Vô tình sáng nay đọc được câu "Xin lỗi cũng phải có cái duyên của xin lỗi".
Ngẫm kỹ thì thấy thật là chí lý.
Đầu tiên, nếu thực sự muốn xin lỗi thì phải xuất phát từ lòng thành là mình đã nhận được lỗi của mình. Nếu không thì thôi, khỏi cần xin lỗi (trừ trường hợp bị bắt ép), chứ nếu vẫn khăng khăng đó là lỗi của người khác mà ta đây (ném ra một lời) xin lỗi cho cao thượng thì ... thà không xin lỗi còn hơn.
Ví dụ: nhớ lại, mình đã từng post 1 cái entry dài lê thể nhảm cực kỳ về cái vụ gì mà không có bạn này kia kia nọ, gì mà cứ "tiên trách kỷ hậu trách nhân", nhưng phải tội, ném ra chỉ để bàn dân thiên hạ họ thấy mà an ủi, động viên. Thiệt là tức cười quá xá! May là dẹp blog dẹp luôn cái bài đó rồi.
Thứ hai, nhiều lời xin lỗi hay thú tội gì đó nghe chướng tai không chịu nổi. Cái đó xuất phát từ tính tự ái cao mà ra. Vốn đã biết mình có lỗi, nhưng lại cố tình làm ra vẻ mình không có lỗi, và ném thẳng vào mặt người ta cái lời xin lỗi cứng như cục đá, dễ làm vỡ cả sọ người ta! Cho nên cái cung cách nói lời xin lỗi cũng cực kỳ quan trọng, chí ít là biết nhún nhịn trong lời nói 1 tí, và khi đã xin lỗi thì phải tiếp thu ý kiến, chứ không phải chỉ với cái ý nghĩ là nói cho xong chuyện.
Thứ ba, có nhiều người nói tiếng "xin lỗi" chỉ để đối phương cảm thấy có lỗi trong chuyện đó. Như bà chị mình quát thét vào mặt ông anh rể: xin lỗi vì đã làm phiền anh! Nói xong câu đó òa lên khóc nức nở rồi te te chạy về nhà mẹ ở, đợi ông kia qua năn nỉ mới về. Mình mà là ổng, chắc mình bỏ bả luôn rồi. Sai thì xin lỗi, làm gì mà nhõng nhẽo thấy ... nổi da gà vậy!
Nói túm lại, xin lỗi là cả một nghệ thuật, và những người xin lỗi nói cho cùng vẫn là những nghệ sĩ tài ba nhất, vì bảo đảm, hiếm có người nào nói ra một tiếng xin lỗi mà làm cho đối phương hài lòng lắm!
11/26/2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Mei. Powered by Blogger.
0 comments:
Post a Comment