Hôm nay tôi bỏ ra 3 tiếng đồng hồ ngồi coi Bá Vương Biệt Cơ.
Review đơn giản có một câu thôi: dù biết đến phim này từ một động fangur, nhưng (nói một cách nhẹ nhàng là) nếu coi phim với động cơ fangur thôi thì đừng coi làm gì. Vì nó chẳng thỏa mãn fangur chút nào, và vì bản thân quá xúc phạm một bộ phim như vậy.
Nói thẳng ra thì đây không phải là tuýp phim tôi thích. Tôi thích cao trào, thích khi mọi thứ bị dồn cục và đẩy cảm xúc của mình lên cực hạn. Tiết tấu phim này thì đều đều, trong mỗi đoạn lại có một tình tiết nhỏ mà bản thân không ngờ là lại có thể nhớ. Những tình tiết siêu nhỏ như lời rao "mài dao đi", hay "gái điếm thì suốt đời vẫn là gái điếm" đem đến một dự cảm bất lành.
Review về phim trên mạng thì vô số rồi. Cảm nhận sâu sắc nhất của tôi khi coi phim này, không phải sự chung thủy, cố chấp, không phải phản bội cũng không hẳn là dấy lên lòng căm thù một cuộc cách mạng văn hóa (mô phật, làm sao có thể căm thù một thứ đã chết ngắc từ thủa nào...), mà chỉ gói gọn trong 3 chữ: sự tầm thường.
Tầm thường đến trớ trêu.
Sở Vương tầm thường. Sở Vương không có tài, chỉ là chăm chỉ và gặp thời, cũng ham mê sắc dục, anh hùng rơm và nông cạn chỉ nhìn được mỗi cái sự cố chấp và bề mặt sự việc. Đỉnh điểm của sự tầm thường đó là việc sợ vãi cả ra, nói tuốt tuồn tuột những điều mà anh ta suy nghĩ, và những điều đó lại đẩy anh ta sâu xuống đáy của sự tầm thường. Human-being ~
Tôi cảm nhận sâu sắc sự giống nhau đến lạ của hai nhân vật Người Vợ và Ngu Cơ. Người Vợ cần một lý do để sống, Ngu Cơ cũng cần. Người Vợ đem đặt lý do đó và tay Sở Vương, Ngu Cơ đem đặt vào tự tôn cá nhân của anh ta. Khi Sở Vương lộ mặt hèn nhát, Người Vợ đơn giản không chấp nhận được, và cô mất đi lý do để tiếp tục sống. Khi sự tự tôn của Ngu Cơ bị chà đạp hết lần này đến lần khác, anh ta cũng chọn cái chết.
Tại sao lại là sự tự tôn. Ngu Cơ đến với chính kịch và lấy đó làm mạng sống của mình, một lòng luyện tập vì anh ta bật khóc khi nhìn thấy những diễn viên trên sân khấu, anh ta khao khát cái vị trí đó, khao khát sự lộng lẫy đó. Và với tài năng trời phú, anh ta đạt được. Sau đó, một loạt biến cố diễn ra, đỉnh điểm ở lúc người mà anh ta coi là đệ tử không còn sợ hãi sư phụ như anh ta đã sợ hãi sư phụ mình, hắn hất đổ thau nước và bỏ đi. Đến cuối phim, một câu ngày xưa "ta vốn là nam, không phải nữ" nhưng một đòn giáng thẳng vào chút niềm tin còn sót lại.
Lúc đó, Ngu Cơ chợt nhận ra không thể tìm được đáp án cuối cùng cho toàn bộ lý do sống của mình. Anh ta là Ngu Cơ, thời hoàng kim nhất, người ta suy tôn rằng anh ta đã đem Ngu Cơ sống dậy, và anh ta chính là Ngu Cơ hoàn hảo nhất. Nhưng đến cuối cùng, anh ta không phải là Ngu Cơ. Anh ta vẫn là nam, không phải nữ, và cả cuộc đời sống trong chính kịch của anh ta kết thúc. Ảo mộng vỡ tan. Anh ta đem cái chết của mình, trở thành một Ngu Cơ trọn vẹn...
Là cố chấp hay là thủy chung?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Mei. Powered by Blogger.
0 comments:
Post a Comment