"Có cái gì đó bình an trong sự im lặng của những cuốn sách, sự sẵn lòng chờ đợi hàng năm, thậm chí hàng chục năm của chúng để gặp được một người bước tới và rút chúng ra khỏi nơi chúng được đặt vào. Những cuốn sách thì thầm với tôi bằng một giọng mơ hồ: Cứ thư thả. Chúng tôi nào có đi đâu."
-Trí Tuệ Giả Tạo-
Hôm trước, tôi gặp Fu và anh Â. Chúng tôi đã nói về cụm từ "báo lá cải". Gọi là cãi nhau hay tranh luận thì không đúng, vì bởi vì Fu là một cái radio, chỉ phát sóng lại tư tưởng của người khác. Fu bảo: các anh cứ gọi báo là "báo lá cải", rằng đăng tin xàm láp, vô bổ, ngôn từ trần trụi không trau chuốt, nhưng các anh toàn click vào các bài đó. Một tờ báo cần view để sống, cho nên người ta phải như thế. Còn xào bài ư? Anh có biết mỗi ngày một tờ báo phải thay hơn 20 bài, làm sao mà người ta viết nổi, nên xào bài là lẽ đương nhiên. Huống hồ, những bài xào lại lại có view cao hơn hẳn những bài có đầu tư. Vậy thì anh định nghĩa đi, cái gì gọi là lá cải, cái gì gọi là chính thống? Cũng là công sức của người ta bỏ ra đấy thôi.
Cãi như vậy thì làm sao mà cãi được. Vì tôi và anh  có click vào những cái link đó đâu, có coi những tờ báo đó đâu. Chúng tôi không thuộc thành phần đóng góp vào view đấy, nhưng Fu cứ khăng khăng rằng chúng tôi cũng thuộc thành phần đó, và vì thế nên chúng tôi phải hiểu rằng đó là điều mà các báo mạng phải làm và chúng tôi KHÔNG ĐƯỢC coi thường những "công sức" ấy.
Tôi CÓ biết các thông tin về người nào đấy nổi tiếng chửi công an, nhưng chỉ biết thông qua cái tựa báo mà các followee của tôi share cùng nhận định của họ. Hiếm khi tôi click vào những link đó. Tôi CỐ GẮNG từ chối những thông tin kiểu đó để cho não mình có khoảng trống mà nhét vào những thứ có ích hơn.
Đó là cả một CỐ GẮNG. Vì việc đó là vô cùng khó khăn.
Tại sao những thông tin như vậy lại có view cao? Xét theo khía cạnh tâm lý con người thì đơn giản lắm, vì nó ru ngủ họ trên cảm giác thành công giả tạo: họ là người nổi tiếng mà cũng như thế, mình phạm tí lỗi lầm thì có làm sao. Lý do cũng giống như việc người ta thích đọc về cung Hoàng Đạo: vì nó mang lại cho người ta cảm giác mình là người đặc biệt. Não bộ chúng ta hoạt động theo một cách thức tức cười lắm: chúng ta tự lọc lấy những thông tin mình muốn thấy và phớt lờ đi toàn bộ phần mình không muốn thấy. Một bài viết về tấm gương nghèo vượt khó luôn ít view hơn một bài viết về trái cây Trung Quốc tẩm độc hay người mẫu nào đó lộ chuyện gia đình tan vỡ.
Tôi đọc một post về chuyện gia đình của một người nổi tiếng (tôi biết tên anh ta, nhưng anh ta nổi tiếng về cái gì thì tôi hoàn toàn không có khái niệm), đọc cái tựa là đủ để biết bài viết nói về cái gì rồi nên chẳng cần click vào link để làm gì, tôi click vào xem comment, và buồn cười nhất là hết 80% comment có chung một nội dung: tôi không quan tâm đến cái tin này! Tôi buồn cười quá, like they care! Admin của FP đó không quan tâm bạn comment cái gì, và FB cũng không đủ chuyên môn để đánh giá một bài viết thông qua nội dung của comment. Đánh giá của FB là một sản phẩm thông minh nhân tạo nửa vời đánh giá mọi thứ thông qua SỐ LƯỢNG thay vì CHẤT LƯỢNG. Một bài post có 100 cái comment với nội dung "vớ vẩn", "tôi không quan tâm", "nhảm nhí"... vẫn được đánh giá là tốt hơn và sẽ có độ reach cao hơn một bài post có 5 comment với nội dung siêu chất lượng, có tính nhân văn với ngôn từ trau chuốt và kiến thức sâu sắc. Vậy thì tại sao khi không quan tâm, người ta không làm chuyện đơn giản là scroll qua? Vì người ta thích thể hiện quan điểm. Ai cũng thèm nói, và thèm được người khác đánh giá tốt về mình thông qua những gì mình nói, đồng tình với những gì mình nói, và người ta còn thèm làm tồn thương người khác vì những gì mình nói nữa.
Chưa bao giờ việc chà đạp lên nhau lại trở nên dễ dàng như trong thời đại này. Trước đây, họ chỉ vào một cuốn sách dở và bảo nhau rằng đừng mua cuốn sách đó. Bây giờ, họ chỉ vào một cuốn sách dở và dè bỉu cười cợt tác giả từ tài năng đến cả nhan sắc của cô ấy. Não chúng ta dành để xử lý những thông tin theo kiểu "cư dân mạng hốt hoảng vì một cô gái xấu xí lại có quá nhiều người theo đuổi - theo những câu truyện mà cô ta viết trong cuốn bút ký của cô ấy" hơn là việc cuốn sách ấy dở ở chỗ nào. Chúng ta dành quá nhiều không gian não cho việc người nổi tiếng này nói là cái váy màu đen-xanh trong khi người nổi tiếng tiếng nói là cái váy màu trắng-vàng thay vì lý do thực sự tại sao não chúng ta phiên dịch khác nhau như thế. Não quá bận rộn để ghi nhớ rằng người nổi tiếng này đâm xe vào đâu, nên chẳng cần bận tâm xem khí quyển Trái Đất có bao nhiêu tầng.
Nhưng làm sao mà trách chúng ta được, khi những người chúng ta gặp hằng ngày thích nói về vụ ly dị của người nổi tiếng hơn là tim người có mấy ngăn và chức năng của chúng là gì. Người ta chuyển chủ đề ngay lập tức hoặc ừ hử cho qua khi bạn nói về cấu trúc của não, nhưng sẵn sàng tham gia tranh luận và đóng góp ý kiến về chương trình truyền hình hôm qua. Dần dần, Internet gom cục chúng ta lại, biến nhiều luồng tư tưởng thành một tư tưởng, nhiều sở thích thành một sở thích, nhiều quan điểm thành một quan điểm, biến rất nhiều loại tính cách thành một tính cách. Công nghệ trở thành sự đào thải tàn khốc nhất loại bỏ các tính cách và quan điểm khác biệt. Chúng ta từ chối hiểu và tôn trọng nhau, chúng ta thích chỉ trích và đả phá nhiều hơn là làm ra giải pháp. Và trong vô thức, chúng ta lặp lại những lời người khác nói, đem những quan điểm mà chúng ta đọc được và cho là đấy là quan điểm của mình.
[còn nữa, nhưng mệt rồi]
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Mei. Powered by Blogger.
0 comments:
Post a Comment