6/05/2024
Reflection nửa năm - 2 - hãy nói về bản thân thay vì người khác
Reflection nửa năm
Vấn đề của mình là mình ghét cả cái thế giới này.
Sáng nay mình nghĩ ra một chuyện, mình đã từng tự cười nhạo bản thân là đạo đức giả khi thay vì ghét một người thì mình đi phân tích tâm lý và chứng bệnh của họ, thay vì xem họ như một con người đáng ghét thì mình chọn xem họ như một con bệnh. Nhưng hôm nay mình nghĩ ra, xem họ như con bệnh không ảnh hưởng đến họ, mà giải thoát cho mình khỏi cảm giác ghét bỏ ai đó. Cảm giác ghét ai đó thực sự toxic và nặng nề dữ lắm. Mình cứ liên tục nghĩ về những con người mình ghét, và điều này gây phân tâm và ngốn năng lượng dữ dội.
Vấn đề là, mình ghét cả thế giới. Mình ghét từ nhà nội đến nhà ngoại, ai mình cũng ghét. Thậm chí đến người nhà mình, những người tối cận với mình, mình cũng ghét nốt. Chính xác là mình ghét cái cách họ cư xử, mình nhìn ra ai cũng bị tâm thần. Nghĩa là, ai cũng có vấn đề trầm trọng trong cách cư xử hết. Thí dụ như ông nội bị nghiện ngập, do chứng nghiện này kéo dài từ tuổi trẻ đến tuổi già, mình không biết tuổi thơ ông nội gặp phải nghịch cảnh gì, nhưng mình đồ là gene của ông nội chẳng tốt lành mấy khi bà cố mẹ của ông nội có 2,3 đời chồng. Cho nên ông nội hành xử theo kiểu phải nhậu nhẹt chơi bời hút thuốc gái gú và hoang tưởng rằng bản thân còn trẻ và đẹp trai, bên nhà nội mình thực sự cần gương soi để ý thức hơn về bản thân. Còn bên ngoại thì bị ám ảnh bởi việc bị người khác chê cười, nghịch cảnh tuổi thơ và gene của bà ngoại thì mình biết rõ hơn, khi phải dành cả tuổi thơ để cạnh tranh sự chú ý của ba mẹ trọng nam khinh nữ trong gia đình nhiều con gái, mẹ và các dì mình đều hình thành một kiểu tâm lý méo mó và một năng lực - mình mới công nhận đó là một "năng lực" thay vì gọi đó là thói xấu - kì diệu, là phút trước có thể phỉ báng sau lưng một người một cách khủng khiếp, phút sau lập tức có thể tươi cười xun xoe người đó. Bắt đầu từ chiều hôm qua mình gọi đó là một loại "năng lực", vì mình éo có được cái năng lực sống 2 mặt trơn tru không hề cấn tâm lý đó. Từ lúc nhận ra, thì mình đã không thể sau lưng nói xấu trước mặt xun xoe như không có chuyện gì được, cái sự cố đứng ra chỉ trích Mark trong bas4 ở công ty Masan chính là điển hình cho việc mình không có cái năng lực kì diệu này.
Thành ra, ba mẹ mình là hỗn hợp đối lập hòa nhập vào nhau và hấp thu trọn vẹn thói xấu của nhau chứ không chữa được cái gì cả. Mình gọi hỗn hợp này là : tự cao tự đại nhưng lại thiếu tự tin. Không paradox đâu, cực kỳ hợp lý là đằng khác. Những người mắc chứng "tự cao tự đại nhưng lại thiếu tự tin" có các biểu hiện thường thấy là: họ tránh việc học thứ mới do không chịu nổi việc mình không giỏi và phải hỏi ai đó về loại kiến thức mới này, họ tự cho mình là đúng ở những lĩnh vực mà họ cho là "của họ", bảo thủ và ít khi chịu tiếp thu ý kiến mới, thí dụ như góp ý cách nuôi con thì họ sẽ gào lên rằng họ đã nuôi 12 đứa con rồi không biết hay sao mà phải nói, họ đặc biệt nhạy cảm trong ý kiến trái chiều, không đồng ý với họ nghĩa là không tôn trọng và coi khinh họ. Ngoài ra, họ đặc biệt để ý một cách ám ảnh bệnh lý có chút hoang tưởng về việc người khác sẽ tập trung chú ý vào họ bất kể họ đang làm gì, thành ra họ không dám làm những điều họ không chắc mình làm được vì sợ người khác coi khinh mình. Nếu xét theo ngạn ngữ đúng 90% trường hợp "suy bụng ta ra bụng người" thì họ thường xuyên chê bai dè bỉu người khác, nên trong thâm tâm họ nghĩ rằng người khác cũng sẽ chê bai dè bỉu họ. Nhưng lĩnh vực và vấn đề họ nghĩ sẽ bị dè bỉu thường là mang tính chủ quan rất cao, và rất thiếu chính xác.
.
Từ ngày đi học bơi, hoặc cũng có thể do đọc đúng sách (Dopamine Nation), hoặc do coi quá nhiều Huberman, đại khái là, mình đã đạt tới mức độ "éo care" nội tâm sâu sắc nhất trong hơn 35 năm sống trên đời. Mình nghĩ chuyện cắm đầu đi học bơi mà không sợ bị cười nhạo đã khiến mình trở nên mặt dày mày dạn hơn. Kèm theo những lần tự mình học bơi mà không sợ bị người ta nói đang làm trò con bò gì vậy, thí dụ như flipturn. Mình kệ bà thiên hạ đúng theo nghĩa đen. Và điều này còn kéo theo hành vi thông thường của mình như cách nghĩ, cái gì đã dám làm thì phải chịu hậu quả. Mình dám nói xấu thì mình không sợ người đó nghe. Mình ngứa mắt thì mình nói. Bữa đi BNI mình có sợ thật, nhưng mình đúng kiểu có gì nói đó, cỡ nào nói cỡ đó, mình có nghĩ rằng người ta sẽ không có hợp tác với mình do mình không có cung cấp được cho người ta cái gì thực sự mang lại lợi nhuận, nhưng mình đơn giản là công nhận chuyện đó, chứ không đính kèm thêm cảm giác tự ti dư thừa gì đó. Điều này khiến mình sống nhẹ nhàng hơn.
.
Ngoài ra, việc viết journal sống thật - nghĩa là nếu có trắc trở trong tư duy thì mình viết hết trắc trở đó ra, khó lắm, nhưng nó cũng khiến mình nhẹ nhàng đầu óc hơn. Rõ ràng, writing is a therapy.