bằng chứng cho "sự thặng dư của cải quá mức dẫn đến việc đầu óc thừa mức sức lực để nghĩ ra và muốn có những thứ tào lao bí đao, hay nói cách khác là dư dả sinh dâm dật". 

Phải nhắc đến 1984. Một cuốn truyện không dễ đọc, chí ít là so với những bộ truyện online thừa biết vớ vẩn nhưng vẫn gây nghiện vì đã tạo ra những nhân vật sống cuộc đời mà mình luôn muốn sống nhưng không thể sống. Nhưng 1984 gây ám ảnh. 1984 tạo ra một loại tư tưởng, hay nói đúng hơn, mượn lời của Gus trong The Fault in Our Stars, những suy nghĩ đó vốn đã có sẵn trong đầu mình rồi và chúng rời rạc như những ngôi sao đơn lẻ, còn George Owell thì quá đủ xuất sắc để kết lại thành chòm sao. Những tư tưởng được viết rõ ràng, ra hình ra dạng. 

Mình nghĩ đến sự vĩ đại của một tác phẩm, khi mà cả trăm năm trước nó được viết ra, và vẫn đúng cho tới nghìn năm triệu năm sau. Bởi vì nó khái quát cái bản chất cốt lõi nhất của cuộc đời. Thí dụ như Ayn Rand khái quát 4 loại người trong The Fountainhead - nó vĩnh viễn đúng. Thí dụ như cái cách George Owell khái quát sự vận hành của chính trị và xã hội. (Ví dụ như, 3 tầng lớp vĩnh cửu trong xã hội là Thượng Lưu - Trung Lưu và Hạ Lưu, trong đó, mục đích của Thượng Lưu là giữ vững tình trạng xã hội, mục đích của Trung Lưu là chiếm lấy vị trí của Thượng Lưu, và mục đích của Hạ Lưu - nếu có, là tạo ra một xã hội mà mọi người đều ngang bằng với nhau. Ví dụ như, chiến tranh được tạo ra không ngoài mục đích giảm vật chất và của cải trong xã hội, nhằm giữ vững trật tự của chính xã hội đó.) 

Đọc xong 1984, mình thường xuyên suy nghĩ về sự điên rồ và phi lý cùng cực của xã hội hiện tại. Những kẻ thực sự tạo nên sản phẩm bị xếp chót trong xã hội và không mua nổi sản phẩm chính mình tạo ra. Thợ xây không mua nổi nhà, thợ may không mua nổi quần áo hiệu. Nhưng hãy nhìn xem những ai mua nổi những thứ đó. Dễ nhìn thấy nhất - chính là tầng lớp con hát, từ diễn viên đến ca sĩ đến hài sĩ đến người mẫu hoa hậu đến hot girl đến gái-gọi. Họ chẳng làm ra cái gì có tác dụng thực-sự cho những nhu cầu thiết yếu bản năng của con người cả. Sự thặng dư vật chất đã khiến những nhu cầu đó trở nên dư thừa tới mức tra tấn rồi. Hãy nghĩ về những buổi chiều lướt điện thoại - giữa muôn trùng hàng quán vẫn không chọn nổi một món mình muốn ăn, sự thừa mứa đó tuyệt đối không phải là hạnh phúc, mà là tra tấn. 

Mình cũng chẳng tin là có ngày mình sẽ phát biểu cái câu vô lý này đâu, nhưng mà: sự dư dả về vật chất dù bạn có cảm nhận được nó hay không cũng là một sự tra tấn khủng khiếp mà bạn đang gánh chịu hàng ngày. Nhưng chúng ta không ý thức được điều cần phải làm là loại bỏ sự dư dả đó, chúng ta cảm thấy điều đó quá nực cười, vì chúng ta tưởng mình đang hạnh-phúc. Khi bạn ăn một thứ vì thèm nhiều hơn là vì đói - bạn đã dẫm bước chân đầu tiên trên con đường xuống địa ngục ăn uống rồi. Bước tiếp theo sẽ là, ăn vì buồn miệng quá. Bước tiếp theo sẽ là, ăn vì tò mò. Và sẽ còn những bước nữa, càng ngày càng nhấn chìm bạn trong bể khổ. Khổ, không phải sướng.

Sự tồn tại của những item thời trang vớ vẩn cũng vậy. Khi "hot item" là một thứ áo len nhưng phải khoét thật nhiều để lộ cho bằng được bộ ngực của nữ giới ra ngoài, hay cái quần jean dài bị xé rách tan nát để lộ phần đùi trắng nõn, và đôi giầy rõ ràng là mới nhưng trông cứ như dính bẩn dơ hầy, thì bạn nên nghe người già trong nhà đi, điều thực sự nên làm là chau mày lại và bảo "cái thứ gì..." chứ không phải chạy đi mua ngay cho hot. Vì nó vô lý. Sự vô lý đến từ việc thế giới này thừa mứa vải vóc tới mức điên rồ luôn rồi. Điên tới mức cho họ không bán vải nữa, mà họ cố bán cho nhau sự vô lý được mệnh danh là "hot" là "trend", là "cá tính", và dán cho nó vô số những mỹ danh như "nữ quyền" (được lộ ngực giữa trời đông băng giá), "cảm thông cho người lao động" (mang giầy dơ quần rách trị giá vài chục triệu để cosplay bản thân thành người nghèo).

Ôi, xàm c! thật sự.

Nhưng sự thừa mức vật chất có là gì đâu so với sự thừa mứa tinh thần. Hay nói đúng hơn, sự thừa mứa tinh thần chính là đứa con ruột thịt, là genZ của sự thừa mức vật chất. Facebook với hàng loạt tin tức xếp chồng lên nhau, cố mà giành cho được sự chú ý của người đọc bằng mọi chiêu trò. Các show tạp kỹ càng ngày càng tạp, mở lên chủ yếu để trong nhà có âm thanh con người. Các bản tin tức thay vì đưa tin chính thống và thực sự quan trọng thì càng ngày càng ngả theo chiều hướng đưa tin giựt gân để kéo view. Bạn nhận ra bạn đang đi nhanh quá, không phải vì bạn đang thực sự đi nhanh, mà là bạn không còn đủ 3 phút kiên nhẫn để xem cho hết một cái video trên facebook, hay đọc cho hết một bài báo trên facebook, thay vì chỉ đọc tựa và tua nhanh thật nhanh. FOMO - nhưng Fear cái gì? Có cái gì để Fear đâu? 

Lại nói về sự thừa mứa tinh thần. Lấy nghề ca sĩ ra làm ví dụ. Tại sao lại có hiện tượng "cày-view"? View để làm gì? Để được "công nhận" bởi một cái nền tảng xã hội mà mục đích của nó là để giải trí. Nghĩa là, nó vốn được tạo ra để phục vụ cho bạn, giờ bạn làm việc quần quật ngày đêm để được sự công nhận cho của nó - mà sự công nhận đó còn không phải dành cho bạn, mà cho idol của bạn. Và bạn lấy niềm vui từ đó. Có cảm thấy bản thân đang dư dả sinh dâm dật không? 

Youtube giống y như Grab. Chẳng qua Grab đụng tới vật chất nên người ta nhận ra nhanh chóng rằng mình đã bị lợi dụng. Còn Youtube thì đụng tới tinh thần, cho nên chắc khi con người nhận ra họ bị lợi dụng cũng là lúc xã hội loài người bị diệt vong. Cái gọi là "giành giựt thị phần" luôn là một evil plan. Bước một, offer thật nhiều thật nhiều những lợi ích - thí dụ như Grab thì khách hàng phải trả giá thấp - còn tài xế thì có thu nhập cao - phần chênh lệch ư, Grab chúng tôi chịu hết. Đến khi giành được thị phần - aka có được sự phụ thuộc của người dùng - aka giết hết tất cả những hình thức thay thế, thì quyền lực trở lại vô tay Grab - tăng giá di chuyển, giảm thu nhập tài xế, bạn phải cắn răng chịu thôi vì bạn còn đường nào khác để đi đâu - cứ để bộ máy này tự vận hành và nhà sáng lập ngồi không vẫn có tiền. Nhưng vì Grab liên quan trực tiếp tới tiền, nên cái evil plan này nó quá rõ ràng và khá nguy hiểm. 

Nhưng Youtube thì khác, Youtube không có đánh vô lợi ích bề mặt là tiền, nó đánh vô thứ khác, vốn là thứ giá trị cao nhất trong cuộc đời này, nhưng ít ai nhận ra - "thời gian". Mình thừa nhận bản thân không đủ kiến thức và khả năng diễn đạt để phân tích sự evil của Youtube. Nhưng mình tin tưởng trực giác của bản thân, rằng Youtube hiện tại giống như một cái hố lửa. Mà đứa bị đốt nhiều nhất là tầng lớp Hạ Lưu chúng ta. Đúng, chúng ta là Hạ Lưu. Đ* phải Trung Lưu đâu, Trung Lưu là đám đang lăm le giựt ghế của bọn Thượng Lưu, hoặc - đang kết hợp chặt chẽ với bọn Thượng Lưu, bù lại bọn Thượng Lưu sẽ chia cho chúng một số lợi ích thực sự kìa. Khi bạn không nghĩ tới việc giựt ghế của ai cả, thì bạn là Hạ Lưu. Thường thì bọn Hạ Lưu sẽ cày cật lực để đưa bọn Trung Lưu đến gần hơn với đám Thượng Lưu, nhưng chúng ta không biết điều đó. Bởi vì bọn Trung Lưu luôn rất khôn khéo. Bọn chúng luôn có cách để thao túng đầu óc ngu si của chúng ta, thí dụ như "chiến đấu vì Tổ quốc" (và mang thật nhiều dầu mỏ về cho bọn tao, bù lại bọn tao sẽ chia cho tụi mày một ít tiền và một tấm mề đay), thí dụ như "cày view cho idol được Youtube công nhận" (và bọn tao sẽ cho chúng mày "cảm hứng" khi nhìn thấy bọn tao chăm chỉ tập nhảy tập hát sửa sang sắc đẹp và mớ "tự hào" ảo ăn ké fame của tụi tao)... "hãy sống nhanh lên vì thời gian không chờ ai cả" (bỏ sức ra làm việc 12 tiếng một ngày đi và bọn tao sẽ công nhận mày là người trẻ chăm chỉ), "hãy sống chậm lại và thật thư thái (bỏ hết mớ quần áo cũ đi và mua một cái áo phông trắng có giá bằng toàn bộ tủ đồ cũ cộng lại đi - nó thật thư thái, à, và nhớ mua sách đọc để biết làm sao sống chậm lại nhé).

Nhưng nếu chúng ta không làm những điều đó thì chúng ta sẽ sử dụng thời gian vào việc gì? So ra, việc đọc một cuốn sách gây khủng hoảng đầu óc bằng tư tưởng và việc lên youtube ngồi coi idol nhảy múa hay đọc mấy bản tin xàm xí ngắm trai 6 múi, chúng đều chẳng có ý nghĩa quái gì với cuộc sống của chúng ta cả. Dĩ nhiên, chúng ta có thể đi học trồng lúa - học đánh cá - học săn bắt, đào sẵn cái hầm, hay bất kỳ chuyện gì có ý nghĩa cho sự sinh tồn của chúng ta để phòng trường hợp trái đất rơi vào thời kỳ diệt vong và chúng ta phải struggle để tồn tại. 

Nhưng nói cho cùng, cuộc đời cũng đâu có đáng sống dữ vậy. Thí dụ như xảy ra sóng thần hay trái đất nứt ra một đường hay thiên thạch va vào trái đất thì, ăn cho no rồi đợi cái chết tới không phải dễ chịu hơn sao?

Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis