9/17/2018

Tìm một chỗ để khóc ròng...

Từ hôm sinh nhật tới giờ, chẳng có chuyện gì vui vẻ.

Sinh nhật thất bại quá, đến nỗi mình nghĩ, năm sau mình sẽ không ở đây mừng sinh nhật gì nữa cả, mình tìm một cái tour du lịch xa xa rồi đi một mình cho qua sinh nhật khổ sở.

Sau đấy thì ế dài dài. Tháng 9 thật là khốn khổ khốn nạn. Tiền chi ra thì nhiều mà tiền vô thì không bao nhiêu. À, hầu như là chẳng thấy vô luôn. Mình kiểu, buồn hiu hắt.

Mặt nổi mấy cái mụn. Mình bắt chước người ta chỉ, đi xem face map xem nổi mụn ở đâu là dấu hiệu gì. Sau đó thì nghe một loạt lời khuyên dạng như ăn nhiều rau và trái cây, uống nhiều nước lọc, và hãy sống thanh thản đừng có stress nữa.

Làm như mình muốn ấy.

Thôi thì cho là rau xanh và trái cây ráng ngốn cũng được. Thôi thì cho là cái thứ nước lọc lạt nhách đó ráng nốc cũng được. Nhưng làm sao sống thanh thản không stress đây? Stress với mình cũng như cơn rối loạn hooc môn với nữ giới - mối quan hệ thân thiết có tên là "Chạy trời không khỏi nắng". Nó tồn tại như một điều hiển nhiên, ngày nào còn sống là còn stress, còn căng thẳng, còn lo lắng. Quá nửa tháng rồi chưa đủ tiền đóng ngân hàng - ai lo? Tiền tháng này chẳng đủ tiết kiệm dưỡng già - ai lo? Không dư thì tiền đâu mua thuốc mua đồ trả tiền du lịch cho ba mẹ - ai lo?

Rồi những lúc lo như vậy, mình lại nghĩ về tương lai mà ứa nước mắt. Vấn đề thì cứ ập tới ập tới. Giống như hồi đó mình đã từng tiên đoán, rằng đừng có vui vẻ khi cho rằng mọi chuyện đã kết thúc từ khi thi xong đại học, vì, ác mộng chỉ mới bắt đầu thôi.

Cuộc đời thật là khủng khiếp.

Mẹ cứ nói về việc, sao cùng tuổi mà bạn mẹ tung tăng đi ăn đi chơi, sáng thứ 2 vui lên có thể hẹn hò cà phê khỏi cần lo làm, còn mẹ phải vục đầu làm hoài? Ba thì không nói, nhưng bạn bè ba xung quanh thấy toàn nhong nhỏng đi chơi, chẳng ai phải hùng hục làm việc như ba.

Làm con cái, mình nhìn cảnh đó rồi nghĩ sao chứ. Vậy mà bảo sống không lo, không stress. Sao mà làm được? Ai làm được thì hay quá rồi.

Được cái, những lúc như thế này, thì mình không có sợ chết nữa. Mình nghĩ đó là một loại giải thoát. Chết là hết, không cần trách nhiệm, không cần lo lắng, không cần mệt mỏi như vầy nữa. ...

9/12/2018

Hình dạng của thời gian

Lúc trước, có một lần tôi đọc đâu đó trong tạp chí rằng đo độ lão hóa của da, hãy dùng 2 ngón tay, kéo lớp da ở phần mu bàn tay lên một tí rồi thả ra, và đo thời gian để mà da trở về trạng thái ban đầu. Tôi đã cảm thấy điều này vớ vẩn, vì da tôi gần như chẳng mất tích tắc nào đã quay lại trạng thái ban đầu rồi, da mẹ tôi cũng vậy. Đến khi tôi kéo da tay bà ngoại, tôi chờ mãi mấy giây mới thấy cái nếp đó biến mất, thì hiểu ra. 

Bà ngoại lẫn rồi. Vừa lẫn trí, lại vừa lãng tai. Lại hay bị mệt, thậm chí đi tè một chuyến vô cũng mệt, đi ị xong thì chân tay run rẩy cả, không thích ăn uống gì hết. Mỗi bữa phải vừa dọa vừa dụ thì mới chịu ăn. Hôm qua tôi về ngoại, thì biết chuyện dì ba ra ngoại ở mấy bữa, mà ngoại không nhận ra đó là con mình, cứ tưởng bà nào bỏ chồng bỏ con tới nhà mình ở. Mẹ tôi nghe mà khóc. 

Tôi biết tại sao mẹ khóc. 

Mẹ hay kể, hồi đó ngoại khó tính lắm. Rửa chén xong mà cái chén cái dĩa để sai chỗ cũng bị mắng bị đánh. Mẹ nói nhà đông con quá, nên sai kỷ luật dù chỉ một chút, mỗi đứa một chút thì cũng đủ để cái nhà loạn xạ xì ngầu rồi, nên ngoại khó. 

