Tình hình là dạo này đang rầu thúi ruột vì 3 lý do chính sau:
1/ Phá băng cái game rồi.
2/ Chẳng biết tìm đâu ra cái nguồn tớ thực sự tin tưởng để giải cho tớ 1 câu hỏi không lời đáp.
3/ Cái sự đời.
----------------------------------------------------
1/ Thực ra thì chưa có phá băng hoàn toàn, :D chỉ mới phá phân nửa thôi. Tức là, chưa có cái nhà cottage, cũng chưa có đủ Jewel of Truth và Power Berry, nhưng đã cưới chồng. Haiz... Cưới xong buồn quá sức. Mà lại cưới nhầm ngay mùa hè mới đau chứ. Thiệt sai lầm!
Sau đây là diễn giải đầy đủ cho những dòng trên:
Dạo này ghiền chơi Harvest Moon (có 1 bài kỳ trước giới thiệu về Harvest Moon đoá). Theo như những gì tớ đọc được trong giới thiệu về game thì nếu sưu tầm đủ 9 viên Jewel of Truth thì sẽ có khả năng teleport. Nếu sưu tầm đủ 10 quả Power Berry thì sẽ có năng lực vô song (nghĩa là lâu lắm mới kiệt sức). Và nếu tìm được đủ Cursed Tools thì sẽ phá được hòn đá khổng lồ chắn đường đi, và khi có được tài sản trị giá 999.999.999G và 999 Lumber thì tớ sẽ xây được cái nhà to --> vậy mới là phá băng, nhưng để làm được điều đó thì chí ít tớ phải sống trên 50 năm ở Mineral Town :D
Nhưng vấn đề là ngày hôm qua, tớ đã cưới chồng. Chồng của tớ là Doctor vốn làm việc ở Clinic mà tớ đã yêu từ cái nhìn đầu tiên, sau gần mấy tháng sưu tầm đầy đủ đồ dùng, mua giường đôi, mua thảm, ... tớ đã ruớc được anh ấy về nhà! Tớ tưởng vậy thì tớ sẽ vui lắm, ai dè... rước về xong tớ hối hận quá trời quá đất. Không phải vì anh xuống sắc :D ảnh thì lúc nào chẳng đẹp trai, cũng không phải vì ảnh vũ phu hay đáng chán hay ... ngược lại, ảnh ân cần âu yếm lắm. Nhưng tớ vẫn chán!
Lý do thì gồm 3 thứ thế này:
1/ hồi đó tớ thích ảnh vì thấy mặt ảnh lạnh lùng, và phong cách làm việc độc lập của ảnh. Còn bây giờ mỗi lần nhìn tớ là ảnh cười toe toét, vậy thì còn quái gì là lạnh lùng. Với lại, ảnh có tớ rồi mỗi sáng mỗi tối cứ gặp nhau miết vậy, anh hết ... độc lập rồi ! Hì...
2/ ngoài ra, vì tớ rất là ... tham lam. Ngoài anh ấy ra, tớ còn thích cả anh Kai (người chỉ đến vào mỗi mùa hè để ... bán kem) và ... ông Won nữa. Anh Kai thì nước da ngăm ngăm, chu du bốn phương, chỉ đến Mineral vào mỗi mùa hè, thành ra mùa hè nào tớ cũng phải chăm chỉ tích cực trồng dứa để tặng anh ấy, ngày nào cũng sang nói chuyện với anh ấy, thỉnh thoảng mua đồ ăn và có 1 lần còn phụ anh ấy bán hàng nữa. Nhìn cái mặt ngu ngu của anh ấy, theo 1 khía cạnh nào đấy, tớ thấy cực kỳ thú vị.
Còn việc thích ông Won chẳng qua là vì ông ta là ... một nhà tư bản xấu xa. Ông ta bán táo với giá gấp 3 lần bình thường, nổ banh trời về các quả táo, và bán hạt giống thì mắc không chịu được! Chưa kể việc ông ta tham vàng, mỗi lần tớ tặng vàng cho ông ta là mắt ông ta sáng rỡ lên. Tuy nhiên, nhìn cái mặt đểu không chịu được của ông ta thì ... vì 1 lý do nào đó tớ lại cảm thấy thú vị. :D
Tình hình là Gray cũng có cảm tình với tớ, Kai thì lên tim xanh luôn, Rick thì lên tim tím, còn Cliff thì tớ để vụt mất rồi :) Cưới bác sĩ Doctor xong thì lại thấy tiếc mấy anh đó quá! Hiz...
Thôi chắc chơi lại, lần này cua luôn con quái vật Kappa cho dzui :))
3/ Hừ, cưới nhau rồi mà ở nhà thì Doctor kêu tớ là honey, thía mà đi khám thì vẫn tốn 10g, đã vậy còn không phụ tớ việc đồng áng gì cả, đi làm về là lăn ra ngủ, hừ ... tức cha chả là tức!
Lý do thứ 2 của việc rầu thúi ruột của tớ thì phức tạp vĩ mô mà cũng ... ngu hơn nhiều. Đó là vì tinh thần học tập, cả tuần này tớ cố gắng đọc 3 chương trong cuốn QHQT, và tự tìm hiểu những khái niệm mà tớ không hiểu, cụ tỷ là tớ đã biết thế nào là hao mòn hữu hình - vô hình, thế nào là lợi thế tương đối - tuyệt đối, lũng đoạn là gì, và giá cánh kéo cũng như lý do vì sao bảo là "giá sp công nghiệp tăng nhanh hơn sản phẩm nông nghiệp, dù 10 năm trước thì 1kg gạo giá 4000d, 1 cái tivi màn hình lồi giá 4 tr, ngày nay 1 kg gạo giá 14000, cái tivi màn hình lồi giá 1 tr."... Nhưng có 1 thứ mà tớ không tài nào hiểu cho nổi: vì sao nói rằng sự xuất hiện của kinh tế CNXH làm gẫy (hỏng, sụp đổ, phá hoại...) TBCN? và tại sao 2 thứ CNXH và TBCN phải kình địch nhau? và thực sự thì kinh tế XNCH khác TBCN như thế nào?
Tinh thần học tập làm tớ lôi cuốn kinh tế chính trị và triết học mac-lênin ra đọc (khủng khiếp chưa! :)) Sau đó thì đi search trên mạng (tại tính tớ thì thích nghe cả 2 phía để đánh giá). Và cái tớ rút ra được là, tớ cóc có hiểu cái gì!
Thứ nhất, sách kinh tế chính trị của tớ chia làm 3 chương: 1 là phần mở đầu không có gì để nói, 2 là phần về tư bản chủ nghĩa và 3 là phần về "thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa". Choáng... không có cái gì thực sự là 100% xã hội chủ nghĩa? Vậy có phải là 1 bằng chứng hùng hồn để chứng minh ngay là "nhà xuất bản chính trị quốc gia" cũng không hề thấy rõ cái đích mà của XHCN mà nước ta muốn đến là như thế nào?
Thứ hai, nghe nhắc đi nhắc lại cụm từ "kinh tế thị truờng định hướng XHCN" mà tớ cứ tự hỏi: phải chăng đó là 1 tên gọi khác của tư bản chủ nghĩa? Kinh tế thị trường là nét đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa tư bản, trong khi CNXH mà Marc định nghĩa thì là "một nền kinh tế phi thị trường". Vậy ra chúng ta đã và đang xây dựng 1 nền kinh tế thị trường để hướng đến 1 nền kinh tế phi thị trường? Kinh tế mà không có thị trường thì là sẽ là nền kinh tế như thế nào? Bản thân từ kinh tế nghĩa là sản xuất và phân phối hàng hoá, vậy có phải kinh tế phi thị trường là một nền kinh tế mà 1 số người tình nguyện sản xuất không công một số sản phẩm và chia nó đều cho những người khác, hoặc giả, người và người đổi sản phẩm cho nhau, ai cần gì thì lấy cái đó, ... điểm duy nhất khác xã hội nguyên thuỷ trong hình thức này là người ta sẽ tự lấy cái mình muốn, nghĩa là sản phẩm chất đống dư thừa, không ai thiếu ăn không ai thiếu thốn cái gì cả, cho nên người ta muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Nhưng, lại nảy ra mâu thuẫn khác là cứ cho xã hội đó tồn tại đi, thì ai là người sản xuất? Ắt hẳn điều kiện kèm theo là người ta đã đạt tới trình độ mất hết tư duy, hoặc giả tư duy đã đạt đến 1 trình độ kinh hoàng nào đó mà không còn khái niệm tích trữ, làm giàu, cạnh tranh, ganh đua, ... đó là 1 xã hội mà người ta ra đường nhìn nhau cười thôi chứ chẳng có thể nói gì khác, vì nếu không còn ganh đua thì nói cái gì đây, ngẫm lại thì có phải tất cả những câu chuyện mà chúng ta đã và đang nói ra chỉ nằm trong 2 dạng sau đây:
1 là nói về người khác --> ganh đua.
2 là nói về chính chúng ta (bao gồm cả việc trình bày những kiến thức mà chúng ta biết) --> khoe khoang, vẫn là ganh đua.
Ganh đua là 1 phần tất yếu của con người, nó là 1 nhu cầu hoàn toàn tự nhiên và không thể biến mất dù trong bất cứ con người nào. Vậy chúng ta phải chờ đến tận thời đại nào mới làm mất được cái phần đó? Hay là chờ 1 xã hội con người khác mà chính chúng ta lập trình ra?
Thứ ba, tại sao trong như văn bản ca ngợi CNXH, tớ chưa hề tìm thấy một văn bản nào thực sự cụ thể, thực sự thuyết phục, tại sao chỉ toàn nói chung chung rằng "công bằng" "tự do" "bác ái" "bình đẳng", nhưng chúng là gì và chúng áp dụng như thế nào? Trong khi trong những văn bản thuộc dạng phản động, tớ lại nghe những ví dụ cụ thể, những minh chứng rõ ràng và những điều hoàn toàn khớp với lý lẽ? Họ nguỵ biện hay đến thế sao? Hay là do chính chúng ta biện luận quá dở? Hay tệ hơn, vì căn bản cái lý lẽ là vậy?
Tớ nghĩ là cái blog này chẳng ai rỗi hơi vào để mà bắt tớ vì tội nói những câu như trên, nhưng tớ cũng muốn khẳng định lại rằng tớ luôn tin rằng những "ông lớn" không tồi tệ như bọn phản động nói, tớ muốn khẳng định rằng tớ vẫn luôn tin những chính sách của nhà nước là do những cái đầu to hơn tớ rất nhiều nghĩ ra, nên việc tớ không hiểu và hoài nghi là chuyện đương nhiên.
Nhưng vấn đề là, tớ đang bị lung lay rất dữ dội. Và cái việc không trả lời được câu hỏi: tại sao chúng ta đi lên CNXH vẫn còn lẩn khuất lời giải, vì đất nước là tớ thấy là XHCN nhất hiện nay lại là Thuỵ Sĩ - một nước không hề hô hào 1 tiếng nào về CNXH, làm cho tớ cảm thấy không an tâm chút nào, bức bối quá sức!
Lý do thứ 3 là cái sự đời nhỏ nhặt hằng ngày lại làm tớ rối trí.
Tình hình là vầy: trong lớp logic học dạo này xảy ra những cuộc tranh luận rất thú vị, trong đó đáng chú ý nhất là 2 cuộc: có phải tiền là quan trọng nhất để phát triển giáo dục hiện nay? và có nên công khai hôn nhân của giới tính thứ 3?. 1 cái là vì các bạn cãi rất hay, và 1 cái là vì chủ đề hay.
Nhưng cái tớ để ý nhất không hẳn là vì cách cãi hay là vì chủ đề, mà là nhận xét của khán giả bên dưới (vì rảnh rỗi :D)
Thứ nhất, hình như bắt lỗi và chê người ta thì dễ hơn nhiều so với khen. Hoặc tớ đã hiểu lầm bản chất của chữ nhận xét: ra là nó có nghĩa là góp ý nhiều hơn là ngợi ca.
Thứ hai, ngừơi ngồi ngoài thừơng có thời gian và năng lực để xét đoán và bắt bẻ lý lẽ nhiều hơn là người trong cuộc, bằng chứng là những người nhận xét thường bắt đầu 1 câu rằng: "đáng lẽ các bạn (bên đội thua) phải nhận ra rằng các bạn kia (bên đội thắng) đã phạm sai lầm x,y,z ... " Oé, nhưng mà .... nếu bạn là người ngồi trong cuộc? Vậy có nên nhận xét như vậy không nhỉ?
Thứ ba, có 1 tình huốn thế này: bạn A. đứng lên nhận xét, nói gì đó không đúng về các bạn đội thua, và một bạn trong đội thua đã giơ tay lên với gương mặt rất chi là ... tràn đầy xúc cảm, may thay một bạn khác kịp thời ngăn bạn đó lại, chứ nếu bạn đó đứng lên mà nói, hẳn là sẽ mất cảm tình ghê lắm! Xét tới kết quả, thì hẳn là đã có ai đó ghét ai đó trong lớp rồi đấy. Đáng lo hay là thú vị nhỉ? :D
Thứ tư, tớ thấy rõ ràng có vài phiếu bỏ là do cả nể chứ không phải là do nhận xét thực. Chẳng hạn thế này, A 5 người cãi đều hay, đội B thì bị vướng 1 người cãi dở ẹt, lên nói gì sai đó. Tớ bỏ phiếu cho đội A dựa trên tinh thần đó, còn đội B thì có 2 bạn ở lớp tớ, không hiểu vì tương đồng quan điểm do người cùng lớp hay sao mà toàn thể lớp tớ lại bỏ phiếu cho đội B. Làm tớ ngại quá trời! Suýt tí nữa tớ đã hùa theo đám đông mà đi trái lương tâm rồi :D Đấy, suýt tí nữa có 1 phiếu do cả nể đấy :D heheeh!
Hết rồi... Entry dài, mệt wớ!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Mei. Powered by Blogger.
0 comments:
Post a Comment