1/20/2015

Những người xung quanh tôi: người bạn không biết tên

Những người xung quanh tôi

Lần này kể chuyện về một người mà đến cái tên mình cũng không biết: anh giữ xe ở nhà sách Lạc Xuân, đối diện chợ Gò Vấp.

Anh ấy còn trẻ, nhưng nhìn mặt thì có vẻ mình nên gọi bằng anh.

Nhà sách có một quy định bất thành văn là nếu bạn gửi xe để đi vào nhà sách thì bạn không mất phí, còn nếu bạn đi đâu đó khác nhà sách thì bạn hãy tự giác đưa tiền cho người giữ xe đi. Có một dạo, vì vấn nạn người gửi xe đi chỗ khác quá nhiều, nên những người thực sự muốn đi vào nhà sách không có chỗ gửi, nhà sách cấm nhận giữ xe cho những người không đi vào nhà sách. Nhưng rồi, chuyện cũng đâu vào đó, hễ người ta muốn phạm luật thì có 1000 cách để người ta phạm luật, ví dụ như gửi xe xong đi vào nhà sách đúng 1 vòng rồi quay ra đi chợ, hoặc đi chợ xong đi vào nhà sách đi 1 vòng rồi lấy xe ra về... Thêm nữa, là dạo này nhà sách ế. Bữa chở con Soul đi ăn kem, nó nhìn nhà sách Phan Đăng Lưu đóng cửa, cảm thán: trời, một thời tuổi thơ của tao.

Chịu thôi. Giờ Vinabook, Tiki, Lazada, vân vân vũ vũ, giảm giá ít nhất là 10%, còn tặng kèm đủ thứ, lại giao đến tận nhà, người mua đâu có quởn mà vô nhà sách mua nguyên giá. Nhà cung cấp đánh nhau, người có lợi cuối cùng là khách hàng. Lợi nhất là mấy đứa thích đi coi cọp, giờ không ai muốn/dám đuổi, ít nhất nhà sách cũng còn tí hơi người.

Mình lang bang quá rồi.

Mình cũng thường ghé Lạc Xuân. Lý do thì chỉ có 2: một là mua sổ/bút/thước, hai là coi cọp mấy cuốn sách - coi chừng 5 trang xem văn phong viết/dịch thế nào, nếu ok thì chụp lại cái bìa, về nhà lên Tiki order. Lại lang bang. Thường thì chủ nhật, mình chở mẹ lên chợ, hay gửi xe ở nhà sách, vì ở đấy vừa an toàn, rộng rãi, mà anh giữ xe lại sẵn sàng đẩy ra đẩy vô cho mẹ con mình, lại chỉ cần băng qua đường là tới chợ. Giá lại rẻ, chỉ có 3k. Muôn thủa 3k, chỗ trong chợ thì hẳn 5k mà lại còn bị hối thúc, xua đuổi.

Mình để ý mấy lần. Anh ấy luôn ưu tiên cho mẹ con mình. Luôn luôn. Hoặc là anh ấy sẽ dẫn xe cho mẹ con mình trước, hoặc là anh ấy sẽ dựng xe cho mẹ con mình ở chỗ nào đấy cực kỳ tiện lợi. Lần gần đây nhất, mình nhìn quanh quất trong bãi giữ xe, chẳng thấy xe đâu, nhìn sang cái hẻm vắng kế bên, xe mình đang đậu chễm chệ mình nó ở vị trí siêu thoáng, thế là mình và mẹ có một đống thời gian để quấn đồ đội nón các thể loại mà không sợ phiền ai. Anh ấy không bao giờ cáu gắt, chẳng bao giờ hối thúc người gửi xe phải dẫn đi nhanh nhanh tránh đường cho người khác. Mỗi lần nhác thấy bóng dáng mẹ con mình đang băng qua đường kết thúc chuyến đi chợ sáng, anh ấy lại dẫn xe ra để trước, không cần đợi mình chìa cái thẻ đòi xe. Ảnh nhớ mình đi chiếc xe nào.