Giờ ngoại hết khó rồi. Ngoại không còn đủ sức mà khó nữa. Giống như câu chuyện mà khi người mẹ đánh con, đứa con vốn lì lợm chưa bao giờ khóc giờ lại bật khóc. Không phải vì mẹ nó đánh đau, mà vì mẹ nó đánh đã không còn đau nữa.

Cả 90 năm cuộc đời, giống như một tấm chăn dày, đắp lên người ngoại. Hôm nào đủ sức, ngoại vén tấm chăn đó, ngồi dậy cười nói với con cháu. Hôm nào không đủ sức, ngoại nằm, im lặng trở mình, mặc cho chúng tôi cười nói kế bên. Tôi không biết trong cái sự im lặng trở mình của ngoại là cái gì, ngoại đã nghĩ gì, ngoại có nghe chúng tôi đang cười nói? 

Gần đây, dì năm mua cái trứng vịt lộn, trong đó có một trứng nở ra thành con vịt, thấy hài hài, đem cho ngoại nuôi. Ngoại cưng con vịt lắm. Ngoại nói con vịt khôn lắm, cái gì cũng ăn. Mẹ tôi chọc ngoại, nói ngoại cho con nghe. Ngoại nói, "gì? bậy, sao cho được." Nhà dì năm vốn đã gần giống cái sở thú với 5 con chó và rất nhiều gà, giờ có thêm một con vịt con nhỏ xíu lông vàng. 

Cơm áo gạo tiền. Và những ngông cuồng của tuổi trẻ. Làm cho tôi không sợ chết. Tôi đã rất nhiều lần nghĩ về cái chết. Và đôi lần tôi thực sự nghĩ rằng mình sẽ chết. Bằng cách này hay cách khác. Nhưng tôi chưa từng nghĩ về việc mình sẽ già đi như thế nào, hoặc có thì lối nghĩ cũng qua loa cho xong. Tôi luôn cho rằng cuộc đời mình sẽ kết thúc trước khi mình kịp già đi. Hoặc giả nếu lỡ xui quá phải chết già, thì trước đó tôi cũng sẽ ở trong một viện dưỡng lão, cùng với những người cùng độ tuổi như tôi... 

Tôi lại nghĩ về những thứ công nghệ, như máy bay và điện thoại di động - thứ mà ngoại tôi chưa bao giờ có thể trải nghiệm. Những thứ công nghệ này chẳng có ý nghĩa gì với ngoại. Nơi xa nhất mà ngoại từng được đi, chắc là Khánh Hòa, nơi dì hai tôi đã bỏ đi và lấy chồng. Thứ công nghệ mới nhất mà ngoại biết chắc là tivi, nơi có những vở cải lương - mà giờ đã càng ngày càng ít. 

Mỗi lần nhìn những nếp nhăn trên da ngoại, thì tôi lại nghĩ nhiều về thời gian, nghĩ rất nhiều về thời gian và cái cách mà chúng ta thể hiện sự bất lực của mình với nó. Chúng ta cố chống lại thời gian bằng nhiều cách, như kem dưỡng da, như chế độ ăn uống, hoặc như những nghiên cứu cố gắng kéo dài tuổi thọ của con người. Nhưng càng cố chống thì chúng ta càng thể hiện là mình bất lực. Bởi vì cái chúng ta có thể kéo dài, rốt cuộc, là một ít tuổi thọ và vài dấu hiệu tuổi xuân. Sự bất tử cách chúng đúng bằng khoảng cách tạo ra bởi vận tốc ánh sáng và mức nhanh nhất mà chúng ta có thể di chuyển. Khoảng cách vô tận và không thể tiêu trừ. 

Và chính chúng ta cũng đang tự kéo dài khoảng cách đó. 

Khoảng cách giữa ngoại tôi và smartphone cũng giống như khoảng cách giữa tôi và cải lương. Ngoại không thèm hiểu thứ be bé mà chúng tôi suốt ngày cúi đầu nhìn, cũng như chúng tôi không hiểu thứ nhạc chậm chạp và sến súa mà ngoại đã xem. Tôi nghĩ, đến lúc tôi cũng già như ngoại, thì cải lương của tôi và smartphone của giới trẻ sẽ là cái gì? Tôi hướng dẫn cho ba mẹ cách sử dụng facebook. Mẹ cứ quên mãi cách post hình. Chỉ lại, rồi lại quên. Mỗi lần hỏi lại thấy mẹ lại ngại ngại. Những cái nút ấn, những thao tác đối với tôi quá dễ để dung nạp và ghi nhớ, lại là một mớ bòng bong mẹ quên suốt. Tôi nghĩ nhiều, mai mốt tới lượt tôi, sẽ là cái gì. Cái gì là quá dễ quá đơn giản với giới trẻ, nhưng lại là bài toán giải không ra với tôi? 

Tôi cảm thấy mình đã bắt đầu có dấu hiệu của sự lười tiếp thu. Tôi không muốn chơi một game mới. Tôi không muốn bắt đầu đọc một truyện mới. Tôi ưa thích những thứ cũ kỹ mà mình đã quá quen thuộc. Tôi nghĩ, đó chính xác là cái cách mà thời gian bắt đầu đắp mền chúng ta. Chúng ta không đủ sức để cứ chạy theo mãi những thứ mới mẻ, trong khi chúng là vô tận. Chúng giống như những đợt sóng biển, không bao giờ ngừng. Khi còn nhỏ, chúng ta hào hứng trước mỗi đợt sóng, chúng ta bày đủ trò với nó. Đến khi lớn dần, chúng ta quen với mỗi đợt sóng, đón nhận bình thản và đôi khi thờ ơ. Và đến một lúc nào đó, chúng ta mệt mỏi. Những con sóng trở nên quá sức với sự tiếp nhận của chúng ta, chúng ta đón nhận đau đớn, và đôi khi chạy trốn. 

Tôi lại nhớ Edge of Tomorrow. Khi anh ấy phải gánh ký ức của cả hai, còn cô ấy thì chỉ nhớ mỗi một ngày. Tôi nghĩ về dì ba, lúc ngoại không nhận ra dì, dì cảm thấy như thế nào. Lúc mẹ mình không nhận ra mình nữa, thì một con người sẽ có cảm giác ra sao. Tôi nghĩ về con Chích Bông, nó đã ở bên chúng tôi khi chưa biết đi, chưa biết nói. Tôi sẽ nhớ mãi lần đầu tiên bế nó, lúc đấy tôi đang cầm 2 cái bịch đồ trên 2 tay, bà ngoại nó xốc nách ném nó ra cho tôi, tôi không nghĩ nó sẽ chịu để người lạ cho tôi bế nên chỉ cười cười bảo "cô đang xách đồ", thì nó mếu, nó thấy tôi không chịu bế nó, nó mếu. Từ lần đấy, nó chạy qua nhà chúng tôi chơi như họ hàng thân thiết, thậm chí ham chơi tới mức không chịu về. Nó tè khắp nhà, hễ thấy nó đứng im im mặt mũi nghiêm trọng là thôi rồi... đành phải xốc nách nó về trả bà ngoại nó rồi đi lau nhà. Tôi nhớ lần bỏ nó vào cái giỏ phơi đồ rồi kéo nó chạy. Tôi nhớ lần nó giỡn nhây quá không chịu về, chúng tôi gài bẫy cho nó lên xe đạp rồi đẩy một phát cho nó vào thẳng nhà nó. Tôi nhớ những lần đi làm về mệt quá mà nó cứ bám víu đòi chơi, tôi bèn nhét cho nó cục kẹo và bảo nó về kêu bà ngoại lột cho ăn, đôi khi nó hiểu, nó đi về luôn, đôi khi nó không hiểu, ăn xong nó lại chạy qua đập cửa. Có lần nó bị bệnh, mặt khờ khờ, tôi tội quá, bế nó xuống sảnh cho nó chơi, nó mệt quá không chạy chơi như thường, mà ngồi im trong lòng tôi, cứ ngồi im như thế. Rồi có những lần tôi bế nó ném lên cao cho nó đụng cái bảng Exit xanh xanh rồi cười nắc nẻ. 

Những ký ức đó, chỉ có tôi nhớ, nó không nhớ. Tôi là người giữ giùm nó những kí ức đó. Cũng như mẹ là người giữ giùm tôi những kí ức như chiều chiều ba về, tôi lũn cũn chạy ra đón ba. Như tôi đi học mẫu giáo bị cô giáo cho mặc cái quần một ống thành cái váy. Hay chuyện tôi đi học được một bữa, ngoại đi rước về vừa đi vừa khóc xong cho tôi ở nhà luôn, khỏi đi học nữa. 

Những ký ức đó, chỉ có mẹ tôi nhớ, tôi không nhớ. 

Vậy thì sẽ có những kí ức của mẹ tôi mà chỉ có bà ngoại tôi nhớ, mẹ tôi không nhớ. Có những kí ức của dì ba mà dì ba không nhớ, chỉ có ngoại nhớ. Nếu ngoại không nhớ nữa, những kí ức đó, những năm tháng đó, sẽ như là chưa từng tồn tại. Một điều rõ ràng đã xảy ra, rõ ràng đã tồn tại. Vậy mà không ai nhớ tới nữa, thì có phải quá đau lòng không? Khoa học dù có tiến bộ đến bao nhiêu, những cái thẻ nhớ dù có mạnh tới bao nhiêu, rộng tới bao nhiêu, cũng chẳng thể ngăn cản điều đó xảy ra. Bức ảnh dù rõ ràng đến mức nào, cũng sẽ không ghi lại được cái mặt khờ khờ của con Bông bị bệnh, cái cảnh tôi mặc quần thành váy, hay mẹ tôi và dì ba - một năm tháng xưa cũ nào đó, đỏ hỏn nằm trong vòng tay bà ngoại... 

Nếu bê tông có nước mắt, tôi nghĩ là nó sẽ khóc thật nhiều cho những điều đó. 
Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis