3/20/2010
Little Big Soldier
ĐẠI BINH TIỂU TƯỚNG REVIEW
Một người là đại tướng anh dũng ngoài trận mạc, đến chết vẫn không để quốc kỳ của nước mình rơi xuống.
Một người là tên lính già chuyên giả chết với quan niệm: sợ chết không có gì hổ thẹn cả, chết oan mới đáng hổ thẹn.
Từ đầu đến cuối phim, hai người không hề biết tên tuổi nhau. Tên lính già mưu tính bắt sống vị tướng quân kia hòng đổi lấy 5 mẫu đất để trồng trọt sống yên bình qua ngày, còn vị tướng quân thì vừa phải chạy trốn sự truy sát của huynh đệ mình, vừa phải chạy trốn tên lính già cà chớn kia. Quả là vất vả mà …
Lúc lọt vào hốc núi, vị tướng quân cứ lẩm bẩm về chuyện thống nhất thiên hạ, để cho bách tính ấm no hạnh phúc, còn người lính già kia cứ tự hỏi nên trồng lúa hay trồng đậu khi có được 5 mẫu đất. Trong 2 chuyện đó, chuyện nào quan trọng hơn? Tôi nghĩ mãi vẫn không ra. Nếu nói thiên hạ là quan trọng, phải đánh nhau để giữ gìn gia sơn xã tắc, thống nhất Trung Hoa là một việc đúng đắn, thì việc ru rú xó nhà, chăm bẵm cho 5 mẩu ruộng kia là một hành động trốn tránh hèn nhát. Nhưng nếu trên đời ai cũng an phận thủ thừa, không mưu đoạt quyền thế, trồng rau nuôi gà hưởng cuộc sống thái bình, thì có còn phải làm cái thứ gọi là “thống nhất các quốc gia”?
Đến cuối phim, bỗng vị tướng quân và người lính già đổi vai cho nhau. Người lính già về tới Lương Quốc và bỗng chốc phát hiện Lương quốc đã diệt vong, lặng lẽ lôi tấm quốc kỳ ra dựng lên, mũi tên giả ngày nào bây giờ đã được thay bằng hàng loạt những mũi tên thật xuyên qua người, lẩm bẩm mãi một câu: Lương quốc chưa diệt vong, còn có ta … Người lính già gục chết, tay vẫn nắm chặt vương cao ngọn quốc kỳ trong vô vọng. Còn vị tướng quân kia, về được Vệ quốc và lên ngôi vua, khi Tần quốc tiến quân đánh chiếm, lại không thực hiện việc “ngoan cường chiến đấu” hay “anh dũng hy sinh bảo vệ đất nước mình” mà lại đầu hàng vô điều kiện.
Có phải là vô lý?
Tôi không cho là vậy. Chọn chiến đấu, hay chọn an phận, nói cho cùng, cũng đều hướng đến một mục đích duy nhất là sự yên bình mà thôi. Người lính già đã mất tất cả, mưu cầu bình an bằng cách nào? Vị tướng quân kia còn cả bá tánh, liều lĩnh quyết tử để làm gì? Làm một anh hùng hy sinh trên chiến trận rất dễ, nhưng vẫn mãi là suy nghĩ cho bản thân mà thôi. Ngày xưa, người lính già vì một câu nói của cha “nhà mình phải còn người sống sót để nối dõi” mà chấp nhận hèn nhát giữ mạng trên chiến trường. Ngày nay, vị tướng quân vì không muốn bá tánh thiên hạ phải đánh đổi mạng sống chỉ để giữ hai chữ “quốc gia” mà chấp nhận cúi mình đầu hàng. Nói cho cùng, họ giống như nhau, đều là những nam tử hán đội trời đạp đất.
Bất giác tôi liên tưởng đến bộ phim Hero đã xem cách đây khá lâu. Cả một đời mưu tính việc giết Tần Thủy Hoàng, nhưng khi có cơ hội, bỗng chốc người sát thủ nhận ra việc mình đang làm chẳng qua chỉ là dựa vào cảm tính cá nhân, dựa vào những giá trị tinh thần đẹp đẽ mà hão huyền thôi. Nghĩ rộng một chút, xa một chút, hai chữ báo thù, hay 4 chữ danh dự quốc gia ấy không nuôi sống được thiên hạ. Cái mà những người dân kia cần, đâu phải là niềm tự hào dân tộc gì đó, họ chỉ cần một mẩu ruộng, một con trâu, để có thể an phận sống qua ngày mà thôi.
Không dám nói tư tưởng đó là đúng. Nhưng chắc chắn rằng tư tưởng đó không hề sai. Bộ phim chỉ mở ra một hướng nhìn mới, một lựa chọn mới trong vấn đề bình thiên hạ mà thôi. Thiên hạ Thái Bình, phức tạp thật, nhưng cũng đơn giản thật.
Ngoài lề:
Tôi thích nhân vật đệ đệ của vị tướng đó. Vẻ ngoài lạnh lùng và dũng mãnh, nhưng thực chất lại rất yếu đuối. Cả bộ phim chỉ thấy y dùng cung tên để bắn mà thôi. Cái cung tên ấy, là do đại huynh của y tặng. Khi giáp mặt đại huynh của mình, sát ý của y bỗng tiêu tan mất. Sâu thẳm trong tâm hồn, có lẽ chưa bao giờ y muốn làm điều đó. Trước khi chết, y nói, ta và ngươi, không bao giờ ngồi cùng một thuyền được. Huynh Đệ, nói cho cùng, vẫn là Huynh Đệ. Tuẫn táng theo y, vẫn là cái cung tên mà đại huynh của y đã tặng ngày xưa.
Các chi tiết hài trong bộ phim rất hợp lý. Xem không hề gượng. Còn cảnh quay thì miễn chê, quả là đẹp đến nao lòng người … nhất là cái cánh đồng hoa vàng kia …
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Mei. Powered by Blogger.
0 comments:
Post a Comment