Hoặc xe mình hơi bị nổi. Màu xanh. Hoặc mẹ mình hơi bị đẹp. Là mẹ mình, không phải mình. Mình không đẹp. Hồi trước có lần đi uống cafe với con bạn, ông giữ xe mặt mũi già chát, kêu con Fu là em, kêu mình là chị. Rồi gần đây thì vô tình phát hiện ra sếp cũ cho mình 5đ nhan sắc. Đệt! Có những người họ sẵn sàng tổn thương người khác một cách không hề ngại ngần. Có thể họ vô tâm, nhưng phần lớn là bản thân họ đã từng bị tổn thương quá nặng nên họ cho rằng thế giới này nợ họ, rằng họ có quyền làm tổn thương người khác, chỉ để chứng minh một điều là mình cũng đâu thua ai.

Quay lại anh giữ xe. Anh ấy rất ít nói, và mình còn thấy anh ấy hơi ngại trong khoản đòi tiền giữ xe. Thường là mẹ con mình quý anh ấy, mẹ lúc nào cũng đưa hơn một tí, có hôm đưa hẳn 5-10k, giá chỉ bằng tờ vé số, đổi lại được dịch vụ thượng đẳng thì thấy rất đáng. Còn với ai cố tình quên đưa tiền gửi, anh cũng im im đi luôn. Chỉ có ông bác già đồng nghiệp lên tiếng đòi. Bữa còn mỗi 2k và 50k, anh lấy 2k không ngại ngần, không chèo kéo. Lần sau, mẹ cho hẳn 10k.

Anh ấy làm mình nhớ tới anh bán bún tươi ở mặt tiền chợ. Chuyện là, hồi xưa có 2 sạp bún kế nhau, một sạp thì chị kia bán, già thôi chớ lại còn khó tính, bán hàng mà mặt mũi sưng sỉa, không đến nổi đuổi khách nhưng chẳng thân thiện tẹo nào. Ngay kế bên là sạp của anh bán bún, cười suốt ngày, gặp ai cũng cười cũng giỡn, khách mua nửa ký bún cũng cảm ơn vui vẻ. Thế là, TẤT CẢ mọi người đều xúm vào mua của anh bán bún. TẤT CẢ. Ý mình là, thậm chí bên anh bán bún rất đông người, đông đến nỗi chờ đợi tới lượt mua thì người ta cũng sẵn sàng xếp hàng chờ, vì ảnh vừa bán vừa cười, còn sạp kế bên, chị già ế đến mức mở miệng chào hàng người ta cũng làm lơ. Thế là, chị già nghĩ chắc mấy người đi chợ mê trai, chị già kêu chồng ra bán. Chồng chị ấy cũng thức thời, ra bán cũng cố gắng vui vẻ với khách hàng. Giờ thì cũng đỡ, ý mình là, nếu bên anh bán bún đông quá, người ta cũng miễn cưỡng mua ở chỗ anh chồng chị già cho nhanh, chứ không như hồi xưa kì thị ra mặt. Nhưng đấy là trường hợp đông người thôi, chứ ế thì chắc chắn là mua bên anh bán bún rồi.

Đấy là, dịch vụ khách hàng thượng đẳng ở một sạp bún bèo nhèo.

Kết luận cho nhanh để còn đi ăn cơm chứ cứ đi lang bang từ tiệm giữ xe tới tiệm bán bún một cách không kiểm soát thế này thì nguy quá.

Không ai có thể vả vô một gương mặt đang tươi cười được. Chưa chắc anh giữ xe biết những hành động nhỏ của ảnh lại có ý nghĩa lớn với mình như vậy. Con gái chạy ra đường thì phiền phức lắm, nào đội mũ đeo bao tay khẩu trang mắt kính quấn khăn mang vớ... Và mình lại sợ phiền người khác nếu quá trình đó của mình ảnh hưởng làm người khác phải chờ đợi. Bởi vậy, khi ảnh dắt xe cho mình đến nơi thông thoáng, khi ảnh không bao giờ hối thúc mình, ý nghĩa nhiều hơn là một người giữ xe bình thường.

Thậm chí, có thể tính là, một người bạn.

0 comments:

Post a Comment

Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis