Gaara bảo rằng (đại khái như vầy): người ta sẵn sàng bán mạng cho chủ của mình, bất kể người chủ đó là xấu hay là tốt, chỉ bởi vì sức mạnh của sự cô độc rất khủng khiếp.
Tôi hiểu là như vầy: khi trong cuộc sống của mình chỉ còn mỗi bản thân mình, khi loay hoay mãi không biết được cái lý do mà mình tồn tại, khi mọi người quay lưng lại mình, hoặc khi cái tôi to đùng cho không phép bản thân chấp nhận thứ tình cảm thương hại vụn vặt người ta ném cho... một người bất chợt hiện ra, thừa nhận sự tồn tại của mình và bảo rằng sự tồn tại của mình có một ý nghĩa nhất định đối với người đó, thì mình đương nhiên - tất nhiên - lẽ dĩ nhiên sẽ đem mạng sống của mình là phục tùng người đó.
Tôi thích cái vòng âm dương. Tôi không biết ai đã sáng tạo ra cái vòng hay ho đó. Chắc là một nhà triết học siêu phàm. Vì thậm chí khi đã chia đôi, bên phần Âm vẫn còn một chấm tròn Dương, và bên phần Dương cũng còn một chấm tròn âm. Điều này làm tôi nhớ đến một dạng quan hệ của khái niệm trong logic, MÂU THUẪN, nghĩa là khi cái này tồn tại sẽ không có cái kia và ngược lại. Tôi tự liệu trên đời có 2 khái niệm nào thực sự MÂU THUẪN không.
Chẳng hạn như vầy: hiền lành và độc ác là 2 khái niệm người ta cho là mâu thuẫn. Nhưng làm sao để xác định được một hành động của con người là hiền lành hay độc ác. Ví dụ: bẻ hoa tặng mẹ, với mẹ thì là hiền lành đáng yêu, nhưng với cây hoa thì lại là cực kỳ dã man tàn bạo.
Và khái niệm SỐNG - CHẾT cũng y chang như vậy. Ai bảo rằng không sống thì chết, mà không chết thì sống? Bởi giữa 2 khái niệm đó, vẫn còn chen ở đó là khái niệm TỒN TẠI. Nhìn bên ngoài, nó có vẻ giống sự sống, nhưng thực ra bên trong nó đã chết. Giống như sự mục rỗng của những bọng cây. Nhìn vào có vẻ cây vẫn còn tươi tốt, sum sê lá lắm, nhưng nhìn kỹ thì phần ruột đã bị mọt ăn hết rồi,chỉ trơ ra có một cái thân xù xì, còn lá ở trên cao kia cũng chẳng phải của nó, mà là của bọn ký sinh sống bám vào xác chết của nó, rút hết chất dinh dưỡng còn sót lại hoặc trèo lên đầu nó để đón nắng. Con người cũng vậy, có những người vốn đã chết rồi, họ không tìm được ý nghĩa nào cho sự sống của mình mà ngày ngày vẫn cứ phải hít thở, phải nói nói cười cười,... Đáng sợ lắm thay.
Nói cho cùng thì trên đời này chỉ có 2 loại người sống: loại sống để hưởng và loại sống để trả nợ. Loại sống để hưởng thì quả là may mắn, vì không cần ai họ vẫn sống tốt, họ vui khi bản thân mình cảm thấy thỏa mãn. Còn loại sống để trả nợ thì hoàn toàn không sung sướng bằng. Họ buộc cuộc sống của mình vào người khác và lấy hạnh phúc của người đó là mục tiêu sống của mình. Những người chưa nhận ra mình là loại sống trả nợ thì còn vui vẻ mà sống, còn loại đã nhận ra rồi thì ... chỉ sót tí nữa sẽ tự biến mình thành một thể TỒN TẠI.
Là một thể Tồn tại rất rất đáng sợ. Tôi liên tưởng đến những bộ phim chưởng của Hồng Kông hay Trung Quốc thường có cụm từ: muốn sống không được mà muốn chết cũng không xong. Chết thì dễ lắm, phăng một cái, hết đau đớn, hết nặng nề. Còn đằng này, không được chết mà ngày qua ngày phải chịu đau đớn, không cách gì thoát ra được. Trong thần thoại Hy lạp cũng có chuyện "sống không được mà chết không xong" này nữa. Đó là khi Zeus trừng phạt một vị thần bằng cách trói ông ta và cột, ngày nào cũng có một con chim đến rỉa gan của ông ta, đến hôm sau thì lại mọc ra gan mới, rồi con chim lại đến rỉa. Cứ thế, lặp đi lặp lại, đau khủng khiếp mà không chết được.
Là những thể tồn tại còn khủng khiếp hơn vạn lần so với chuyện "sống không được mà chết không xong" đó. Vì chí ít, người ta biết đau để mà sợ đau, để mà thèm được sống, hay được chết. Đằng này, là một thể tồn tại thì chẳng thể nào biết đau, hay thèm muốn bất cứ cái gì. Mục rỗng. Tôi nhớ có một sát thủ đã nói rằng "giết một kẻ không muốn sống là một điều vớ vẩn", tôi nghĩ, giết một kẻ không hề sống là một điều còn vớ vẩn hơn. Chí ít, kẻ không muốn sống thì muốn chết, giết anh ta nghĩa là thỏa mãn ý nguyện của anh ta, làm cho anh ta vui và hạnh phúc. Còn với kẻ không hề sống, giết anh ta chẳng khác nào lấy dao đâm vào một xác chết. Vô nghĩa lắm thay!
Quay trở lại chủ đề ban đầu. Khi một người không biết bản thân anh ta sống để làm gì, và chết để làm gì, thì bỗng có một bàn tay chìa ra bảo rằng: sự sống của người có ích cho ta. Thể tồn tại nào nghe câu đó mà không nhảy cẫng lên vui sướng chứ. Tự nhiên có người cho mình một mục đích để mà sống. Tự nhiên có người chìa tay ra kéo mình về gần với họ, cho mình một động lực để mà phát triển. Và cho một-cách-thành-thực. Rõ ràng, người đó muốn lợi dụng mình mà, việc đó thì mắc gì phải nói dóc, nghĩa là miễn mình còn có ích, thì người đó cũng còn cần mình - bất chấp cần cái gì của mình. Nó khác lắm với việc một đống người cười cười xúm lại an ủi động viên. Việc quái gì họ phải làm vậy? Nói dối, là nói dối đấy. Khi họ cảm thấy mình tốt hơn thì sẽ lặp tức bỏ mình thôi. Bởi vì, việc quái gì họ phải giúp mình? Vớ vẩn.
Thể tồn tại có cô độc không? Có. Cô độc đến mức chẳng còn khái niệm của sự cô độc nữa. Giống như vầy: một người ngoài trái đất đến thăm trái đất, nhưng khi vừa vào tới bầu khí quyển thì họ bị ƯỚT NHẸP bởi không khí. Giống như nếu con người ta sống dưới nước thì sẽ chẳng còn bị ướt nữa. Khi xung quanh mình cái gì cũng cô độc, thì hẳn là mình chẳng còn khái niệm gì về sự cô độc nữa. Khốn khổ thay, cái thế giới của mình thì cô độc, nhưng thế giới của những người xung quanh mình thì lại không cô độc một chút nào. Thế là mình nhìn thấy người ta cười cười vui vui, người ta chạm vào nhau rồi người ta hạnh phúc, tự động mình biết mình thiếu một cái gì đó. Khiếm khuyết. Thiếu sót. Nhưng không biết mình thiếu cái gì, giống như bị nhói mà không biết dằm nằm ở đâu. Vậy mới bảo là loay hoay. Vậy mới bảo là không lối thoát. Bứt rứt, khó chịu, nóng giận, phát điên, và cuối cùng là buông xuôi tất cả.
Cái gì là đúng đắn và tốt đẹp? Cái gì là mù quáng và sai trái? Mỗi một góc nhìn thì sẽ tìm ra một định nghĩa. Cho nên, chẳng có gì là đúng hay sai trong cuộc đời này cả. Đơn giản là chọn lựa sống hay là không sống mà thôi.
Stop.
0 comments:
Post a Comment