1/20/2013

Văn hóa Osaki Ni và Cái bồn cầu Nhật bản

Cần phải đính chính trước là tôi chưa bao giờ ở Nhật cả, cho nên những gì tôi viết trong bài dưới đây hoàn toàn là do đã đọc kha khá bài viết của các vị đã ở Nhật và check với người quen đã từng ở Nhật - nếu có gì sai sót xin vui lòng bỏ qua cho =))

1. Văn hóa Osaki Ni...

Câu đầy đủ là "Osaki Ni Shitsurei Shimasu", tạm dịch là "xin lỗi tôi về sớm nhé". Câu này được dùng khi mình làm xong công việc, và đi về trước những người khác trong công ty. Điều này không có nghĩa là mình về trước giờ tan tầm, mà là về trước người khác. Giả dụ: 5g30 là tan tầm, mình làm việc tới 10g tối, mình đi về nhưng nhìn thấy đồng nghiệp vẫn đang làm việc, thì mình nói là "Osaki Ni..."

Lần đầu tiên biết tới văn hóa này, tôi thấy: trời ơi hay ho quá, lịch sự quá, mình phải học tập mới được.

Tuy nhiên, vài lần sau thì tôi bắt đầu đâm ra ngờ ngợ. Nhất là khi nhìn những người xung quanh tôi. (À, không phải tôi đang làm trong công ty Nhật đâu, tôi làm trong công ty của Ý, mà làm gần với bộ phận phụ trách khách hàng Nhật, giám đốc tôi là người Hong Kong, cho nên nó lai đủ thứ hầm bà lằng).

Vài lần sau nữa, khi tôi đọc thêm một câu chuyện, rằng có 2 cô gái trong văn phòng, đã làm xong việc của mình lúc 5g30, nhưng cứ ngồi tới 10g, không dám về sớm vì trong công ty chưa ai về, họ đi về sớm thì thấy có lỗi quá. Tôi bắt đầu nhận ra có thứ sai lầm gì đó ở đây.

Và vào một ngày đẹp trời, tôi bồi hồi xao xuyến phát hiện ra có 1 cái trò mắc cười ghê gớm trong công ty tôi: chị kia đã làm xong việc, nhưng không về mà ngồi đọc báo tới tận 6g30 hoặc 7g mới ra về - ngày nào cũng vậy. Ồ, tôi khá chắc mạng nhà chị ấy tốt, laptop chị ấy cũng tốt, chị ấy có phòng riêng và các thể loại tiện nghi khi về nhà. Vậy câu hỏi là: tại sao chị ấy ngồi lại công ty? Đơn giản thôi, rủi 6g15, sếp đi ra dạo một vòng, sẽ thấy chị ta vẫn chau đầu vào máy tính như thể chăm chỉ kinh lắm...

Con bạn tôi cũng vậy, ngày nào cũng ráng ngồi thêm một chút, để mình không phải là người rời công ty sớm nhất, dù cái việc ngồi thêm đó chỉ là lướt facebook, đọc báo, youtube - những thứ không làm ra tiền thì thôi chớ lại còn tốn 1 đống tiền phí mạng của công ty nữa.

Vì thế, tôi không nói "Osaki ni..." nữa. Cách giải quyết vấn đề của tôi là, khi tôi làm xong việc của mình, tôi sẽ hỏi xem có ai cần tôi giúp đỡ gì không. Nếu cần, tôi sẵn sàng ở lại giúp, nếu không, tôi đi về. Đừng hiểu lầm rằng tôi coi thường văn hóa Nhật, chẳng qua, tôi không thích nó chút nào. Người Nhật họ có cái hay của họ, nhưng style làm việc thì tôi thích đề cao hiệu quả, kết quả, thành quả, bộc trực và dứt khoát kiểu Mỹ. Văn hóa Nhật nếu đem áp vào cái kiểu làm việc của những con người Việt Nam ở công ty tôi, chắc chắn sẽ thành một trò cười lai căng kệch cỡm. Tôi sẽ xin lỗi khi tôi chưa làm hết sức cho công việc, tôi sẽ xin lỗi nếu việc tôi làm có lỗi, nhưng tôi sẽ không xin lỗi vì tôi đi về trước bạn. Vậy đó.

2. Cái bồn cầu Nhật Bản

Chuyện đọc được từ một blogger nọ kể về các chức năng siêu phàm của cái bồn cầu Nhật Bản: tự động hoàn toàn từ việc xả nước, xịt nước chùi rửa (O.o|||) , sấy khô (O.o|||), làm ấm phần tiếp xúc giữa bồn cầu và mông của bạn, và đừng vội ngạc nhiên vì phần đáng ngạc nhiên nhất chưa kể tới đâu: cái bồn cầu Nhật bản còn cung cấp cả chức năng phát ra một tiếng động du dương nào đó để che giấu những âm thanh thuộc về tự nhiên mà vô cùng khiếm nhã =)) ví dụ như phát ra 1 đoạn nhạc, 1 tiếng nước chảy, tiếng chim hót hay tiếng suối róc rách để che đậy thứ âm thanh của 1 vật thể rắn rơi vào vũng nước (tủm tủm chẳng hạn) =))

Thiệt là tuyệt vời nhỉ. Khi biết tới chức năng này, lời đầu tiên tôi nói là: sao mà họ có thể chu đáo đến mức giúp người ta che đậy cả khuyết điểm như thế.

Vài ngày sau, tôi lại có second thought (tôi luôn luôn có second thought sau một thời gian tâm đắc điều gì đó). Rằng, làm thế để làm quái gì. Chẳng hạn như khi tôi đi vào toalet, từ một buồng nào đó tôi cứ nghe một đoạn nhạc du dương phát lên, thì tôi sẽ liên tưởng tới cái gì. Tới người chơi nhạc, nhà soạn nhạc, hay là tới chuyện tủm tủm?

Chuyện kể rằng, có một cậu chàng kia đi ra mắt bố mẹ vợ, hồi hộp thế nào lại đánh rắm 1 phát thật to, thế là cậu chàng tìm cách dịch ghế tới lui để làm che giấu điều đó, như thể là cái tiếng đánh rắm cậu ta vừa phát ra không phải tiếng đánh rắm đâu, mà là tiếng ghế bị kéo dịch qua dịch lại đấy. Ông bố vợ thấy thế, bèn cười bảo: "éo giống".

Giải pháp của tôi là, đã lịch sự thì lịch sự cho rót, thay vì thêm chức năng phát ra âm thanh du dương, thì gắn nguyên cái hệ thống cách âm cho từng buồng cho rồi....

3. Tại sao văn hóa "Osaki ni..." lại đem đặt chung với "Cái bồn cầu Nhật Bản"?

Điểm chung của 2 điều này, đó là "định nghĩa về sự lịch sự".

Âu là, định nghĩa này xuất phát từ lối suy nghĩ đề cao tập thể đến vô cùng của người Nhật. Họ cực kỳ sợ rắc rối cá nhân của họ làm ảnh hưởng đến người khác. Họ cảm thấy có lỗi khi mình rời văn phòng sớm hơn người khác, và những âm thanh mình tạo ra làm người khác khó chịu. Họ được giáo dục nghiêm khắc đến mức gần như là tẩy não về việc đặt lợi ích riêng của mình dưới lợi ích chung. Trận sóng thần và sức quật cường của người Nhật rõ ràng là xuất phát từ điều này, không ai hôi của, không ai cướp của ai, mọi người trật tự chờ đợi tới lượt mình vì một cái lợi ích tập thể - điều này là quá sức tuyệt vời.

Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Tại sao Nhật Bản giàu có như vậy, người dân sống trong môi trường hiện đại như vậy nhưng lại nằm trong top 10 tỷ lệ tự sát cao nhất trên thế giới?

Vậy đó.

Cá nhân tôi, tôi chọn lối sống ích kỷ, thực tế và lịch sự. (Phải nói thêm là lịch sự, bởi người ta hay nhầm lẫn giữa ích kỷ và bất lịch sự - thiệt khó hiểu =)) )

0 comments:

Post a Comment

Mei. Powered by Blogger.
© Moonland 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis